(BTĐKT)-Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 29/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “ Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND về việc thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”;
Sau gần 2 năm Hội đồng Thi đua –Khen thưởng tỉnh vừa sơ kết đánh giá việc chỉ đạo điểm như sau:
1. Tổ chức thực hiện:
Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã ban hành Kế họach và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng; các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện. Các văn bản được triển khai quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở, làm chuyển biến nhận thức trong các cấp ủy đảng, cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân; các Đảng ủy, chi bộ cơ sở xác định phát triển “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và “xây dựng nông thôn mới” là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, điều hành.
Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện luôn được kiện toàn; thành lập Tổ giúp việc và Văn phòng điều phối Chương trình. Phân công thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phụ trách huyện để chỉ đạo thực hiện Chương trình. 100% số xã, thị trấn đã thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới gồm 20 tiêu chí - 59 chỉ tiêu. Phân công nhiệm vụ cho 13 sở, ngành phụ trách từng tiêu chí nông thôn mới và phối hợp với Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; quy định mức khen thưởng thi đua theo từng tiêu chí, nhóm tiêu chí đạt chuẩn và quy định mức khen thưởng cho xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới chủ yếu bằng công trình trị giá trên 42 tỷ đồng. Nghị quyết của Tỉnh ủy: phấn đấu đến năm 2015, có 30 xã và đến năm 2020 có tối thiểu 60 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai thực hiện tốt với cả hệ thống chính trị cùng tham gia.Sau khi tỉnh phát động thi đua xây dựng nông thôn mới, các huyện đã làm lễ ra quân phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được tăng cường. Biên soạn và phát hành trên 3.100 cuốn tài liệu hỏi – đáp, trên 31.000 tờ bướm về nội dung bộ tiêu chí nông thôn mới đến hộ dân vùng nông thôn. Đã tổ chức được gần 500 cuộc họp, với tổng số gần 20 ngàn lượt người tham dự, làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ lãnh đạo, đảng viên, hội viên các cấp hội và người dân.
Tỉnh đã mở gần 50 lớp tập huấn cho trên 5.000 người để hướng dẫn nội dung tiêu chí, triển khai kế hoạch lộ trình thực hiện tiêu chí nông thôn mới.
Đến nay 100% số xã đã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới, được UBND huyện ký quyết định phê duyệt; Đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện và Đề án xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh đã hoàn thành, được UBND tỉnh phê duyệt.
Đã hoàn thành việc lập Quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã, được UBND huyện ký quyết định phê duyệt và tổ chức công bố quy hoạch ra dân.
2. Kết quả triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới:
UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua; hàng quý tổ chức họp giao ban với cấp huyện; hàng tháng Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng Ban điều phối đi kiểm tra các xã; hiện đã kiểm tra giám sát 30% số xã.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trong năm đạt 953 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 13,33%). Vốn đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới nhân dân đóng góp 55%.
Kết quả xây dựng nông thôn mới: Tính đến hết năm 2012 có 3 xã đạt trên 15 tiêu chí, chiếm 2,21% so TS xã (Dự kiến xã Vĩnh Châu, Thị xã Châu Đốc sẽ được công nhận là xã Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào ngày 2/9/2013); 6 xã đạt trên 13 tiêu chí, chiếm 4,41% so TS xã; 21 xã đạt từ 11 - 12 tiêu chí, chiếm 15,44% so TS xã; 90 xã còn lại đạt từ 7 - 10 tiêu chí.
3. Chọn điểm chỉ đạo: Tỉnh chọn 01 huyện và 05 xã để chỉ đạo điểm gồm:
a) Việc chỉ đạo điểm cấp huyện: Đã tổ chức tốt chỉ đạo điểm đối với huyện Thoại Sơn. Địa phương đã tổ chức triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân hiểu và đồng tình tham gia. Ngày ra quân có gần 1.000 người tham dự. Chủ tịch UBND các xã ký bản giao ước lớn màu vàng để ngay phòng họp UBND huyện để hàng tháng họp báo nhắc nhở các xã cố gắng phấn đấu hoàn thành tiến độ đã cam kết. Huyện đã bố trí từ ngân sách khen thưởng thêm cho xã đạt tiêu chí nông thôn mới, như mức khen thưởng của tỉnh.
Thoại Sơn đã hướng dẫn cụ thể từng chỉ tiêu nông thôn mới cho các ngành, đoàn thể phụ trách và UBND xã, thị trấn để có cơ sở đánh giá đúng thực trạng, mức độ đạt được các tiêu chí trên địa bàn. Ban Chỉ đạo cấp huyện đã xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình, các giải pháp thực hiện giai đoạn 2010-2015 và đến năm 2020. Huyện ủy và UBND huyện còn cử nhiều đoàn tác đến các xã, thị trấn để dự triển khai đề án, kế hoạch xây dựng nông thôn mới cấp cơ sở. Đề án Xây dựng nông thôn mới huyện Thoại Sơn được UBND tỉnh phê duyệt ngày 10-3-2011, với tổng vốn nhu cầu giai đoạn 2010-2020 hơn 3.000 tỷ đồng ( 2010-2015 trên 2.280 tỷ đồng).
Thoại Sơn phê duyệt xong đồ án quy hoạch cho tất cả các xã, thị trấn về “sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ”; về “phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã”, UBND huyện phê duyệt xong đồ án quy hoạch 13 xã. Các xã đang triển khai thực hiện theo quy hoạch.
Năm 2012, GDP huyện đạt 12,26%; mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 17 triệu đồng/người/năm. Huyện có diện tích lúa ứng dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt 91,81% (quy định là 95%), chương trình “1 phải, 5 giảm” gần 12% (quy định đến năm 2015 là 30%). Về diện tích sản xuất giống lúa đạt 3,80% (quy định 5%), có 5/17 xã và thị trấn đạt (chiếm 29,41%)…
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, Thoại Sơn hiện có 33,94% diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới – tiêu bằng hệ thống trạm bơm điện (quy định là 50%) trong đó 4/17 xã, thị trấn đạt quy định (chiếm 20,5%) và có 3 xã đạt quy định đến năm 2020. Về diện tích sản xuất lúa thu hoạch bằng cơ giới đạt 73,71% (quy định là 40%), có 16/17 xã và thị trấn đạt (chiếm 94,1%) và 12 xã đạt quy định đến năm 2020.
Hiện tại, bình quân 14 xã tỉ lệ đường giao thông chính về đến trung tâm xã đạt chuẩn 82,35% (quy định đến năm 2015 100%), đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đến các ấp, đường liên ấp và đường ra cánh đồng đạt chuẩn 37,17% (quy định đến năm 2015 là 40%). Hệ thống thủy lợi toàn huyện chỉ mới đáp ứng được 89,35% (quy định đến năm 2015 là 100%), có 6/17 xã và thị trấn đạt (chiếm 35,2%); kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa đạt được 54,51% (quy định là 35%), có 14/17 xã, thị trấn đạt (chiếm 82,35%) và 13 xã đạt quy định năm 2020. Tỉ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp có hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh 44,07% (quy định 30%), 11/17 xã, thị trấn đạt (chiếm 64,7%)…Năm 2012 có hàng chục đoàn khách trong ngoài tỉnh đến thăm quan và trao đổi kinh nghiệm. Kết quả cụ thể:
- Toàn huyện năm 2011:
+ Về tiêu chí có 1 xã đạt 7TC, 1 xã đạt 6TC, 4 xã đạt 5TC, 6 xã đạt 4TC, 2 xã chỉ đạt 3TC.
+ Về chỉ tiêu: 1 xã đạt 34 CT, 1 xã đạt 29 CT, 3 xã đạt 25CT, 4 xã đạt 24CT, 1 xã đạt 23 CT, 3 xã đạt 22CT, 1 xã đạt 21CT.
- Toàn huyện năm 2012:
+ Về tiêu chí: có 1 xã đạt 12TC, 1 xã đạt 10TC, 1 xã đạt 7TC, 4 xã đạt 5TC, 4 xã đạt 4TC và 3 xã đạt 3TC.
+ Về chỉ tiêu: có 1 xã đạt 46CT, 1 xã đạt 41 CT, 1 xã đạt 38CT, 3 xã đạt 34CT, 1 xã đạt 32CT, 3 xã đạt 31CT, 2 xã đạt 30CT, 1 xã đạt 28CT và 1 xã đạt 21CT.
b) Việc chỉ đạo điểm cấp xã:
Các xã được chọn chỉ đạo điểm đều là xã trung bình của địa phương. Đối với xã điểm trong năm Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra 2 lần, lần đầu trong quý I để giúp xã hoàn chỉnh kế hoạch và chỉ ra những điểm mạnh để phát huy điểm yếu để khắc phục; lần 2 đầu quý IV để đánh giá chung. Các ngành, đoàn thể cũng quan tâm tập trung chỉ đạo các xã điểm.
Xã Long Điền A, huyện Chợ Mới: Công tác tuyên truyền vân động xây dựng Nông thôn mới luôn đặt lên hàng đầu. Năm 2012 vận động nhân dân đóng góp trên 3 tỷ đồng. Năm 2011 xã chỉ đạt 6 tiêu chí và 28 chỉ tiêu tính đến nay đã đạt 15/20 tiêu chí và 34/59 chỉ tiêu.
Xã Vĩnh Phú: Là xã có phong trào xã hội hóa mạnh của huyện Thoại Sơn; đạt kết quả khá năm 2011 chỉ đạt 6 tiêu chí và 26 chỉ tiêu thì đến nay đã đạt 15 tiêu chí và 34 chỉ tiêu.
Xã Vĩnh Châu, Thị xã Châu Đốc: Đã có cố gắng vượt bậc nếu năm 2011 xã chỉ đạt 3 tiêu chí và 24 chỉ tiêu thì sau 1 năm đã đạt 17 tiêu chỉ và 37 chỉ tiêu; sắp được công nhận xã NTM.
Xã Vĩnh Gia: Là xã miền núi đông đồng bào dân tộc thuộc huyện Tri Tôn; đã có cố gắng cao và chuyển biến rõ; năm 2011 chỉ đạt 5 tiêu chí và 24 chỉ tiêu thì nay đã đạt 8 tiêu chỉ và 26 chỉ tiêu.
Xã Núi Voi: Là xã miền núi đông đồng bào dân tộc thuộc huyện Tịnh Biên nhưng đã có cố gắng cao đã chuyển biến tôt; năm 2011 chỉ đạt 6 tiêu chí và 24 chỉ tiêu thì sau 1 năm đã đạt 12 tiêu chỉ và 32 chỉ tiêu.
An Giang với vai trò là tỉnh được Trung ương chọn làm tỉnh điểm chỉ đạo về x6ay dựng nông thôn mới, thời gian qua toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã có nhiều cố gắng tập trung chỉ đạo từ triển khai văn bản, tuyên truyền tập huấn, xây dựng bộ tiêu chí, xây dựng ban chỉ đạo các cấp, phát động thi đua và chọn điểm chỉ đạo từ đó đã đạt tiến độ khá. Hai năm qua có hàng chục đơn vị từ các địa phương trong cả nước đến tham quan trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới. Hy vọng tỉnh sẽ đạt tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Vũ Đình Phùng