Hai điển hình công nhân làm kinh tế giỏi ở Nông trường Bình Minh

 9734 lượt xem
Trong những năm qua, các cấp công đoàn Nông trường Bình Minh (Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long) luôn thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phát triển kinh tế gia đình. Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp về nông trường tìm hiểu một số mô hình công nhân làm kinh tế giỏi. 

“SỐNG KHỎE” NHỜ CAO SU TIỂU ĐIỀN

 
Chị Mai Thị Bảo khai thác mủ cao su.
 
Công nhân Mai Thị Bảo, Tổ 1, Đội 2, Nông trường Bình Minh là gương điển hình làm kinh tế giỏi. Năm 1983, chị theo bố mẹ từ Thanh Hóa vào Bình Long, Sông Bé cũ lập nghiệp. Năm 1995, chị được nhận vào làm công nhân khai thác mủ tại Nông trường Bình Minh.
 
Siêng năng, cần cù, chịu khó rèn luyện tay nghề nên năm nào chị cũng hoàn thành vượt kế hoạch sản lượng được giao, kỹ thuật luôn đạt loại giỏi. Chị cho biết, thời điểm năm 1996-1998, giá mủ thấp nên nhiều gia đình đã bán vườn cao su hoặc chuyển đổi sang loại cây trồng có giá trị cao hơn như điều, hồ tiêu... Vợ chồng chị đã sử dụng số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để mua 3 ha đất trồng cao su, nay đã cho thu hoạch. Anh chị còn trồng thêm gần 200 nọc tiêu. Nguồn thu từ kinh tế gia đình của chị Bảo mỗi năm đạt khoảng 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
 
Chị Bảo được chị em trong tổ tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng nữ công. Với trách nhiệm của mình, chị luôn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chia sẻ, động viên chị em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị, nuôi con khỏe, dạy con chăm ngoan, học giỏi; thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình... Bản thân chị là tấm gương phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
 
LÀM GIÀU TỪ MÔ HÌNH VƯỜN - CHUỒNG
 
Anh Nguyễn Thanh Hải đang chăm sóc đàn heo của gia đình.
 
Gia đình anh Nguyễn Thanh Hải - chị Phạm Thị Nhạn đều là công nhân khai thác mủ Đội 2. Chúng tôi đến lúc anh từ vườn cây trở về. Vào rót nước mời khách xong, anh vội vàng vào nhà lấy cám, rau trộn cho heo con ăn. Anh Hải cho biết, mỗi đợt vợ chồng anh nuôi 20-25 con heo, bình quân mỗi năm xuất chuồng ba đợt, trừ chi phí thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng/năm. Vợ chồng anh đã chủ động trồng thêm nhiều loại rau để bổ sung thức ăn cho heo, giảm tiền cám tổng hợp. Nhờ nuôi theo phương pháp này nên thịt ngon, được nhiều thương lái mua với giá cao hơn mặt bằng chung.
 
Bên cạnh chăn nuôi, anh chị đã tiết kiệm mua được 1 ha cao su, hiện đang cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm nguồn thu từ cao su và điều (30 cây) khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Tổng thu nhập từ lương và kinh tế gia đình của anh chị đạt hơn 400 triệu đồng/năm.
Niềm vui và hạnh phúc càng nhân lên khi hai con của anh chị (con trai học lớp 6, con gái lớp 1) đều lễ phép, chăm ngoan, học giỏi.
 
Mong sao xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình công nhân làm kinh tế giỏi như chị Bảo, vợ chồng anh Hải - chị Nhạn. Họ là những người góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu “Công nhân giàu - Công ty mạnh”.                             
 
 
Ý kiến của bạn