LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI)

 496 lượt xem
 

Trong Hồ sơ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan soạn thảo cho biết đã thiết lập các quy định về bình đẳng giới và xác định trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi dự án Luật.

                      Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình dự án Luật 

Xác định rõ các vấn đề về giới cần lồng ghép trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Đại diện Cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), việc lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật nhằm hướng tới các mục tiêu sau: Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định tại Điều 20 Luật Bình đẳng giới; Đóng góp vào việc thiết lập cơ chế bảo đảm bình đẳng giới thực chất trong gia đình theo quy định tại Điều 18 Luật Bình đẳng giới, đảm bảo sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với Điều 9 và Điều 16 Công ước CEDAW (Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), cũng như các khuyến nghị chung của Ủy ban CEDAW liên quan đến việc bảo đảm các quyền con người của phụ nữ và nam giới trong xã hội và gia đình.

Đánh giá tình hình thực hiện việc lồng ghép bình đẳng giới trong Luật Thi đua, khen thưởng trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (được sửa đổi bổ, sung năm 2005) đã cơ bản bảo đảm bình đẳng giới thông qua việc bảo đảm trong nguyên tắc thi đua; nguyên tắc khen thưởng…Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể từng đối tượng, tiêu chuẩn, nên Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Thông tư số 01/2007/TT-VPCP ngày 31/7/2007 của Văn phòng Chính phủ, quy định các đối tượng có đăng ký thi đua trong một năm nếu nghỉ làm việc từ 02 tháng liên tục trở lên (tính từ 40 ngày trở lên theo chế độ làm việc) thì không thuộc diện xem xét bình bầu danh hiệu thi đua. Nên đối tượng nữ nghỉ thai sản cũng không được xem xét bình bầu danh hiệu thi đua.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 đã quy định một trong những nguyên tắc của khen thưởng là “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng”, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật, trong đó có quy định về nội dung thực hiện bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng, cụ thể trong đó quy định thời gian nghỉ chế độ thai sản cho phụ nữ được tính là thời gian làm việc để bình xét danh hiệu thi đua và khen thưởng (khoản 4 Điều 5 Nghị định 65/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013); quy định “Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung; trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung” (khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng)….

Việc đảm bảo lồng ghép bình đẳng giới trong khen thưởng trong các văn bản dưới Luật đã quy định phù hợp hơn, theo Bộ Luật Lao động quy định về tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam là 5 tuổi (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Cụ thể đối với nữ quy định tiêu chuẩn xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với nữ được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung; trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình công hiến được thực hiện theo quy định chung để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa nam và nữ trong khen thưởng và phù hợp với Bộ Luật Lao động, Luật Bình đẳng giới.

Chú trọng thiết lập các quy định về bình đẳng giới và dự báo tác động của các quy định này

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, để bảo đảm thực hiện vai trò, địa vị của phụ nữ và nam giới trong Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ; Quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) chú trọng đến việc thiết lập các quy định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, về thi đua, khen thưởng, cụ thể: Giữ nguyên nguyên tắc bình đẳng giới, nhằm thực hiện bình đẳng trong thi đua, khen thưởng như Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.

Đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi một số chính sách ưu đãi đối với cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (về nâng lương trước thời hạn, ưu tiên cử đi nghiên cứu, học tập, công tác, bồi dương nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và các chế độ phúc lợi khác); một số chính sách sửa đổi không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới. Một số chính sách điều chỉnh không tạo ra sự khác biệt giữa nam và nữ khi thực hiện quyền và nghĩa vụ, cũng như năng lực thực hiện các quyền và nghĩa vụ hay là thụ hưởng do chính sách mang lại; một số giải pháp chính sách đề nghị sửa đổi cũng không có tác động đến các vấn đề tiếp cận phong trào thi đua cũng như khả năng đạt danh hiệu thi đua ở mỗi giới nên không có ảnh hưởng đến việc lồng ghép bình đẳng giới, không tác động đến cơ hội thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phong trào thi đua khen thưởng của mỗi giới.

Về dự báo tác động của các quy định trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng đối với nữ và nam, các quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho nữ khi nghỉ chế độ thai sản trong việc bình xét danh hiệu thi đua và khen thưởng; trong xét thành tích khen thưởng quá trình cống hiến; Tạo cơ chế để giải quyết những trường hợp có vướng mắc trong xét thành tích khen thưởng quá trình cống hiến, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ trong quá trình nghỉ chế độ thai sản, được bình xét danh hiệu thi đua và xét các hình thức khen thưởng; Tạo điều kiện để mọi người đều bình đẳng khi tham gia bình xét thi đua và xét khen thưởng; Các nội dung sửa đổi không có thay đổi về chính sách nên việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của nam và nữ đều không thay đổi.

Bộ Luật Lao động có hiệu lực từ 01/01/2021 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Do vậy, từ nay đến năm 2035 việc quy định giảm thời gian khen thưởng quá trình cống hiến đối với nữ không ảnh hưởng lớn, sau năm 2035 khi lộ trình thực hiện tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 60 tuổi thì điều chỉnh quy định khen thưởng cho phù hợp.

Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi dự án Luật

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị thanh Trà cho biết đã xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương) trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới về thi đua, khen thưởng trong dự án Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của tất cả các đối tượng có liên quan gồm: cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài, người có trách nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng.

Nguồn lực tài chính để thực hiện Luật: Nguồn ngân sách nhà nước, sự đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, cá nhân, tổ chức nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Đối với việc tuân thủ thủ tục và trình tự lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Cơ quan soạn thảo đã bảo đảm sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan có liên quan về bình đẳng giới trong quá trình soạn thảo văn bản. Ban soạn thảo gồm 13 thành viên là đại diện của các bộ, ban, ngành ở Trung ương (trong đó có 03 đồng chí là nữ). Tổ biên tập gồm 12 đồng chí ở các Bộ, ban, ngành có kinh nghiệm trong công tác thi đua, khen thưởng (trong đó có 03 đồng chí là nữ).

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi. Các cuộc hội thảo đều tập trung thảo luận nhiều vấn đề về thi đua, khen thưởng trong đó có vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật, qua đó, tổng hợp các ý kiến góp ý (như góp ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về bình đẳng giới) để chỉnh lý, đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong các quy định của dự án Luật./.

                                                                                                                                                                                                  Hồ Hương

https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=58106

 

 
Ý kiến của bạn