Đoan Hùng, một huyện miền núi nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Phú Thọ có vị trí như một chiếc cầu nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai. Người dân Đoan Hùng cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến đấu từ bao đời nay đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua khó khăn gian khổ xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Đoan Hùng không chỉ nổi danh với bưởi Chí Đám, vải Hùng Long, quýt Đông Khê mà còn vẻ vang với Chiến thắng sông Lô Thu Đông năm 1947, chiến thắng Cầu Hai - Chân Mộng năm 1952. Tượng đài Chiến thắng sông Lô sừng sững, uy nghi soi bóng dưới dòng Lô lịch sử là biểu tượng về lòng quả cảm, ý chí kiên cường và niềm tự hào của mỗi người dân Đoan Hùng.
Mùa Thu năm 1947, để đáp ứng với yêu cầu lãnh đạo các phong trào quần chúng, ngày 19/8, chi bộ Đảng đầu tiên mang tên Trần Phú ở Đoan Hùng (Tiền thân của Đảng bộ huyện Đoan Hùng ngày nay) được thành lập. Ban đầu chỉ có 3 đảng viên chính thức là đồng chí Nguyễn Mai, đồng chí Hà Thị Tảo và đồng chí Mai Quốc Lâm, đồng chí Nguyễn Mai được bầu làm Bí thư chi bộ. Hơn 2 tháng sau đó, thực dân Pháp theo đường sông Lô tấn công lên chiến khu cách mạng Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoan Hùng đã huy động dân quân du kích phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công quân địch, bắn cháy 5 tàu chiến Pháp, tiêu diệt trên 300 tên, bắt sống nhiều tù binh và thu nhiều chiến lợi phẩm.
Tiếp đó, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoan Hùng vừa là mặt trận vừa là hậu phương vững chắc đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Hàng ngàn người con của quê hương Đoan Hùng đã lên đường tòng quân đánh giặc, hàng trăm chiến sỹ đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trận. Huyện Đoan Hùng và 5 xã: Chí Đám, Chân Mộng, Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp”. Toàn huyện có 1350 liệt sỹ, 1163 thương binh, 369 bệnh binh, 41 Mẹ Việt Nam anh hùng, 9 cán bộ lão thành cách mạng, 83 cán bộ tiền khởi nghĩa và trên 7 nghìn người hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương.
Phát huy truyền thống anh dũng của quê hương, bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Đoan Hùng đã đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Với các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lực vào đầu tư, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành các cụm công nghiệp làng nghề thu hút hàng ngàn lao động vào làm việc. Các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, kinh tế đồi rừng ngày càng được nhân rộng đem lại hiệu quả thiết thực. Đoan Hùng tiếp tục dẫn đầu tỉnh Phú Thọ về tỷ lệ rừng che phủ đạt 45% diện tích đất tự nhiên, phương châm khai thác đến đâu, trồng bổ sung ngay đến đó, mỗi năm trồng mới hàng ngàn ha rừng. Theo chủ trương của Huyện ủy, người dân đang tập trung chuyển đổi những diện tích rừng tạp sang trồng các loại cây có năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn, nhất là cây keo lai hạt ngoại. Trong sản xuất nông nghiệp, Đoan Hùng đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xen canh, thâm canh, dồn đổi ruộng đất, xóa lò gạch thủ công, đưa cơ giới vào đồng ruộng tạo điều kiện để tập trung sản xuất; triển khai các Chương trình nông nghiệp trọng điểm trong đó chú trọng phát triển cây bưởi, cây chè, cây lâm nghiệp. Năng suất lúa nhiều vụ đạt trên 60 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực hàng năm bình quân đạt trên 48 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 490kg/năm. Hiện nay, cây chè vẫn được coi là cây truyền thống, cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện, sản lượng chè búp tươi bình quân đạt 10.000 tấn mỗi năm, hàng chục cơ sở chế biến chè với quy mô lớn được hình thành. Chè Đoan Hùng là mặt hàng xuất khẩu có uy tín trên thị trường quốc tế, nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ trồng chè. Cùng với cây chè thì cây bưởi đã được quan tâm chú trọng với nhiều giải pháp tích cực như: Tăng cường bảo vệ Thương hiệu Bưởi Đoan Hùng; tập trung thâm canh để nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng diện tích trồng bưởi đặc sản, nhất là các xã phí Nam của huyện. Hiện nay ở Đoan Hùng các vườn bưởi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Song song với phát triển nông, lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng cơ sở ở nông thôn cũng được quan tâm đầu tư với tốc độ mạnh, nhất là từ khi thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, với phương châm “Làm từ gia đình đến thôn xóm, từ thôn xóm đến xã”, chỉ sau 2 năm thực hiện, Đoan Hùng đã có xã Chí Đám đạt 17/19 tiêu chí, xã Minh Tiến đạt 13 tiêu chí, nhiều xã đạt 9-10 tiêu chí. Hệ thống điện lưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt được nâng cấp, hầu hết các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn được bê tông hoá, hệ thống đê điều, thuỷ lợi được tu bổ nâng cấp, trên 90% số xã, thị trấn có trụ sở làm việc khang trang. Sự nghiệp Giáo dục có nhiều chuyển biến vượt bậc, hệ thống trường lớp đã được kiên cố hoá, 44 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non đạt chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục các bậc học được giữ vững, công tác xã hội hoá giáo dục ngày càng được đẩy mạnh. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và 100% số trạm y tế xã được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM có nhiều khởi sắc; 85% số hộ gia đình, số khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa các cấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; 100% số xã, thị trấn được phủ sóng phát thanh truyền hình. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững. Trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ luôn chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ đảng viên đi đôi với công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng cán bộ, chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, đề cao công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể...
Trong không khí sôi nổi Kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện 19/8/1945 – 19/8/ 2013, mỗi người dân Đoan Hùng thêm khắc sâu kí ức về những chiến công oanh liệt, hào hùng của lớp cha ông càng thêm biết ơn, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra, xây dựng quê hương Đoan Hùng ngày càng giàu mạnh.