Một số vấn đề rút ra qua công tác xét khen thưởng

 9057 lượt xem
Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Mục đích của việc khen thưởng là động viên, khuyến khích; ghi nhận, tôn vinh, biểu dương; giáo dục, phát huy trí tuệ, năng lực, tính tích cực, nhân lên cái chân, thiện, mỹ; đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực. Khen thưởng phải đảm bảo các nguyên tắc: Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; bảo đảm thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng; kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.

Xét khen thưởng là hoạt động của các tập thể có đối tượng tham gia phong trào thi đua, của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và của người có thẩm quyền quyết định và trao tặng khen thưởng. Việc khen thưởng đúng theo quy định có ý nghĩa rất to lớn, đó là một trong những công cụ quản lý nhà nước; là một trong lĩnh vực quan trọng trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; là biện pháp cơ bản để đánh giá kết quả công việc, đánh giá thành tích; việc khen thưởng không chỉ đo đếm bằng lợi ích vật chất mà nó còn có ý nghĩa to lớn hơn nhiều lợi ích vật chất, đó là tạo ra động lực tinh thần vô giá.
 
Năm 2012, đánh dấu mốc quan trọng, khi các văn bản của Chính phủ và thông tư của Bộ Nội vụ đã cơ bản hoàn thiện về hướng dẫn thi hành Luật TĐKT năm 2003 và Luật sửa đổi bổ sung Luật TĐKT 2005, việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện đã tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thì chất lượng phong trào thi đua và công tác khen thưởng cũng từng bước được nâng lên. Tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành công tác xét khen thưởng nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 (xét tặng vào năm 2013) và đang thực hiện công tác xét khen thưởng năm học 2012-2013 của ngành giáo dục trong tỉnh. Qua công tác xét khen thưởng của tỉnh và đề nghị Trung ương xét khen cao (từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên) có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng. Với quy trình, thủ tục hồ sơ và thời gian thẩm định, trình xét khen thưởng được quy định tại các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nội vụ được thực hiện thống nhất trong cả nước và Quy định của UBND tỉnh, công tác bình xét và đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng khen thưởng được thực hiện kịp thời, công khai, chính xác, nhiều thủ tục hồ sơ được thực hiện theo cơ chế một cửa tại Sở Nội vụ và được kiểm soát theo quy trình hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Kết quả xét khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ (khen thường xuyên) thuộc thẩm quyền cấp tỉnh: Đối với danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, tỷ lệ xét đạt chiếm 63,78% so với số đề nghị, tăng 33,4% so năm trước (năm 2011 đạt 47,76%); Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân xét đạt 86,64% so với đề nghị, tăng 18,5% so năm trước (năm 2011 đạt 73,13%). Đối với khen cao: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể và cá nhân, tỷ lệ xét đạt 76,39% so đề nghị, giảm 0,84% so năm trước (năm 2011 xét đạt 77,23%); Huân chương các loại, tỷ lệ xét đạt 75,26% so đề nghị, tăng 2,32% so năm trước (năm 2011 xét đạt 72,94%).
 
Tuy nhiên, qua việc xét khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 cho thấy, các tập thể và cá nhân chuẩn bị bản báo cáo thành tích có mặt chưa tốt, qua công tác thẩm định, xét đề nghị đã đúc rút được các sai sót phổ biến như: Báo cáo thành tích không theo mẫu hoặc theo mẫu nhưng không thể hiện các tiêu chuẩn theo qui định; không nêu nhiệm vụ, báo cáo thành tích không theo nhiệm vụ; thành tích nêu không đủ 02 năm (Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh), 03 năm (Chiến sĩ TĐ cấp tỉnh), 05 năm (Bằng khen Thủ tướng), 07 năm (Huân chương) ...; là lãnh đạo nhưng không nêu thành tích tập thể; nêu thành tích tập thể nhiều, thành tích cá nhân không rõ và ngược lại, nhầm lẫn thành tích tập thể và thành tích cá nhân; chỉ liệt kê công việc, kết quả công việc, còn thành tích thì không rõ, không nổi bật; nêu kết quả nhưng không so sánh chỉ tiêu, kế hoạch hoặc số lượng đầu việc nên không thấy được thành tích (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ y tế phải có bảng thống kê, so sánh); copy bản tự phê, đánh giá CB, CC, VC vào bản thành tích, không dựa vào các tiêu chuẩn quy định; không nêu rõ tính hiệu quả của sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp, đề tài nghiên cứu (nêu gọn, rõ) và không tự viết thành tích mà do người khác viết thay nên viết không trúng thành tích. Đối với bản báo cáo thành tích tập thể, ngoài một số hạn chế nêu trên, còn hạn chế là: Không nêu được hoặc nêu không rõ phong trào thi đua của đơn vị; không nêu được nhân tố mới, mô hình, điển hình trong đơn vị và không thể hiện tỷ lệ CB, CC, VC hoàn thành nhiệm vụ (theo quy định 100%), tỷ lệ lao động tiên tiến (70%), có chiến sĩ thi đua cơ sở (danh hiệu tập thể lao động xuất sắc); không nêu rõ trong tập thể có người bị kỷ luật (từ cảnh cáo trở lên) hay không. Trong viết báo cáo sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp trong công tác và đề tài nghiên cứu (gọi tắt là sản phẩm), còn nhiều hạn chế, đó là: Không có tên sản phẩm, không có sản phẩm, nêu sai tên sản phẩm; tên sản phẩm một hướng còn viết ở một hướng khác, tên sản phẩm ở phạm vi rộng nhưng viết ở phạm vi hẹp; sản phẩm viết không theo đề cương hướng dẫn; hạn chế nêu quá nhiều nguyên nhân nhưng giải pháp không giải quyết được nguyên nhân đã nêu ra; không nêu được tính mới và sáng tạo của sản phẩm, không chỉ ra được kinh nghiệm hoặc giải pháp; copy sản phẩm của người khác, giải pháp của người khác; không nêu được hiệu quả và phạm vi áp dụng hoặc hiệu quả có được không do kinh nghiệm, giải pháp mang lại, kết quả nêu không trung thực, mâu thuẫn (giữa báo cáo thành tích với sản phẩm); trường hợp đặc cách nhưng không có hồ sơ chứng minh; một sản phẩm nhưng đưa ra công nhận nhiều lần; sản phẩm ở năm đề nghị hoặc sản phẩm của 01 trong 03 năm (nếu đề nghị công nhận CSTĐ cấp tỉnh) nhưng phải đủ 03 sản phẩm và thành tích nêu không đạt.
 
Để khắc phục hạn chế trên, vấn đề quan trọng là phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Hội đồng TĐKT các cấp, nhất là cấp cơ sở và CBCCVC làm công tác thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị trong công tác xét khen thưởng; phải tập huấn nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ làm công tác TĐKT các cấp để đủ sức hướng dẫn và thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng của tập thể và cá nhân ngay từ cấp cơ sở; thực hiện tốt các nguyên tắc công tác TĐKT ngay từ cấp cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét khen thưởng và quản lý công tác xét khen thưởng./.
 
 
Ý kiến của bạn