Tháng 8, cả vùng quê cách mạng Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) như rạng rỡ hơn trong nắng vàng, gợi nhớ về một thời hào hùng của lịch sử. Nơi đây từng là An toàn khu của xứ ủy Bắc Kỳ, là nơi nuôi dưỡng và phát triển lực lượng nòng cốt của một cánh quân tự vệ, góp phần động viên toàn dân, toàn xã vững bước tiến vào thời kỳ xây dựng và chiến đấu đầy cam go, ác liệt…
Về thăm “Làng chiến khu” Long Khám
Chúng tôi vào thăm lại ngôi đình Long Khám, nơi đã từng in dấu sự kiện lịch sử ngày 20-8-1945, ngày tập trung đoàn quân khởi nghĩa gồm 400 tự vệ thuộc các xã của huyện Tiên Du tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Bắc Ninh. Nghe cụ Trần Văn Tâm (sinh năm 1932), nhân chứng lịch sử duy nhất còn sống xúc động dâng trào khi nhớ về một thời tuổi trẻ. Năm 1944, ông hăng hái tham gia vào Đội thiếu nhi cách mạng của làng Long Khám và là thành viên tiêu biểu của Đội thanh niên cứu quốc (1952).
Đã ở tuổi 83, nhưng trong ký ức của ông, chưa khi nào nguôi quên những hình ảnh quê hương mình một thời giặc càn, đốt phá, làng nọ đỡ làng kia vượt qua mất mát đau thương. Đã từng có những gia đình đào hầm nuôi giấu cán bộ suốt những năm kháng chiến. Nhân dân Long Khám vốn có truyền thống yêu nước, lại đang được giác ngộ cách mạng, là điều kiện thuận lợi để địa phương tổ chức, xây dựng thành một khu an toàn, làm căn cứ mở rộng phong trào cách mạng tới các vùng lân cận. Tháng 5-1944, đội tự vệ chiến đấu đầu tiên ở khu Long Khám được thành lập gồm 12 đội viên với nhiệm vụ trước mắt là bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, trấn áp bọn phản động, đồng thời làm nòng cốt phát triển lực lượng chuẩn bị đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị trên địa bàn làng xã. Cùng với thanh niên, phụ nữ các làng cũng sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia các hoạt động cứu quốc, làm giao thông, liên lạc, phục vụ hoặc canh gác bảo vệ cán bộ và các cuộc họp của xứ ủy.
Đi cùng 400 tự vệ còn có hàng trăm thanh niên, phụ nữ cứu quốc, lập thành các đội vận tải, cứu thương và hàng nghìn quần chúng hùng hậu. 8 giờ sáng, cánh quân Tiên Du tiến tới cổng Tiền. Trên các hướng khác, quân khởi nghĩa từ các huyện Yên Phong, Thuận Thành… rầm rập tiến vào bao vây thành Bắc Ninh. Các đội tự vệ nhanh chóng chia nhau chiếm giữ những vị trí xung yếu, trại giam, công sở, trại lính... Tối ngày 20-8, thị xã Bắc Ninh được giải phóng, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Thành và khắp phố phường thị xã Bắc Ninh.
Thắng lợi này là một mốc son chói lọi mở ra một thời kỳ mới đưa nhân dân ta từ kiếp lầm than nô lệ lên làm chủ vận mệnh, làm chủ cuộc đời. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, đông đảo tự vệ trở về làng xã của mình để tiếp tục hoạt động củng cố và xây dựng cơ sở mới, chuẩn bị tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương.
Chung sức xây dựng quê hương
Với truyền thống quý báu đó, Việt Đoàn hôm nay đang khởi sắc và đã có những bước phát triển vượt bậc. Không còn cảnh nhà tranh vách đất, khổ cực, bần hàn mà thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những cánh đồng xanh ngắt một màu. Không còn đất trống đồi trọc, trên các sườn đồi được phủ xanh bởi những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như vải, nhãn, na… Các khu trung tâm văn hóa ở từng thôn từng bước được cải tạo và xây dựng khang trang. Nhân dân nơi đây đang tiếp nối truyền thống cha ông, cống hiến sức lực, trí tuệ để mảnh đất anh hùng mãi được rạng rỡ.
Trên bước đường đổi mới, Đảng bộ xã Việt Đoàn tập trung lãnh đạo phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, lấy đoàn kết là sức mạnh không ngừng nâng cao tiềm lực kinh tế của địa phương, chăm lo đời sống nhân dân. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, song sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 28 (2010-2015), nhiều chỉ tiêu của Việt Đoàn đạt và vượt. Nhất là về phát triển kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo, xây dựng Đảng…Tổ chức cơ sở từ không đến có, từ Chi bộ ghép 5 xã, 2 xã đến Chi bộ độc lập, phát triển thành Đảng bộ cơ sở, tổ chức cơ sở Đảng xã Việt Đoàn đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, Đảng bộ Việt Đoàn có gần 400 đảng viên, đang sinh hoạt ở 10 Chi bộ, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. 13 năm liên tục (từ năm 2000 đến nay), Đảng bộ được công nhận là Đơn vị trong sạch vững mạnh, trong đó có 7 năm trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Do thường xuyên coi trọng công tác giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (từ 4,87% năm 2010 xuống còn 2,97% năm 2012), triển vọng đến năm 2015 sẽ đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở các thôn, phố vẫn được duy trì, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Một số công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh như trường học, đường giao thông, chợ… được cải tạo nâng cấp kịp thời, hiện xã đang chuẩn bị đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp công trình đường giao thông nông thôn Liên Ấp và Trạm Y tế xã, với tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 6 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015, Việt Đoàn đạt các chỉ tiêu về xây dựng Nông thôn mới theo đúng lộ trình, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong đó đưa việc học tập theo chuyên đề vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ thành nề nếp và có tác dụng thiết thực.
Có được những thành tích như vậy là nhờ Việt Đoàn luôn coi trọng, tổ chức tốt việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn liền với công tác xây dựng Đảng, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với những kết quả như vậy, tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ xã Việt Đoàn là đơn vị duy nhất của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Dù là xã thuần nông, nhưng giờ đây, Việt Đoàn đang dần thay da đổi thịt, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ nét. Đảng bộ và nhân dân xã Việt Đoàn sẽ vững vàng tiếp bước, trưởng thành, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVT nhân dân” mà Đảng và Nhà nước trao tặng.