Lịch sử hơn 80 năm kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thành quả đầu tiên của Đảng ta với tư cách là lực lượng chính trị lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc đi đến thắng lợi. Đây là thắng lợi điển hình cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trong thế kỷ XX.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám còn là điển hình cho khát vọng độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của toàn thể nhân loại trong thế kỷ XX. Tính điển hình đó được thể hiện trong những nội dung sau:
Một là, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công đầu tiên ở một nước thuộc địa và phụ thuộc do một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám thực sự là một bằng chứng hấp dẫn nhất trong sự hiện thực hóa những tư tưởng về cách mạng thuộc địa của V.I. Lênin. Đồng thời, đây cũng là thắng lợi đầu tiên của một phong trào đấu tranh cách mạng do một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nói về ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.
Đoàn người biểu tình ngày 19-8-1945 trước cửa Bắc Bộ phủ, Hà Nội. Ảnh tư liệu Tạp chí Xây dựng Đảng
Trong hoàn cảnh lịch sử của một đất nước bị thực dân đế quốc và chế độ phong kiến lỗi thời lạc hậu áp bức bóc lột, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tìm ra con đường cứu nước cho cả dân tộc. Con đường mà các Nhà sử học trong và ngoài nước trước kia và sau này không thể phát hiện được bất kỳ một đảng nào vạch ra một đường đi chính xác như thể con đường đi có uyển chuyển tùy lúc, tùy nơi mà nhìn chung là không thay đổi so với mục tiêu dân tộc như Đảng ta.
Trung thành và kiên định với đường lối đã lựa chọn, vượt qua những thách thức nghiệt ngã của cuộc đấu tranh một mất một còn, Đảng Cộng sản Đông Dương đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh của lòng yêu nước, truyền thống văn hiến của một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử, nỗi nhục mất nước và khát vọng độc lập tự do đã kết thành một sức mạnh đủ để "nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và bán nước", khôi phục lại quốc hiệu Việt Nam và làm sống lại một dân tộc có nền văn hiến của khu vực và trên thế giới. Đảng Cộng sản và toàn thể dân tộc Việt Nam đã làm nên một cuộc cách mạng mà trước đó, chưa có một nước nào, một Đảng Cộng sản nào lãnh đạo thành công ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Đây chính là nét điển hình tiêu biểu mang tính "khai phá, mở đầu" cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc do các Đảng Cộng sản và phong trào yêu nước lãnh đạo trên thế giới trong thế kỷ XX. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã "gõ những nhịp trống đầu tiên” báo hiệu sự thắng lợi của phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đây cũng là báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Từ thắng lợi này, một chân lý của thời đại đã được Đảng ta và toàn thể dân tộc Việt Nam làm sáng tỏ đó là: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, nhưng nếu biết đoàn kết toàn dân và có một Đảng Cộng sản với một đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp thì vẫn có thể giành được thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do.
Hai là, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là biểu hiện tập trung nhất của lý tưởng độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc ta: "Đem sức ta mà giải phóng cho ta".
Nhận thức sâu sắc và triệt để tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin: Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân. Ngay từ khi ra đời, trong Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của mình Đảng ta đã khẳng định: Ngoài công - nông là gốc của cách mạng thì "Đảng phải liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra cũng làm cho họ đứng trung lập" (1).
Như vậy, khác với các đảng phái và tổ chức chính trị đương thời, Đảng ta đã đánh giá đúng đắn sức mạnh của quần chúng nhân dân. Từ nhận thức đúng đắn này, trong hoạt động của mình, Đảng không ngừng xây dựng, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để tập hợp lực lượng, nhân lên sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trước hết là thắng lợi của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo. Nhìn lại Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta càng thấy rõ nhờ chính sách đại đoàn kết dân tộc mà các tầng lớp nhân dân hiệp sức chung lòng dựa vào sức mạnh của liên minh công - nông, dưới sự lãnh đạo vững chắc của Đảng Cộng sản, nổi lên như một người, quyết chí giành độc lập, tự do.
Vì vậy, trong hàng ngũ cách mạng chẳng những là công nhân, nông dân như trước nay, mà còn có trí thức, tiểu thương, điền chủ, tư sản, công chức trong chính quyền cũ; lại có cả phần lớn văn nghệ sĩ có tài có tiếng trong hàng ngũ những người làm cách mạng. Các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo đều có đại diện trong hàng ngũ đấu tranh.
Hãy nhìn hàng vạn người ở Hà Nội những ngày 17 - 18 tháng Tám tập hợp ở trước Nhà hát Lớn, kéo ra bờ Hồ và trở thành năm bảy cuộc biểu tình càng lúc càng đông dưới cờ đỏ sao vàng, mãi đến đêm khuya mới giải tán. Hay cuộc tập hợp ở Huế ngày 23 tháng Tám đông đúc bằng nửa số dân của Huế và Thừa Thiên. Hay hàng vạn đồng bào ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định ngày 25 tháng Tám trong một biển cờ sao, trong một rừng vũ khí thô sơ đến hiện đại, đồng tình dựng lên Ủy ban Hành chính Nam Bộ. Chính sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã tạo nên áp lực chính trị mạnh mẽ làm tan rã một thể chế chính trị lạc hậu và phản động để lập nên một Nhà nước công nông, hình thành nên một thể chế chính trị mới. Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Sử dụng hình thức khởi nghĩa, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân vào cuộc cách mạng. Đây là một trong những biểu hiện độc đáo tính chất điển hình của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nói về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, một học giả phương Tây khẳng định: "Chắc chắn là ông Hồ sẽ không thể thành công nếu như Đảng Cộng sản Đông Dương của Ông đã không được tổ chức và chuẩn bị tốt cho việc giành chính quyền. Nhiều năm chuẩn bị không phải là vô bổ" (2).
Mười lăm năm kể từ ngày ra đời là một khoảng thời gian đầy máu và nước mắt của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh trực tiếp với kẻ thù. Có những thời điểm, người lãnh đạo cao nhất của Đảng bị cầm tù, phần lớn Ban Thường vụ, Ban chấp hành Trung ương đều bị bắt. Vượt qua những thách thức đó, Đảng ta không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Từ trong ngục tù, xà lim và máy chém, đường lối cách mạng của Đảng luôn được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh.
Cùng với sự lớn lên của Đảng là sự trưởng thành, giác ngộ của quần chúng cách mạng. Một quá trình tập hợp, giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đấu tranh cách mạng đã diễn ra ngay sau khi Đảng ra đời. Các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945 là những cuộc tổng diễn tập để đi đến thắng lợi cuối cùng của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Mười lăm năm so với lịch sử là một khoảng thời gian không dài, song Đảng Cộng sản Đông Dương cùng với toàn thể dân tộc đã tạo nên những tiền đề hết sức căn bản để đủ sức xóa bỏ cả một thể chế chính trị đã tồn tại hàng ngàn năm và giải phóng dân tộc khỏi sự nô dịch của một trong những thế lực thực dân đế quốc hùng mạnh. Đó là cả một quá trình đấu tranh kiên cường, một quá trình chuẩn bị về tất cả các mặt cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám.
Quá trình chuẩn bị đó diễn ra bằng thực tế của những cuộc đấu tranh, những cao trào cách mạng cùng với những thành công và cả những thất bại, sai lầm. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám được tạo ra chính là ở những thành công và cả những hạn chế trong quá trình chuẩn bị đó. Trong quá trình đó, những người Cộng sản Việt Nam đã đấu tranh với kẻ thù và cũng đấu tranh với chính mình, đấu tranh với những tư tưởng sai lầm để đi đến sự thống nhất, chọn lựa đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp tiến hành một cuộc cách mạng.
Ba là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 còn là điển hình của nghệ thuật "chớp thời cơ” và lựa chọn hình thái khởi nghĩa.
Thời cơ chỉ có giá trị khi con người nhận thức được và làm chủ được tình thế tận dụng và phát huy để giành chiến thắng. Cách mạng tháng Tám thành công nhanh chóng trên cả nước xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có một nguyên nhân mang tính quyết định chính là nghệ thuật "chớp thời cơ” để giành thắng lợi.
V.I. Lênin đã chỉ rõ: "Muốn thắng lợi, khởi nghĩa không được dựa vào một cuộc âm mưu, một chính đảng, mà phải dựa vào giai cấp tiền phong. Đó là điểm thứ nhất. Khởi nghĩa phải dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân. Đó là điểm thứ hai. Khởi nghĩa phải dựa vào một bước ngoặt trong lịch sử của cuộc cách mạng đang lên, khi mà tính tích cực của những bộ phận tiên tiến trong nhân dân lên cao hơn cả, khi mà những dao động trong hàng ngũ địch và trong hàng ngũ những người bạn mềm yếu, lừng chừng và không kiên quyết của cách mạng, mạnh hơn cả. Đó là điểm thứ ba" (3)
Nhận thức và vận dụng lý luận Mác - Lênin vào tình hình đất nước sau chiến tranh thế giới thứ hai, Đảng ta đã phát động cuộc tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Cách mạng tháng Tám thắng lợi đã chứng tỏ việc chớp thời cơ của Đảng ta là khoa học và chính xác. Đảng cho rằng, chiến tranh thế giới đã tạo thời cơ "trăm năm có một” để dân tộc ta thừa chiến tranh đế quốc mà làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công. Một mình Đảng đã chuẩn bị lâu dài, liên tục nên tập hợp được sức mạnh hùng hậu của đồng bào cả nước.
Nhưng nét đặc sắc, tiêu biểu và độc đáo của hình thức khởi nghĩa chính là ở quyết định Tổng khởi nghĩa trên cả nước trong một khoảng thời gian ngắn. Sự đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa ở tất cả các địa phương từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng và các đô thị lớn đã làm cho kẻ thù không còn hậu phương, không kịp hỗ trợ, cứu viện bảo vệ lẫn nhau. Trong tiến trình khởi nghĩa, Đảng ta đã có những sáng tạo trong tổ chức thực hiện đó là: Vừa kết hợp chính trị với vũ trang và kêu gọi đầu hàng, vừa kiên quyết tiến công, giành chính quyền ở các đô thị lớn. Từ nông thôn tiến đến bao vây thành thị để giành chính quyền. Từ thắng lợi ở các đô thị để giành thắng lợi ở các vùng nông thôn, đồng bằng. Kiên quyết giành chính quyền, không thỏa hiệp với đối tượng của cách mạng. Sự kiên quyết và triệt để của Tổng khởi nghĩa đã thúc đẩy tiến trình khởi nghĩa thành công nhanh chóng. Do đó, Tổng khởi nghĩa vừa là một hình thức mang tính phổ biến của cách mạng vô sản, vừa là một nét đặc sắc của cách mạng Việt Nam.
Bốn là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 còn là mẫu mực của quá trình lật đổ chế độ cũ, xây nên chế độ mới một cách nhân văn và tiến bộ.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đánh dấu sự thành công của Đảng ta trong việc hạn chế đến mức thấp nhất sự đổ máu, thể hiện một truyền thống nhân ái và cao thượng của một dân tộc. "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Đó là sự chuyển giao quyền lực diễn ra trong không khí cách mạng sục sôi nhưng hòa bình. Không hề có một cuộc thanh trừng hay "tắm máu", trả thù cá nhân. Thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân, một số quan chức cũ của triều đình Nhà Nguyễn cũng được mời tham gia chính quyền cách mạng. Kiên quyết, triệt để mà hạn chế được sự đổ máu, đó cũng là nét đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta.
Tính nhân văn của Cách mạng tháng Tám và việc lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới đã thể hiện được bản chất của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng ta là vì con người và cho con người. Cách mạng thành công, bộ máy nhà nước nhanh chóng được thiết lập trên khắp cả nước từ trung ương đến địa phương mà không gặp những cản trở lớn.
Đó cũng là một thành công điển hình của Đảng ta trong việc giải quyết quá trình xác lập quyền lực và giải quyết vấn đề cơ bản và chủ yếu nhất của một cuộc cách mạng đó là vấn đề chính quyền.
Theo Nguyễn Trung Thông
(Khoa Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị)