Làm mới và nâng cấp trên 588 km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng chỉ trong vòng 3 năm, nhiều xã đã huy động sức dân bê tông hóa 70 - 80% đường thôn, xóm - Quỳnh Phụ đã tạo “cú hích” mạnh mẽ về phát triển giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nhân dân xã Quỳnh Minh tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Về Quỳnh Phụ hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo mới của những con đường liên thôn, liên xóm đã được trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi, trong đó có những đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất góp công. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Chính sự chung tay góp sức, hiến đất làm đường của nhiều người dân nơi đây đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Mặc dù không phải xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, huyện nhưng Ðông Hải lại là một những xã tiêu biểu, điển hình trong huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn. Là xã có làng nghề bánh đa gạo thôn Dụ Ðại nổi tiếng nhưng đời sống người dân chưa phải đã giàu. Cây lúa, củ khoai vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, song nhiều hộ đã sẵn sàng ủng hộ hàng chục triệu đồng để làm đường ngõ xóm thay thế con đường đất, đường gạch bé nhỏ trước đây.
Ông Nguyễn Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ sự đóng góp của nhân dân mà nhiều tuyến đường giao thông được hoàn thành, xóm làng trở nên sạch đẹp, khang trang hơn. Thấy được lợi ích của các con đường bê tông nên từ cuối năm 2012 đến nay, bà con nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Toàn xã đã có trên 8 km đường liên thôn, đường ngõ xóm được cứng hóa, chiếm 85%, với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng, chủ yếu do nhân dân tự nguyện đóng góp cùng với trên 10.000 ngày công lao động. Một số thôn như: Lệ Bảo, Ðồng Kỷ, Dụ Ðại 1… đã cứng hóa gần 100% các tuyến đường trong thôn xóm.
Con đường vào thôn Ðồng Ấu trước đây đi lại rất vất vả, mùa nắng thì bị bụi cát, còn mùa mưa thì lầy lội. Ðầu năm 2013, con đường này đã được trải bê tông bằng phẳng, mặt đường mở rộng 3 - 4 m, đi lại rất thuận tiện. Hiện toàn thôn đã cứng hóa 15/16 tuyến đường, với chiều dài gần 2 km, kinh phí trên 1,8 tỷ đồng.
Anh Bùi Văn Trường - Bí thư Chi bộ thôn Ðồng Kỷ chia sẻ: Ðể có được thành quả này là điều không dễ bởi người đồng tình ủng hộ cũng nhiều mà không đồng tình cũng lắm. Với cách làm công khai tài chính, để người dân từng tuyến đường trực tiếp lập dự toán, mua nguyên vật liệu và đường đi qua hộ nào thì hộ đó hiến đất. Nhờ đó, ai cũng nhận thấy được lợi ích của mở rộng đường giao thông nông thôn là đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, ô tô, xe máy vào được tận nhà nên tất cả mọi người, mọi nhà đều tích cực tham gia.
Ngoài sự đóng góp tiền của, ngày công lao động của nhân dân trong thôn (mỗi khẩu từ 1 đến 1,5 triệu đồng), anh Trường đã cùng các đồng chí trong Chi bộ trực tiếp đi các nơi trong và ngoài tỉnh vận động con em thành đạt ủng hộ thôn làm đường, với số tiền trên 200 triệu đồng; trong đó, anh Bùi Khắc Thất (Quảng Ninh) ủng hộ 30 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Di (Hà Nội) ủng hộ 20 triệu đồng... Ông Nguyễn Văn Bình, một người dân thôn Ðồng Kỷ vui mừng bày tỏ: “Khi chưa bê tông hóa, con đường vào sâu trong thôn luôn lầy lội, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thật vất vả vì đường trơn trượt, còn giờ đây phẳng phiu thoáng đãng, người già như chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi ra đường”. Không chỉ làm đường giao thông trong thôn, xóm, nhân dân xóm 2 thôn Ðồng Ấu còn tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động làm đường ra đồng, với chiều dài 200 m, rộng 5 m, kinh phí trên 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động.
Không riêng gì Ðông Hải, thời gian qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, mỗi địa phương ở Quỳnh Phụ đều có những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí giao thông. Ðến nay, Thị trấn An Bài, xã Quỳnh Minh, An Khê 100% các tuyến đường liên thôn xóm, liên ngõ, đường ngách đã được bê tông hóa, chủ yếu bằng nguồn đóng góp trong dân. Các địa phương khác như: Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giao, Quỳnh Khê, An Ðồng, An Vinh, An Ninh, Ðồng Tiến… nhân dân cũng tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công làm đường giao thông.
Ðể có được sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi người dân là nhờ Ðảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã đồng thuận, nhất trí cao từ chủ trương đến thực hiện, luôn công khai, minh bạch. Qua đó giúp nhân dân thấy được lợi ích mang lại cho chính họ, từ đó bà con đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của. Nếu hơn 10 năm trước, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm với những con đường “nắng bụi, mưa lầy”, thì đến hôm nay nhiều con đường liên thôn, liên xã ở Quỳnh Phụ đã được nâng cấp, mở rộng, phục vụ nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán. Trong 3 năm qua, toàn huyện đã cứng hóa được trên 588 km đường giao thông nông thôn các loại, trong đó giao thông nông thôn 175 km, giao thông nội đồng 413,3 km.
Với chủ trương đúng đắn về xây dựng NTM, cùng với sự đồng lòng chung sức của người dân, những tuyến đường giao thông nông thôn kiên cố đã và đang được các địa phương nối dài, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững.