Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

 9866 lượt xem
(BTĐKT)-Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp như lập hội đồng quản lý chất lượng ở bệnh viện; cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian phải chờ đợi của người dân… 

 Bệnh viện có hội đồng quản lý chất lượng

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
 
Theo đó, hệ thống quản lý chất lượng trong bệnh viện gồm: hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện do giám đốc bệnh viện làm chủ tịch và phó giám đốc phụ trách chuyên môn làm phó chủ tịch; phòng/tổ quản lý chất lượng; nhân viên chuyên trách về quản lý chất lượng; mạng lưới quản lý chất lượng phù hợp với quy mô của bệnh viện. 
 
Bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện đa khoa hạng I thành lập phòng quản lý chất lượng; các bệnh viện khác tùy theo quy mô, điều kiện và nhu cầu của từng bệnh viện để quyết định thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng. Phòng/tổ quản lý chất lượng phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng chức năng để thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng bệnh viện.
 
Mạng lưới quản lý chất lượng bệnh viện: được thiết lập từ cấp bệnh viện đến các khoa, phòng, đơn vị trong bệnh viện, do phòng/tổ quản lý chất lượng làm đầu mối điều phối các hoạt động.
 
Chủ tịch hội đồng phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây dựng quy chế hoạt động của hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện. Chủ tịch hội đồng thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng và ban hành các văn bản về quản lý chất lượng trong bệnh viện. 
 
Hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất nhằm hỗ trợ, giám sát và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến quản lý chất lượng.
 
Lộ trình thực hiện công tác quản lý chất lượng ở bệnh viện được chia làm 3 giai đoạn. 
 
Từ 2013-2015, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng tại các Sở Y tế, Y tế ngành và các bệnh viện. Mỗi bệnh viện tổ chức hoặc cử nhân viên tham dự các khóa đào tạo, huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng về quản lý chất lượng do các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện. 
 
Giai đoạn 2016 – 2018, các cơ quan quản lý tiến hành đánh giá, thẩm định và công nhận chất lượng bệnh viện. Các bệnh viện đào tạo cán bộ chuyên trách quản lý chất lượng bệnh viện và tự nguyện đăng ký với tổ chức chứng nhận chất lượng để đánh giá chất lượng bệnh viện. 
 
Giai đoạn sau năm 2018 bệnh viện tiếp tục áp dụng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số, mô hình, phương pháp chất lượng và đăng ký chứng nhận chất lượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập.
 
Một nội dung quan trọng khác được quy định trong thông tư, các bệnh viện xây dựng bộ chỉ số chất lượng bệnh viện dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế và tham khảo các bộ chỉ số chất lượng bệnh viện trong nước hoặc nước ngoài. Thực hiện đo lường chỉ số chất lượng trong bệnh viện. Tổ chức thu thập, quản lý, lưu trữ, khai thác và sử dụng dữ liệu liên quan đến chất lượng bệnh viện. Lồng ghép báo cáo chất lượng vào báo cáo hoạt động chung của bệnh viện. Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, xử lý thông tin liên quan đến quản lý chất lượng bệnh viện.
 
Từ đó, bệnh viện thực hiện lấy ý kiến thăm dò và đánh giá sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế thường xuyên ít nhất là 03 tháng một lần, làm cơ sở cho việc cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và sự hài lòng của nhân viên y tế.
Các cơ quản lý tiến hành đánh giá chất lượng bệnh viện hoặc thẩm định báo cáo chất lượng dựa trên bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quản lý chất lượng do Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận theo định kỳ hằng năm hoặc đột xuất.
 
Theo nhiều chuyên gia y tế, việc lập hội đồng quản lý chất lượng tại bệnh viện là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là hội đồng đó lập ra phải hoạt động thực sự, có hiệu quả, tránh việc lập ra theo chỉ đạo, là tổ chức “bù nhìn”.
 
Cải tiến Bảo hiểm y tế
 
Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. 
 
Nội dung chính của Đề án là tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm toàn dân đến năm 2015 phải đạt được 70% và đến năm 2020 đạt trên 80%. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh và từng bước tăng nhu cầu, thỏa mãn yêu cầu của người bệnh. Tăng giá trị gói dịch vụ khám chữa bệnh. Tăng cường truyền thông giáo dục để nhân dân tự nhận thức rằng BHYT là quyền lợi của mình.
 
Để nâng cao chất lượng dịch vụ liên quan đến BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Bộ cũng kết hợp thực hiện nhiều giải pháp. “Thứ nhất là chúng tôi đã được Chính phủ phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện, bởi vì một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng khám là do quá tải. Đề án có nhiều giải pháp, nhưng trước mắt chúng tôi tập trung thực hiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng các Chỉ thị và một loạt các chính sách ban hành về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đó là cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4 đến 7 tiếng đồng hồ trước đây sẽ rút ngắn xuống trung bình khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, tùy theo loại khám thông thường hoặc khám có thêm các xét nghiệm chức năng. Giảm bớt số chữ ký mà bảo hiểm xã hội quy định trước đây thay vì phải có 6 chữ ký, thậm chí có nơi 7 chữ ký mới được khám xong thì hiện nay rút xuống còn 4 chữ ký.
 
Thứ hai là việc điều chỉnh giá dịch vụ, yêu cầu các bệnh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh. Có thêm nhiều bàn chỉ dẫn, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để bệnh nhân không mất nhiều thời gian đi lại”, Bộ trưởng cho hay. 
 
Hiện nay, một số nơi đã làm và đã thực hiện như Khoa khám bệnh của bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện nhân dân Gia Định - TP HCM, bệnh viện Trưng Vương TP HCM, bệnh viện đa khoa Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình… 
 
Bắt đầu từ ngày 1-8-2013, trong 2.184 giá dịch vụ khám chữa bệnh, Hà Nội bắt đầu tăng giá 712 dịch vụ. Cụ thể, đối với khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại I được điều chỉnh từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng đối với danh mục khám, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; từ 37.000 đồng lên 100.000 đồng đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ. Đối với khung giá một ngày giường bệnh, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng I được điều chỉnh từ 15.000 đồng/ngày lên 113.000 đồng/ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9.000 đồng/ngày lên 60.000 đồng/ngày...
 
Bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để đáp ứng quyền lợi cho người bệnh khi điều chỉnh giá viện phí, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế được phép áp dụng giá điều chỉnh phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang thiết bị điều hòa, máy vi tính, các dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa… cho các phòng khám, buồng khám và 15% đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa trang bị cho các buồng bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
Trong khi đó, theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam, viện phí mới không ảnh hưởng đến những người có thẻ BHYT và được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Với những người có BHYT và phải cùng chi trả 20% (chiếm phần lớn số người tham gia BHYT hiện tại), thì chi phí tăng thêm cho mỗi lần khám chữa bệnh cũng không đáng lo ngại lắm. Riêng với người nghèo (được cấp sổ hộ nghèo) thì khi khám chữa bệnh đã được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí. Đồng thời, Nhà nước cũng đã nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo từ 50% lên 70% từ năm 2012. Như vậy, có thể nói, bảo hiểm y tế là "phao cứu sinh" cho bệnh nhân nghèo khi điều chỉnh giá viện phí. 
 
Hi vọng với Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đến năm 2020 cùng với các giải pháp ngành y tế đưa ra, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân đặc biệt là người nghèo sẽ được nâng lên. Từ đó, người dân coi việc mua BHYT là việc làm thường xuyên và cấp thiết.
 
Hình ảnh: Người dân hi vọng, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh sẽ nâng cao, không còn tình trạng quá tải.
 
 
 
 
 
Thanh Phương
 
 
Ý kiến của bạn