Vệ sinh yêu nước đã có những chuyển biến

 8210 lượt xem
(BTĐKT) - Hơn 1 năm trước, phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân chính thức được phát động. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 2/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Tính đến nay, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của các bộ, ban ngành, tỉnh, thành và các tầng lớp nhân dân. 

Hải Dương là tỉnh đầu tiên trên cả nước được phát động phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân vào 2/7/2012. Từ nhiều năm nay, đây là địa phương vẫn duy trì, giữ gìn các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh dưới nhiều hình thức. 

 
Người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2013.
 
Cụ thể như Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh triển khai có hiệu quả Dự án “Cải thiện vệ sinh cộng đồng bằng cách tiếp cận dựa trên kết quả đầu ra” (gọi tắt là dự án CHOBA). Qua đó, tuyên truyền cho hàng nghìn phụ nữ về vấn đề bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, nhất là lợi ích của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong giai đoạn 2012- 2015, dự án hỗ trợ hơn 7.800 hộ gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo và khó khăn xây dựng mới nhà vệ sinh nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, giảm các bệnh lây nhiễm qua nguồn nước, thay đổi thói quen hành vi của người dân. 
 
Từ những năm 50 và 60 của thế kỷ XX Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo triển khai phong trào vệ sinh phòng bệnh. Ngày ấy, Hải Dương là một trong những địa phương triển khai tốt phong trào và vinh dự đón Bác Hồ về thăm là xã Nam Chính, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương vào ngày 15/2/1965. Đến nay, xã Nam Chính cũng là một điển hình về sự thay đổi trong việc giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh của người dân. Xã đã quy hoạch bãi rác tập trung rộng khoảng 3.000 m2 và thành lập tổ dịch vụ thu gom rác thải gồm 7 người đều đặn mỗi tuần 1 lần đi thu gom rác nên tình trạng vệ sinh môi trường đã được cải thiện đáng kể. Xã cũng tập trung hỗ trợ và khuyến khích nhân dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh vì tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt thấp. Chỉ trong khoảng 1 năm triển khai phong trào, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh của xã đã tăng từ 47% lên 86%.”. Nam Chính cũng phấn đấu từ nay đến năm 2015, 100% số hộ gia đình có 3 công trình hợp vệ sinh; trong năm 2013, 100% số hộ dân được sử dụng nước máy.
 
Nhiều địa phương duy trì phong trào dọn dẹp vệ sinh môi trường khu dân cư vào cuối tuần.
 
Còn tại Nam Định, hưởng ứng phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, tỉnh đã và đang triển khai Dự án Vệ sinh nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015. Qua một năm thực hiện dự án, tỷ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn trong tỉnh tăng từ 67,3% lên 69,9%. Mạng lưới cán bộ y tế từ tuyến huyện đến y tế thôn, xóm, tổ dân phố được củng cố; kiến thức về xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân được nâng cao. 
 
Từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế tỉnh Nam Định phối hợp với các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh… tổ chức hưởng ứng chiến dịch “Rửa tay với xà phòng”, chiến dịch “Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”… Trong đó, "Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” năm 2013, Sở Y tế đã chọn chủ đề "Cộng đồng chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh" để tổ chức lễ phát động nhằm vận động nhân dân xây dựng các công trình vệ sinh theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ các hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo vùng nông thôn xây dựng, sửa chữa nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước” đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về vệ sinh phòng bệnh. Từ việc đẩy mạnh phong trào, tại nhiều làng, thôn, xóm trong tỉnh đã duy trì các hoạt động dọn vệ sinh môi trường vào các ngày cố định trong tháng, nhất là dịp lễ, tết. Việc phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm thường xuyên, nguy hiểm được thực hiện chủ động và có hiệu quả nên những năm gần đây toàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra.
 
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giao cho Tổng cục Môi trường phụ trách phong trào trên. Cụ thể, Tổng cục Môi trường chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu vực chăn nuôi, khu vực dân cư nông thôn. Có kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải tại các khu đô thị, lưu vực sông, cộng đồng nông thôn và làng nghề nhằm thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước. Các đơn vị, cá nhân trực thuộc Bộ TN&MT cần tích cực rèn luyện, xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo vệ sinh nơi làm việc, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tích cực tham gia cá phong trào cung về vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
 
 

2013: "Cộng đồng chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh"

Bộ Y tế chọn chủ đề của phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm nay là "cộng đồng chung tay xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh". Các hoạt động của phong trào sẽ dựa trên cơ sở kế thừa và mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động y tế cộng đồng, các hoạt động về môi trường và sức khoẻ đan được triển khai tại các  địa phương, dựa vào quần chúng nhân dân nhằm phát huy sức mạnh toàn dân và thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động vệ sinh.

Theo số liệu của tổng cục thống kê và Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn còn có 4% dân số phóng uế trực tiếp ra môi trường bên ngoài và 16% dân số cả nước đang sử dụng loại nhà tiêu không cách ly được nguồn phân với môi trường xung quanh; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng 57%. 

 
 
Châu Giang
 
 
Ý kiến của bạn