Xây dựng Nông thôn mới ở thành phố Hà Giang: Đa dạng hóa các hình thức thực hiện

 8899 lượt xem
Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) của thành phố cho biết: Với chủ thể hưởng lợi là người dân, các tiêu chí của chương trình bao trùm tất cả các mặt chính trị, KT-XH, AN-QP của địa phương. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và các cấp chính quyền thành phố và sự tham gia hưởng ứng của người dân, bộ mặt nông thôn thành phố đã có những bước thay đổi rõ rệt. 

Qua 3 năm triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM thành phố đã lãnh, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về XDNTM bằng các hình thức như: Biểu diễn văn nghệ, tờ rơi, về “9 việc của hộ gia đình, 7 việc của thôn, 8 việc của xã”; tuyên truyền trên Báo Hà Giang, Đài PT-TH hàng trăm tin, bài, ảnh. Các phong trào thi đua “Cả nước chung tay XDNTM” gắn việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với XDNTM” được triển khai trên địa bàn thành phố. Đến nay, bộ mặt nông thôn đã có những đổi thay rõ rệt; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm đều tăng. Kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ; chế biến nông sản như chè, thảo quả, làng văn hóa du lịch cộng đồng... Đến nay, 100% xã có hệ thống lưới điện Quốc gia; trên 90% hệ thống kênh mương được kiên cố hóa; các công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 15 triệu đồng/năm; các xã cơ bản đạt chuẩn Quốc gia về y tế; hệ thống thông tin liên lạc và truy cập internet thuận tiện; 92% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, bước đầu đã tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tạo sự chuyển biến tích cực đến nhận thức của người dân. Trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những cách làm hay như: Chấm điểm XDNTM ở xã Phương Thiện, “Sân khấu hóa” các cuộc thi tìm hiểu về Chương trình XDNTM của các xã, đặc biệt là những phong trào do các đoàn thể phát động... Nhân dân đã tự nguyện hiến 52.283 m2 đất, đóng góp 17.573 ngày công và 5.766 m3 vật liệu; mở rộng, giải phóng mặt bằng được 7.830 m đường; vận động các doanh nghiệp ủng hộ được 7,79 tỷ đồng và 60 tấn xi măng. Trong đợt sơ kết XDNTM vừa qua, xã Ngọc Đường được biểu dương là xã có số lượng đất hiến nhiều nhất 18.667 m2. Ở thôn Nậm Tài, người dân đã hiến 12.645 m2 đất, tiêu biểu như gia đình ông Bàn Văn Đồng hiến 2.921,5 m2 đất vườn rừng; ông Bàn Văn Dột hiến 1.475,5 m2 đất vườn rừng...

Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Bí thư Thành ủy cho biết thêm: Với mục tiêu xây dựng vùng nông thôn thành phố Hà Giang có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập giữa các xã ngoại thành và nội thành; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân XDNTM bằng nhiều hình thức; chỉ đạo các xã duy trì việc thực hiện chấm điểm 7 việc của thôn, 9 việc của hộ gia đình. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò, vị trí của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc, đồng thời đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hiện có hiệu quả; các chỉ tiêu hoàn thành phải đồng bộ và phải có định lượng, đánh giá được tỷ lệ đạt được, trên cơ sở xác định rõ khối lượng công việc cụ thể cần làm, cân đối nguồn lực để tổ chức thực hiện; khơi dậy tính năng động, sáng tạo, khắc phục tư tưởng trông trờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước của một bộ phận người dân; biểu dương khen thưởng đối với các thôn bản, hộ gia đình tiên phong, gương mẫu thực hiện, hoàn thành các tiêu chí XDNTM; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong việc tổ chức đầu tư sản xuất.
 
 
Ý kiến của bạn