Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng và Luật Việc làm

 10715 lượt xem
Hội nghị được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lai Châu khóa XIII tổ chức sáng nay (3/9). Đồng chí Chu Lê Chinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị. 

Luật Thi đua khen thưởng (TĐKT) đã được kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005; được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI vào năm 2005. Đây là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác TĐKT.

Qua 8 năm triển khai, Luật TĐKT ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước ra sức thi đua, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Luật TĐKT đã bộc lộ một số nội dung bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, cần phải được nghiên cứu bổ sung và sửa đổi.
 
Đồng chí Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị.
 
Các ý kiến tham gia góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TĐKT cho rằng, một số điều quy định trong Dự thảo Luật chưa thể hiện được mối quan hệ giữa khen thưởng và thi đua; các nội dung quy định từ điều 60 – 73 quy định thời gian được xét khen thưởng quá dài, đối tượng xét tặng còn chung chung. Các đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian và quy định cụ thể, rõ ràng các đối tượng được xét tặng; điều chỉnh mức chi khen thưởng theo từng thành tích đã đạt được; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thi đua khen thưởng của cấp huyện, thị và tương đương; có quy định mức chi cho công tác thi đua khen thưởng các cấp; rút ngắn thời gian giữa các hạng khen thưởng; sắp xếp lại thứ tự giữa khoản 21, điều 2 và khoản 21, điều 2. 
 
Các đại biểu cũng cho rằng cần phải xem xét về tên Luật; thống nhất nguyên tắc khen thưởng phải dựa trên tính chính xác, dân chủ, công khai, kịp thời. Một số nội dung cần quy định rõ như: Danh hiệu và thời gian thi đua; thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phát động thi đua. Phải có văn bản đề nghị về quy trình thủ tục xét tặng cho các cá nhân, tập thể…
 
Những ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan soạn thảo xem xét để hoàn thiện, trình kỳ họp Quốc hội thông qua.
 
* Chiều cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Việc làm.
 
Dự thảo Luật Việc làm gồm 7 chương, 63 điều. Nội dung tiếp tục cụ thể hóa và phù hợp với định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và kịp thời thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng ta. Đồng thời Dự thảo Luật cũng đảm bảo tính thống nhất, toàn diện và nhất quán các quy định của pháp luật về việc làm trong một văn bản luật; đảm bảo bình đẳng và thúc đẩy cơ hội việc làm nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động...
 
Ngoài tham gia góp ý sửa chữa câu từ, bố cục Dự thảo Luật Việc làm, các đại biểu cho rằng, cần phải bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm, đó là không đóng và đóng không đầy đủ, kịp thời quỹ bảo hiểm thất nghiệp; sử dụng quỹ quốc gia về việc làm và quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định. Điều 12, Chương 2 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm cần bổ sung đối tượng là thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; Điều 13, chương 2, làm rõ thêm điều kiện vay vốn. Cần điều chỉnh Điều 4, Chương I phần quy định nguyên tắc về việc làm thành 1 điều riêng về lao động việc làm…
 
Đồng chí Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu; tổng hợp, gửi Ban soạn thảo Luật của Quốc hội để hoàn thiện bộ Luật trong thời gian tới.
 
 
Ý kiến của bạn