Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ (năm 1995) là cuộc vận động cách mạng rộng lớn mang tính toàn dân, toàn diện, diễn ra trong thời gian dài, khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức cộng đồng, vươn lên tự làm chủ cuộc sống bản thân, gia đình đến làm chủ cộng đồng, làm chủ xã hội.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là thành tố quan trọng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Đảng và Nhà nước phát động. Thực tế khẳng định Cuộc vận động đã mang lại những kết quả to lớn, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đời sống nhân dân, gắn liền với việc nâng cao vị thế và việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ các cấp theo phương châm đưa công tác mặt trận về địa bàn khu dân cư.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kịp thời hướng dẫn MTTQ các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn nội dung thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, Uỷ ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng “Khu dân cư văn hoá” và “Gia đình văn hóa”…
Cuộc vận động tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau ở tất cả cộng đồng khu dân cư trong tỉnh. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thì sự giúp đỡ trực tiếp của nhân dân tại cộng đồng có ý nghĩa rất to lớn, nhiều nơi có cách làm thiết thực như giúp đỡ ngày công, cây con giống, vốn, kỹ thuật sản xuất, giới thiệu việc làm….
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được triển khai ở 100% khu dân cư, đã trở thành hoạt động thường xuyên, hiệu quả, với nhiều hình thức vận động như tổ chức lễ tiếp nhận ủng hộ quỹ trong tháng cao điểm, trực tiếp vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Chỉ tính riêng số tiền vận động trực tiếp vào quỹ các cấp từ năm 2001 đến nay, quỹ “Vì người nghèo” toàn tỉnh thu được trên 160,27 tỷ đồng, trong đó quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh trên 128,39 tỷ đồng, quỹ “Vì người nghèo” cấp huyện và cấp xã là 31,88 tỷ. Kết quả đã xóa được 13.000 nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo; giúp các hộ nghèo khi gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, mất mùa, khám chữa bệnh, học tập; giúp đỡ vốn và các điều kiện sản xuất; tổ chức thăm hỏi vào các dịp lễ tết với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Các chính sách xã hội đã được quan tâm, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, số hộ nghèo, hộ ở nhà tạm giảm rõ rệt; kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, các công trình an sinh xã hội được chú trọng đầu tư, nâng cấp.
Các khu dân cư đã chú trọng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao; tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, nhà văn hóa, điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp được 2.732/2.875 nhà văn hóa khu dân cư, đạt 95%. Bình quân kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa là 45 triệu đồng, chủ yếu do huy động đóng góp của nhân dân. Nhiều nhà văn hoá được đầu tư xây dựng khá khang trang với tổng kinh phí từ 150 đến 450 triệu đồng.
MTTQ các cấp trong tỉnh chủ động xây dựng tiêu chí bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới và phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên vận động nhân dân tích cực đóng góp tiền, vật liệu xây dựng, tham gia phong trào hiến đất làm đường giao thông, cùng nhà nước đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, xây dựng và duy trì các điểm thu gom xử lý rác thải. Vận động nhân dân không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tích cực trồng cây xanh, duy trì các hoạt động giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Phối hợp với các cấp chính quyền và đoàn thể tiếp tục vận động nhân dân thực hiện quy chế dân chủ, tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước tại cộng đồng dân cư. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 2.875/2.875 khu dân cư xây dựng được quy ước, hương ước, 100% các khu dân cư xây dựng được nhóm nòng cốt để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tham gia hoạt động hòa giải các mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc trong tham gia xây dựng chính quyền, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tập trung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là Đề án 02-2012, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Tham gia cùng với Thường trực và các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Từ những kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động trong tình hình mới, MTTQ các cấp trong tỉnh đã xác định một số giải pháp sau:
Một là, Coi trọng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư, tập trung được mọi tầng lớp, giới tính, độ tuổi cùng tham gia. Đại đoàn kết toàn dân phải dựa trên cơ sở vừa huy động sức dân vừa coi trọng việc chăm lo và bồi dưỡng sức dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Uỷ ban MTTQ phát động tại địa bàn khu dân cư.
Hai là, Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Nghị quyết 20/NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân đến năm 2015”. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn xã hội Quyết định 290-QĐ/TW và các Kết luận số 57, 62, 65-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Nhân ra diện rộng những kinh nghiệm hay, những điển hình mới; thực hiện việc đưa công tác Mặt trận đến từng gia đình, từng người dân, bám sát cuộc sống của nhân dân, làm cho Mặt trận thực sự là chỗ dựa tin cậy của dân.
Ba là, Tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết TW7 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhằm sớm triển khai có hiệu quả Chỉ thị 1869/CT - TTg ngày 10/10/2010 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường phối hợp với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” trong giai đoạn mới. Nội dung trên được tiến hành theo lộ trình sau: Giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng 95 xã đạt nông thôn mới, đồng thời phấn đấu để toàn tỉnh có 3 huyện đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020: sẽ xây dựng 112 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới cho 8 huyện còn lại. Phấn đấu đến năm 2020, Phú Thọ đạt tỉnh nông thôn mới.