(BTĐKT)- Về thăm xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) trong cái nắng dịu nhẹ của mùa hè Tháng 4, thăm những thửa ruộng trồng cà chua bi đỏ rực trải dài – một trong những mô hình sản xuất hiệu quả đã làm cho bộ mặt của xã đang từng bước đổi mới, đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa ngày càng phát triển, phong phú. Một vùng quê anh hùng đang bứt phá vươn lên trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tân Thịnh nằm ở phía Bắc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích đất tự nhiên là 886,26ha, dân số 9.750 người, gồm 12 thôn. Người dân nơi đây vốn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và anh dũng trong chiến đấu… Đó là tiền đề và cũng là động lực lớn để Đảng bộ và nhân dân xã Tân Thịnh vững bước trên con đường xây dựng và phát triển quê hương thời kỳ đổi mới.
Tân Thịnh là một trong 11 xã của toàn quốc được Ban Bí thư Trung ương Đảng lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới giai đoạn 2009 – 2011. Trong quá trình triển khai thực hiện đến nay, xã cơ bản đạt được 18/19 tiêu chí . Có thể nói trong một thời gian ngắn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thịnh đồng lòng, đoàn kết, tập trung trí lực, nguồn lực – tất cả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nói về việc xây dựng NTM ở địa phương, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch xã cho biết: Tân Thịnh là một trong những xã thí điểm của toàn quốc về xây dựng NTM, nên Ban lãnh đạo xã xác định đây là nhiệm vụ vinh dự, nhưng trách nhiệm rất nặng nề. Xây dựng NTM chính là xây dựng con người mới với cách nghĩ, cách làm mới phù hợp với thời đại, từ đó giúp người dân phát huy quyền làm chủ của mình, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Ðể triển khai thực hiện đề án, Tân Thịnh đã thành lập Ban Chỉ đạo từ xã tới thôn, bản gồm các thành phần: Cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đại diện nhân dân tham gia. Người dân được đóng góp ý kiến vào đề án quy hoạch và bản kế hoạch xây dựng nông thôn mới của xã, tham gia bàn bạc, lựa chọn công trình xây dựng hoặc các công việc nào cần làm trước, làm sau... Bởi vậy, quá trình thực hiện đã thu hút được đông đảo người dân phấn khởi, đồng lòng tham gia.
Đến thăm mô hình trồng cây cà chua bi của gia đình bác Đặng Đình Thìn 63 tuổi, bác cho biết cà chua bi là giống HT144 của trường Đại học Nông nghiệp 1 năm 2010 chuyển giao cho bà con, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, năng suất cao và có thể tái sinh sau khi đã thu hoạch. Với một sào cà chua bi, trừ hết chi phí, gia đình bác Thìn thu được hàng chục triệu đồng 1 vụ. Các công đoạn làm đất, trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch đều nhận được sự hướng dẫn kỹ thuật rất tận tình của cán bộ khuyến nông. Sản phẩm sau thu hoạch được các công ty chế biến thực phẩm đến tận nơi thu mua nên giá cả ổn định và rất an tâm.
Được biết, mô hình trồng rau chế biến (cà chua bi, ớt, dưa bao tử) chỉ là một trong 5 mô hình phát triển kinh tế của Đề án xây dựng NTM ở xã Tân Thịnh. Các mô hình trồng nấm, trồng hoa, trồng cây thuốc lá và phát triển chăn nuôi trang trại cũng đang được xã cùng bà con nông dân tích cực chuẩn bị triển khai. Năm 2010, chỉ tính riêng lợi nhuận từ 21ha rau chế biến đã đem về cho người dân trong xã hơn 8 tỷ đồng.
Đi trên con đường liên thôn được trải bằng bê tông kiên cố, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Dần năm nay 64 tuổi ở thôn Sậm, gia đình ông đã hiến trọn toàn bộ phần đất thổ cư rộng 680 m2 của gia đình cho xã mở rộng Trung tâm văn hóa thôn để đổi lại 135 m2 đất trong làng, ông tâm sự: Những việc gia đình ông đã làm có gì đáng nói đâu, miễn sao sau này đời sống văn hóa của bà con trong xã phong phú và khá hơn trước là vui lắm rồi.
Căn cứ theo tiêu chí về xây dựng NTM thì đến nay xã Tân Thịnh đã đạt 19 tiêu chí, đây quả là điều đáng mừng. Bằng nguồn vốn đầu tư của Chính phủ và của địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang tiếp tục được triển khai xây dựng, hoàn thiện (đường liên thôn được cứng hóa, trạm bơm nước, kênh mương chính được nâng cấp. Trạm xá, nhà văn hóa trường học... được cải tạo, xây mới) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện chỉ còn 7%. Lao động trên địa bàn xã được đào tạo nghề cả ngắn hạn và dài hạn đạt khoảng 30%; gần 20 lớp đào tạo nghề đã được mở cho hơn 480 người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tất cả tạo nên một bức tranh NTM năng động, đầy gam màu tươi sáng. Có thể nói công tác tuyên truyền và huy động sức dân được Tân Thịnh triển khai rất tốt. Đảng ủy và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã phân tích cơ cấu nguồn vốn và trách nhiệm người dân phải đóng góp, đồng thời chỉ cách làm cụ thể để dân hiểu và có trách nhiệm. Công tác quản lý tài chính chặt chẽ, cơ chế cụ thể, công khai từng thôn, khi nào đủ phần đối ứng của người dân mới cho xây dựng. Bên cạnh đó, tăng cường quyền giám sát của người dân, huy động sức dân và mở rộng sức sáng tạo của người dân, đưa họ vào cuộc, với quan điểm không ai giám sát tốt bằng người dân. Bài học kinh nghiệm ở đây cái được lớn nhất chính là hợp lòng dân, tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng của dân, việc gì dân cần trước thì làm trước, đồng thời mở rộng sức sáng tạo của người dân, tôn trọng quyền tự do làm chủ của người dân.
Về xã Tân Thịnh hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự thay đổi diện mạo nông thôn ở đây so với mấy năm trước. Không chỉ đường làng, ngõ xóm kiên cố, mở rộng hơn, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, cái được hơn cả là đới sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Đây là kết quả quan trọng khẳng định xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, làm chuyển biến mạnh mẽ nhiều mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đến đời sống của nhân dân.
Cách làm hay ở đây là chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và phát triển sản xuất nông nghiêp. Được chọn là xã điểm nông thôn mới, Tân Thịnh được đầu tư 88 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, 24 tỷ đồng là nguồn vốn công trình lồng ghép và còn lại là vốn của nhân dân đóng góp bằng nhiều hình thức: Hiến đất làm đường, đóng góp tiền, ngày công xây dựng cổng, ngõ xóm, đường liên thôn, nội đồng và xây dựng các công trình văn hóa. Điển hình như thôn Sậm Đến đầu năm 2011 thôn đã hoàn thành 100% đường bê tông nội thôn với chiều dài 2.942m, kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động; vận động nhân dân chỉnh trang 100 % cổng nhà theo mẫu; chỉnh trang, xây mới nhà ở, công trình bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh trị giá hơn 24,5 tỷ đồng; tổ chức xây dựng mương thoát nước sinh hoạt, xây dựng bể chứa rác sản xuất để nhân dân thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật…
Có thể khẳng định thêm một lần nữa, cái được lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Thịnh chính là đời sống của nhân dân nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người từ 11,9 triệu đồng lên 23 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,7% năm 2009 xuống còn 3,9% năm 2012.
Rời Tân Thịnh tôi vẫn còn ấn tượng bởi hàng nghìn cái cổng đẹp giống nhau. Phong trào chỉnh trang nhà cửa, vườn tạp, làm nhà vệ sinh tự hoại, gia cố chuồng trại chăn nuôi, xây hầm biogas lan rộng khắp xã với hàng nghìn hộ dân tham gia. Phong trào xây dựng NTM ở Tân Thịnh có sức lan tỏa không những trong toàn tỉnh Bắc Giang mà còn trong cả nước. Hiện nay đã có 161 đoàn của các đơn vị địa phương trong toàn quốc đến thăm quan trao đổi học tập kinh nghiệm về xây dựng NTM của xã. Đặc biệt vinh dự cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Thịnh, đầu năm 2010 được đón đồng chí Trương Tấn Sang lúc đó là Thường trực Ban Bí thư TW Đảng nay là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về thăm. Qua các phong trào đó, người dân nhiệt tình tham gia công tác xã hội, đoàn kết nhau lại tạo thành các phong trào thi đua sôi nổi. Hệ thống chính trị vững mạnh; các tổ chức đoàn thể đều đạt vững xuất sắc. Đảng bộ xã 18 năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh; 03 năm liền 2009-2011 là xã dẫn đầu phong trào thi đua khối xã phường, thị trấn của tỉnh Bắc Giang được nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh và cờ thi đua đơn vị dẫn đầu của UBND tỉnh; năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân đồng chí Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND xã, năm 2011 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. Đồng chí Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã được mời đi phổ biến kinh nghiệm cho các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc.
Về với vùng quê anh hùng đang vững chắc đi lên trong sự nghiệp đổi mới, đi trên những con đường mới được bê tông hoá, đến với những mô hình kinh tế mới, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ tại cơ sở, chúng tôi đã thấy bức tranh nông thôn mới với những sắc màu tươi mới và tin tưởng. Tân Thịnh xứng đáng là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Hoài Thanh