(BTĐKT)-Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, tại thành phố Đà Nẵng, loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước có bước phát triển nhanh chóng. Hiện nay, thành phố có 06 Khu công nghiệp, trên 11.200 doanh nghiệp dân doanh và 26.500 hộ kinh doanh cá thể, 181 dự án FDI, mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động. Tổng số công nhân viên chức lao động là 108.626 người. Cơ cấu lao động thay đổi theo hướng giảm ở khu vực nhà nước và tăng nhanh ở ngoài khu vực nhà nước.
Những năm qua các cấp công đoàn thành phố đã chú trọng đổi mới tổ chức phong trào thi đua trong đoàn viên và người lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đến nay, số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn là: 448, trong đó: Số doanh nghiệp ngoài nhà nước: 373, doanh nghiệp FDI: 57, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 18. Tổng số đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI: 59.178. Hầu hết các doanh nghiệp có 50 lao động trở lên đã có tổ chức Công đoàn. Hàng năm, có gần 70% cán bộ Công đoàn cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động công đoàn, trong đó có chuyên đề về công tác thi đua khen thưởng, tập huấn nghiệp vụ hoạt động khoa học công nghệ, sáng kiến.
Hàng năm, Liên đoàn Lao động thành phố phát động các phong trào thi đua trong các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động; chỉ đạo Công đoàn các doanh nghiệp phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động nhằm phát huy quyền làm chủ của người lao động bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tham gia thực hiện các chế độ chính sách, phát động thi đua... Các cấp Công đoàn đã chủ động xây dựng Quy chế về mối quan hệ giữa Công đoàn và chính quyền đồng cấp, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp chỉ đạo phong trào thi đua; nhiều doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể trong đó có nội dung thi đua khen thưởng (tỷ lệ các doanh nghiệp có Thỏa ước lao động tập thể đạt 73%). Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng và ban hành Quy chế khen thưởng, quy định tiêu chuẩn chấm điểm, xếp loại thi đua và hoạt động Công đoàn ở các loại hình cơ sở, chỉ đạo các cấp Công đoàn tổng kết các phong trào thi đua, động viên khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến.
Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2005 - 2010; Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Lao động sáng tạo”; tổng kết 5 năm phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; định kỳ 2 năm một lần tổ chức Lễ tuyên dương công nhân viênc chức lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; tổ chức gặp mặt, tuyên dương 80 doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động; duy trì thường xuyên chuyên mục truyền hình “Lao động - Công đoàn”, kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”.
Hưởng ứng các phong trào thi đua do Liên đoàn Lao động thành phố phát động, tại nhiều doanh nghiệp, Công đoàn đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động cụ thể hóa phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực tổ chức phong trào thi đua trong đoàn viên, công nhân lao động mang lại hiệu quả thiết thực, tiêu biểu là:
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”: Đây là phong trào trọng tâm, với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, đã động viên công nhân lao động phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. 5 năm qua, công nhân lao động thành phố đã hoàn thành 4.673 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, làm lợi 75 tỷ đồng; hoàn thành 310 đề tài khoa học các cấp; có 76 cá nhân được Tổng Liên đoàn tặng Bằng Lao động sáng tạo; 5 cá nhân được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Riêng đối với cá nhân là công nhân lao động được Tổng Liên đoàn tặng Bằng Lao động sáng tạo còn được UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen và thưởng 5 triệu đồng cho mỗi cá nhân. Qua 3 Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố và toàn quốc, công nhân lao động thành phố có 119 giải pháp tham gia hội thi và đạt 93 giải. Một số đơn vị đăng ký thi đua thực hiện các “Công trình, sản phẩm mới”, công nhân lao động đã hoàn thành 527 công trình sản phẩm có giá trị.
Phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”: Các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, phối hợp huấn luyện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức cho các doanh nghiệp ký cam kết xây dựng mô hình “Doanh nghiệp, Khu công nghiệp Xanh - Sạch - Đẹp”; tham gia có hiệu quả Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ hàng năm của thành phố; chỉ đạo tổ chức Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi từ cấp cơ sở đến thành phố định kỳ 2 năm một lần.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động: Đã phát huy tác dụng tốt, động viên khuyến khích nữ công nhân lao động phấn đấu trong lao động sản xuất và xây dựng gia đình hạnh phúc. Hàng năm có 80 % nữ công nhân lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. 5 năm qua, nữ công nhân lao động đã hoàn thành 1.943 sáng kiến, trên 10.445 chị được đào tạo nghề, nhiều chị đã trở thành công nhân giỏi nghề, nhà quản lý giỏi.
Phong trào học tập nâng cao trình độ mọi mặt trong công nhân lao động: Tại một số doanh nghiệp, công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đã có 55% công nhân được đào tạo lại, bình quân mỗi năm có 6.200 công nhân được thi nâng bậc, 4.500 công nhân lao động thi tay nghề, thi thợ giỏi.
Các phong trào thi đua trong đoàn viên và người lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước những năm qua đạt được những kết quả đáng khích lệ, động viên được đông đảo công nhân lao động đồng hành cùng với doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế đã góp phần tích cực vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế thành phố.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các phong trào thi đua trong đoàn viên và người lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế. Phong trào thi đua chưa ngang tầm theo yêu cầu của việc đổi mới, chưa sâu rộng; các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang thì công tác thi đua được quan tâm hơn; số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân tổ chức phong trào thi đua còn ít, nhiều lúng túng, hạn chế, hình thức; sự phối hợp giữa Công đoàn và chính quyền đồng cấp để chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua có nơi còn thiếu chặt chẽ; Không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa phối hợp với công đoàn tổ chức các phong trào thi đua; việc khen thưởng cho công nhân lao động chỉ được định giá bằng tiền, không để ý đến các danh hiệu, hình thức khen thưởng. Thực tế đó đòi hỏi Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật cần có quy định tiêu chuẩn khen thưởng phù hợp đối với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, quy định danh hiệu tiêu chuẩn thi đua, hình thức khen thưởng riêng cho đối tượng lao động trực tiếp; cần có quy định danh hiệu vinh dự nhà nước để tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu có tay nghề giỏi, có nhiều sáng kiến, có nhiều công lao cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ thực tiễn cho thấy, tổ chức phong trào thi đua trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cần được quan tâm của các cấp; cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động và đoàn viên, công nhân lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng; tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, tìm ra mô hình, phương thức tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người lao động và xã hội; phải coi trọng việc giải quyết tốt các quan hệ lợi ích (lợi ích người lao động, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích xã hội) bằng sự thương lượng thoả thuận, sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và thi đua tự giác, xây dựng doanh nghiệp phát triển; nội dung thi đua phải bám sát nhiệm vụ của doanh nghiệp, cần quan tâm đến giải quyết việc làm, thu nhập, cải thiện điều kiện lao động; hình thức thi đua trong cơ chế thị trường cần phải linh hoạt, thi đua phải có so sánh, công khai, khen thưởng chính xác, kịp thời động viên tinh thần gắn liền với thưởng vật chất tương xứng với hiệu quả tạo ra, xây dựng, nhân rộng các mô hình mới.
Kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua những năm qua, các cấp Công đoàn thành phố Đà Nẵng luôn xác định tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động, góp phần tạo ra động lực mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh./.
Lê Văn Lâm