Người cộng tác viên dân số ở bản vùng cao

 13713 lượt xem
(BTĐKT)-Công tác DS-KHHGĐ (Dân số- Kế hoạch hóa gia đình) của xã Long Mai, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua luôn đạt được những kết quả đáng khích lệ, có được kết quả này phần lớn là nhờ đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở, họ đã theo dõi, quản lý, tuyên truyền, tư vấn và vận động đối tượng tại địa bàn thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS (sức khỏe sinh sản) 

Tiêu biểu trong đội ngũ này là  cô Lê Thị Hường, cô Hường làm cộng tác viên DS -KHHGĐ đến nay đã 14 năm.  Địa bàn cô Hường quản lý là thôn Mai Lãnh Hữu - xã Long Mai. Toàn địa bàn có 129 hộ, 463  khẩu( có 82% là dân tộc Hre), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 186 người. Hằng tháng, cô thường đến thăm tất cả các gia đình trong địa bàn mình quản lý, trao đổi công việc làm ăn kinh tế cũng như vận động các gia đình thực hiện theo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong các đợt chiến dịch SKSS/KHHGĐ tổ chức tại xã, cô Hường vận động và đưa chị, em đi khám phụ khoa, khám thai, thực hiện KHHGĐ đạt trên 90% theo từng đợt chiến dịch. Là người Kinh, nhưng cô Hường rất thông thạo tiếng Hre ;  trong địa bàn cô quản lý, những cặp vợ chồng có đủ số con mong muốn, cô áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động cho đến khi đối tượng chấp nhận thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT). Hằng tháng, cô Hường đến cấp phát thuốc uống và bao cao su tránh thai cho các đối tượng áp dụng BPTT phi lâm sàng; còn những chị em áp dụng biện pháp đặt vòng, đình sản, thuốc tiêm, thuốc cấy thì cô đưa đối tượng đến Trung tâm y tế huyện và Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh để thực hiện. Chị Đinh Thị Dầu - Ở thôn Mai Lãnh Hữu kể: “Năm 2008, cô Hường đến vận động tôi đi đình sản, tôi thì đồng ý nhưng chồng tôi nhất quyết không chịu, nhưng ngày này qua ngày khác Cô Hường đến động viên, thuyết phục nên chồng tôi đã nhất trí cho vợ đi đình sản”.  Địa bàn cô Hường phụ trách luôn hoàn thành chỉ tiêu xã giao hàng năm.  Trong 14 năm qua, cô đã vận động chị em thực hiện được 26 ca đình sản, 89 ca đặt vòng; 06 ca dùng thuốc cấy và 46 người dùng thuốc uống tránh thai và bao cao su, tỉ lệ cặp vợ chồng thực hiện BPTT năm 2012 đạt trên 83%.
 
Chị Trần Nữ Vương Phương - chuyên trách Ban dân số xã nhận xét: “Cô Hường là một cộng tác viên lớn tuổi và tiêu biểu nhất của xã, cô phụ trách địa bàn rộng, dân cư sống rãi rác, nhưng với nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động, cô đã hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch giao hằng năm”.
 
Khi được hỏi về công việc cô Hường vui vẻ nói: “Bà con mình còn nghèo, sinh con nhiều lấy đâu chu cấp đủ cái ăn, cái mặc; chứ nói gì đến việc cho con được đến trường học cái chữ. Vì thế tôi phải tích cực tuyên truyền, vận động bà con để họ thấy được lợi ích của việc thực hiện gia đình ít con, để nâng cao chất lượng cuộc sống”. 
 
 
 Cô Hường tại buổi gặp mặt Cộng tác viên tiêu biểu nhân ngày Dân số Việt Nam. 
 
Ngoài công việc là cộng tác viên dân số, cô Hường còn làm cộng tác viên y tế thôn, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn .Trong công tác y tế thôn, cô vận động bà con trong địa bàn khi đau, ốm là đến cơ sở y tế khám để điều trị, chứ không nên cúng, bái. Hiện nay, bà con ở đây đã dần bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh trong sinh hoạt để hạn chế ốm, đau. Trong công tác Chi hội phụ nữ, cô Hường luôn trao đổi, giúp đỡ chị em trong cách làm ăn, phát triển sản xuất, giúp đỡ chị em trong công tác nuôi dạy con, hướng dẫn chị em làm thủ tục vay vốn ở ngân hàng Chính sách và ngân hàng Nông nghiệp huyện để có vốn sản xuất…
 
Với thành tích trên, cô Lê Thị Hường được Ngành dân số huyện và tỉnh tặng 02 giấy khen, Hội phụ nữ xã và huyện tặng 5 giấy khen, trung tâm y tế huyện tặng 02 giấy khen trong các hội thi cộng tác viên dinh dưỡng giỏi.
 
Bùi Đình Toàn
 
Ý kiến của bạn