(BTĐKT) - Hơn 2 tuần nay, dịch đau mắt đỏ xuất hiện và lây lan nhanh. Cơ quan chức năng cho biết từ Bắc vào Nam, bệnh đau mắt đỏ đều đã xuất hiện, số người mắc bệnh tăng lên nhanh. Mặc dù bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc phòng ngừa và chữa trị bệnh đau mắt đỏ cũng rất cần thiết.
Bùng phát trên diện rộng
Tại bệnh viện Mắt Trung ương, hai tuần trở lại đây, mỗi ngày có khoảng 300 - 400 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ gia tăng mạnh, chiếm đến 20% tổng số ca đến khám tại Khoa. Bệnh lây lan rất nhanh nên có nhiều gia đình cả nhà đều bị bệnh.
Tại Hưng Yên, bác sĩ Phạm Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Khám bệnh, BV Mắt Hưng Yên cho biết: Số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tăng cao ở mọi lứa tuổi, trung bình mỗi ngày có từ 40 - 50 bệnh nhân.
Dịch bệnh không chỉ bùng phát ở Hà Nội mà còn xuất hiện ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và miền Tây Nam Bộ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng bệnh nhân tại các bàn khám về đau mắt đỏ tăng khoảng 30% so với các tuần trước đây. Bệnh viện 175 lượng bệnh nhân đến khám loại bệnh này cũng tăng gấp đôi so với ngày thường.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, từ cuối tháng 8 đến nay, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh tăng lên gấp bội. Trung bình mỗi ngày có hơn 30 bệnh nhân đến khám. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số bệnh nhân lên tới 40 – 50 ca/ngày.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 250 ca bệnh, trong đó có 90% là bệnh nhân bị đau mắt đỏ, ở đủ các độ tuổi khác nhau.
Ở Quảng Ngãi, theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày có hơn 80 trường hợp bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đến khám tại Khoa Mắt của bệnh viện. Số lượng tăng khoảng 5 - 6 lần so với bình thường. Còn tại Bình Phước, bác sĩ Lê Văn Giang - Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh đau mắt đỏ không hề có miễn dịch nên nhiều bệnh nhân vừa khỏi vài ngày, khi tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ khác, lại bị lây.
Ở các tỉnh miền Tây, dịch đau mắt đỏ cũng đã bùng phát. Khoa mắt Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận 60 - 70 trường hợp mỗi ngày. Con số này tại Bệnh viện Mắt - Răng hàm mặt Cần Thơ lên đến hơn 100 người.
Điều trị cẩn thận
Các bác sĩ cho biết, hiện tại đang là mùa bệnh đau mắt đỏ. Bệnh phần lớn do virus Andennovirus gây nên. Bệnh lây lan khá nhanh và thông thường sẽ tự hết từ 7 – 14 ngày. Song, có một số ít trường hợp bị biến chứng phần giác mạc (tròng đen) và gây ra hiện tượng giảm thị lực ở người mắc bệnh. Đau mắt đỏ không lây qua đường nhìn nhau mà trung gian truyền bệnh là nước mắt có chứa virus của người bệnh đau mắt đỏ. Hoặc bệnh lây truyền qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như: Điện thoại, khăn, nắm cửa, nước hồ bơi bị nhiễm khuẩn.
Theo BS. Hoàng Cương, bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh trong cộng đồng với các biểu hiện ban đầu là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Bệnh nhân vẫn nhận thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Tuy nhiên, ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị phù mắt, có màng trong mắt. Người bệnh còn có biểu hiện sốt nhẹ, viêm mũi họng, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng đau và nổi hạch. Bệnh đau mắt đỏ lây lan qua nhiều con đường như: Hơi thở, nước bọt, không khí hay lây qua tiếp xúc đồ vật do người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại chạm vào đồ vật.
Ngoài ra, việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến, bởi đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch. Khi mới nhiễm vi-rút, người bệnh không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây lan nhau. Nhiều trường hợp, người lớn khỏi rồi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm.
“Đau mắt đỏ không phải là bệnh nặng nếu người dân biết cách chữa trị và chăm sóc kịp thời. Thông thường bệnh chỉ diễn biến và tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, sau thời gian này nếu bệnh không đỡ hoặc thấy có các triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về mắt để được điều trị kịp thời, tránh gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi” - BS. Cương khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, để chữa trị và phòng bệnh đau mắt đỏ, bệnh nhân không nên quá nôn nóng. Tốt nhất trước mỗi lần nhỏ thuốc mắt cần rửa sạch mắt bằng muối sinh lý. Bệnh nhân nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô. Nhưng cần lưu ý, khi rửa mắt không để đầu thuốc chạm vào mắt để tránh lây lan. Mỗi người bệnh nên dùng một lọ thuốc riêng phòng tránh lây chéo. Sau khi vệ sinh mắt cần rửa tay sạch với xà phòng để phòng lây bệnh cho người khác. Việc vệ sinh bàn tay thường xuyên rất có ý nghĩa để phòng bệnh đau mắt đỏ lây lan trong cộng đồng.
Khi bị đau mắt đỏ cần khám và điều trị kịp thời.
Nhiều trẻ bị lây đau mắt đỏ từ bạn bè.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây cho mọi thành viên trong gia đình.
Châu Giang