Cùng với việc Quân chủng Hải quân đề nghị Nhà nước sớm trao bằng tổ quốc ghi công và truy tặng liệt sĩ, Lữ đoàn 125 cũng đã phát động phong trào thi đua học tập và noi gương trung úy Đinh Văn Nam - người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại Trường Sa. Đinh Văn Nam - tên anh sẽ đi vào lịch sử Trường Sa, lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc!
Đồng đội cảm phục anh!
Lúc 6 giờ sáng 16.10, chấp hành lệnh của Sở chỉ huy Vùng 2 Hải quân, một tổ chiến sĩ tàu HQ-957 được giao nhiệm vụ làm dây để kéo tàu HQ-626 đang bị mắc cạn trên bãi san hô ngầm tại đảo Phan Vinh B. Để làm được dây kéo nối giữa hai tàu và tăng lực cố định cho tàu HQ-957, các chiến sĩ phải dùng thêm một dây cố định để giữ dây kéo. Đây là loại dây có độ bền, không ngấm nước, phi 40, có tác dụng tăng cường lực “định vị” cho tàu HQ-957.
Bất ngờ lúc đó, một con sóng ngầm dềnh mạnh vào thành tàu, cộng với nước chảy xiết làm cho tàu HQ-957 có nguy cơ dạt lên bãi cạn. Ngay lập tức, lệnh từ thuyền trưởng tàu HQ-957 được phát ra: “Khẩn cấp chặt dây cố định!”.
Lúc này, thiếu úy Đinh Văn Nam đang làm nhiệm vụ đứng gần vị trí để dao đã ngay lập tức chộp dao chạy đến dùng sức chặt đứt dây cố định. Phựt một tiếng, dây cố định đứt lìa, bất ngờ quật vào ngực khiến Nam ngã xuống biển.
Nhanh như cắt, hai đồng đội gần đó lao xuống biển nước đang chảy xiết vớt Nam lên tàu. Nam được y sĩ trên tàu HQ-935 của Vùng 2 Hải quân đang làm nhiệm vụ tại đó cấp cứu khẩn cấp. Nhưng do dây cố định quá căng, lực đập quá mạnh, Nam bị gãy tay phải, vùng ngực chấn thương nặng và tim ngừng đập.
Trong vòng tay đồng đội, anh mở mắt nhìn biển trời lần cuối rồi khép chặt mắt. Trước khi hy sinh, Nam và đồng đội của anh vừa làm nhiệm vụ gần 80 ngày đêm từ Trường Sa và thềm lục địa trở về. Tàu HQ-957 đang trên đường hải trình chưa cập bến, thì nhận được mệnh lệnh hành quân khẩn cấp đến bãi cạn đảo Phan Vinh B để cứu hộ tàu HQ-626 của Vùng 2 Hải quân mắc cạn tại đây.
“Tất cả cán bộ chiến sĩ tàu HQ-957 quá bất ngờ với sự ra đi của Nam. Tình huống lúc đó xảy ra quá mau lẹ. Chúng tôi không nhìn thấy dây cố định đứt, chỉ nghe tiếng phựt rất mạnh, con tàu chao đảo. Khi nghe mệnh lệnh của thuyền trưởng cứu người, tôi nhào luôn xuống biển. Lúc đó, tôi không nghĩ đó là Nam.
Thật quá bất ngờ. Hành động anh dũng của Nam đã thực sự làm chúng tôi cảm phục. Nam đã anh dũng cứu tàu HQ-957. Nếu Nam không kịp thời chặt dây cố định thì lúc này, tàu HQ-957 của chúng tôi đã dạt lên và mắc kẹt ở bãi cạn rồi” - trung úy Ngô Mạnh Hùng cho biết.
Tiễn biệt người chiến sĩ kiên trung
Chị Đinh Thị Xoa - vợ thiếu úy Nam - nghe tin chồng hy sinh tối 16.10 thì sáng hôm sau, chị cùng bố chồng đáp máy bay vào Vũng Tàu.
Tàu Trường Sa 18 đưa thi thể thiếu úy Đinh Văn Nam cập cảng vụ Lữ đoàn 171 trưa 18.10.
Trên cầu cảng, người vợ trẻ 28 tuổi nói trong quặn thắt: “Vợ chồng em mới có một cháu gái 20 tháng tuổi. Tối trước ngày anh ấy hy sinh, vợ chồng còn nói chuyện với nhau qua điện thoại. Tối ấy, anh cũng gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe cả bố mẹ vợ và bố mẹ đẻ. Con gái chưa biết gọi một tiếng bố mà anh đã ra đi rồi. Em biết sống thế nào đây” - chị Xoa nức nở.
Ông Đinh Văn Khang - cha ruột thiếu úy Nam - nghẹn ngào: “Nam là con trai cả của gia đình, cả nhà ai cũng tự hào vì Nam phục vụ trong quân đội, góp phần bảo vệ biển trời tổ quốc...”.
Ngày đón thiếu úy Nam từ đảo Phan Vinh B về, quân cảng Lữ đoàn 171 lặng lẽ... Hơn 100 cán bộ chiến sĩ hải quân khối tàu chiến đấu 159 AE, khối cảng vụ đứng thành một hàng dài trên sân cảng tưởng niệm đồng đội.
Đông đảo cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2, Căn cứ 696 đã đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thắp hương tưởng niệm tiễn đưa Nam về nơi yên nghỉ để sau đó, thi thể thiếu úy Đinh Văn Nam được Lữ đoàn 125 và gia đình đưa về an táng tại Hải Phòng theo nguyện vọng của gia đình.
Ngày 19.10, Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 125 đã tổ chức lễ truy điệu, truy phong quân hàm từ thiếu úy lên trung úy và truy tặng bằng khen cho Đinh Văn Nam.
Đại tá Trần Thanh Tâm - Chính ủy Lữ đoàn 125 - chia sẻ: “Sự hy sinh của đồng chí Nam là sự mất mát vô cùng lớn đối với đơn vị và gia đình. Nam là người nhiệt tình, trách nhiệm, là đảng viên gương mẫu. Hành động anh dũng cứu tàu của trung úy Đinh Văn Nam mãi được cán bộ chiến sĩ cảm phục, học tập và noi theo. Lữ đoàn 125 đã phát động phong trào thi đua học tập và noi gương đồng chí”.
Theo Đại diện Phòng Chính sách Quân chủng Hải quân cho biết, quân chủng sẽ đề nghị Nhà nước sớm trao bằng tổ quốc ghi công và truy tặng liệt sĩ cho trung úy Đinh Văn Nam.
Ngóng chờ đưa anh về đất mẹ
Ngày 20.10, bàn thờ dựng trang trọng trong ngôi nhà nhỏ ở khu T4 phố Mặc Đình Phúc, P.Cát Bi, Q.Hải An (Hải Phòng). Những người thân, hàng xóm, trong khu phố được mệnh danh là “phố hải quân” (khu phố tập trung phần lớn là cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hải quân) đã đến chia sẻ nỗi đau với gia đình.
Bà Đỗ Thị Hải (bạn của bố mẹ anh Nam) nức nở:" Những gia đình người lính hải quân chúng tôi sống với nhau tình cảm lắm. Sự ra đi của Nam là một mất mát lớn với những người thân như chúng tôi”. Chị Đinh Thị Xoa (vợ anh Nam) nức nở: “Vợ chồng chúng tôi cưới nhau được mấy năm, nhưng thời gian sống cạnh nhau chỉ tính bằng tháng vì anh ấy thường xuyên đi công tác xa...”.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Hải quân, thi thể liệt sĩ Đinh Văn Nam được đưa ra Hải Phòng theo đường bộ. Dự kiến, sáng ngày đoàn xe chở thi hài liệt sĩ sẽ về đến Hải Phòng.