(BTĐKT)- Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII ngày 14 tháng 1 năm 1993. Tại huyện Minh Long (Quảng Ngãi) chương trình Dân số bắt đầu triển khai từ tháng 5 năm 1993 ban đầu Ban DS-KHHGĐ trực thuộc văn phòng UBND huyện, do đ/c Trần Văn Hổ PCT UBND huyện làm Trưởng ban kiêm nhiệm, triển khai làm điểm tại Xã Long Mai dần dần triển khai đến toàn bộ 5 xã. Đến năm 1995 có 100% số xã có Ban DS-KHHGĐ.
Nhiệm vụ ban đầu của những người làm công tác DS-KHHGĐ huyện gặp nhiều khó khăn lớn do trình độ dân trí thấp, người dân còn quan niệm sinh đẻ là trời cho “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, phong tục tập quán gây cản trở lớn, đói phương tiện thông tin, tuyên truyền nên người dân xem việc sinh đẻ là quy luật tự nhiên, là việc phòng the, tế nhị riêng tư của các cặp vợ chồng.
Chị em phụ nữ đến khám phụ khoa trong chiến dịch skss/khhgđ ở xã Long Sơn
Tuy chương trình DS-KHHGĐ mới ban đầu mang tính rập khuôn chung, nhưng đặc thù riêng của huyện tỷ lệ người dân tộc HRE chiếm hơn 2/3 dân số, phụ nữ trong diện sinh đẻ chiếm tỷ lệ mù chữ cao nên việc tiếp cận thông tin chuyển đổi hành vi rất khó khăn nên thường trực UBDS huyện xây dựng chương trình mang tính tự phát phù hợp đặc thù riêng của huyện, tham mưu tốt cho UBND huyện chỉ đạo đến các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm sao để người dân tự giác chuyển đổi hành vi.
Sở Y tế lên làm quy trình nhân sự lãnh đạo Trung tâm Dân số huyện
Tự phát thứ nhất: Lúc này hầu hết các xóm làng đều chưa có người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, chủ yếu là biện pháp truyền thống, nên tập trung vào vận động 1 đối tượng khi chấp nhận thực hiện biện pháp đặt vòng, hay đi đình sản từ đó lấy đối tượng này làm tuyên truyền viên giải thích, vận động một loạt đối tượng khác chấp nhận thực hiện.
Tự phát thứ 2: Ban Dân số xã mới thành lập nên chọn cán bộ chuyên trách có trình độ để đảm nhận rất khó khăn. UBND huyện và xã quyết định bố trí cán bộ Lãnh đạo UBND xã kiêm làm cán bộ chuyên trách và trưởng phó các ngành, hội đoàn thể xã làm cộng tác viên dân số nên sức mạnh trong sự chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nhanh mang lại hiệu quả.
Tự phát thứ 3: Trong các đợt chiến dịch tuy kinh phí rất eo hẹp. Lãnh đạo Ủy ban dân số huyện chỉ đạo và mua cấp cho mỗi cán bộ tuyên truyền chiến dịch 1 ô che mưa, nắng để khuyến khích đội ngũ này hăng hái ngày đêm vận động đối tượng tham gia chiến dịch; đối tượng ở xa đến với chiến dịch được cấp gói mì tôm ăn trưa đây cũng là cách động viên thu hút đối tượng.
Kết hợp tính tự phát, năm 1997 Ủy ban DS-KHHGĐ huyện tham mưu cho huyện ủy Minh Long ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-/NQ-HU về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và chế tài xử phạt đối với đảng viên và CBCNVC trên địa bàn huyện và đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông bằng nhiều hình thức với phương châm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, mưa dầm thấm lâu, dần dần người dân đã nhận thức chuyển đổi hành vi trong việc sinh đẻ có kế hoạch, chuyển đổi hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ- trẻ em và thực hiện tốt KHHGĐ. Bên cạnh các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số việc giúp người dân chuyển đổi nhận thức, hành vi của các cặp vợ chồng, còn giúp đỡ các cặp vợ chồng làm việc nhà để họ có thời gian đi thực hiện các dịch vụ KHHGĐ, đưa đón đến các cơ sở y tế để thực hiện các dịch vụ KHHGĐ lâm sàng, như đặt vòng tránh thai, tiêm hoặc cấy thuốc tránh thai, triệt sản... Những việc làm cụ thể của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đã giúp người dân hiểu rõ và sâu sắc hơn những câu khẩu hiệu như: "Dừng lại hai con để nuôi dạy cho tốt", "Gái hay trai chỉ hai là đủ", nên đã kiểm soát được sự gia tăng dân số trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2001-2008 một khó khăn nữa có thể nói là đã tác động rất lớn đến ngành, đó là tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn này luôn có sự biến động và không ổn định từ Trung ương đến cơ sở. Năm 2002 Uỷ ban DS-KHHGĐ huyện hợp nhất với Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em, bổ sung thêm chức năng Gia đình, thành Uỷ ban DS,GĐ&TE huyện lúc này thường trực UBDS huyện có 4 biên chế vừa phải thực hiện cả 3 chức năng Dân số, chức năng gia đình và chức năng trẻ em. Đến năm 2008, Uỷ ban DS,GĐ&TE giải thể, được thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ huyện do đồng chí Trần Thị Mỹ Lan làm Giám đốc trung tâm, chức năng quản lý nhà nước về DS-KHHGĐ được giao về ngành Y tế. Trong khoảng thời gian này, nhiều khó khăn, thách thức liên tục được đặt ra cần được giải quyết kịp thời. Một bộ phận người dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên hiểu sai, cho rằng công tác DS-KHHGĐ đã kết thúc, dẫn đến việc coi nhẹ công tác này.
Nhưng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với sức mạnh tổng hợp, sự thành công của công tác DS-KHHGĐ đã được khẳng định những mắt xích quan trọng của những con người tâm huyết và sự nỗ lực, đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo của ngành. Điều đó đã giúp ngành dân số huyện vượt qua được những thăng trầm, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho. Chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu, đặc biệt biện pháp đặt vòng và đình sản luôn vượt là huyện đứng đầu trong cụm miền núi của tỉnh về công tác DS- KHHGĐ.
- Tỷ suất sinh thô : Từ 14,5%o năm 2001 xuống còn 11,83%o vào năm 2012
Tỷ suất tăng dân số tự nhiên : từ 11,48%o năm 2001 xuống còn 8,04%o vào năm 2012
- Tỷ lệ sinh con thứ 3+ : Từ 12,04% năm 2001 xuống còn 2,11% vào năm 2012
- Tỷ lệ cặp vợ chồng thực hiện BPTT : từ 76,50% năm 2001 tăng lên 80,22% vào năm 2012.
- Kết quả khen thưởng cho đơn vị:
+ 01 bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ
+ 02 Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban DS, GĐ &TE Việt Nam
+ Cờ thi đua của UBND tỉnh Quảng Ngãi năm 2005.
+ 10 Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận nêu trên, nhưng công tác DS-KHHGĐ vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất gay gắt. Hiện nay, quy mô dân số huyện ngày càng lớn đã trên 16 nghìn người, mật độ dân số đạt 70 người/km2, đứng thứ 3 trong toàn tỉnh.
Mỗi năm dân số huyện tăng gần 200 người. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có nguy cơ cao, tỷ số giới tính khi sinh bước vào mức cao; chất lượng dân số còn nhiều bất cập, tỷ lệ phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục ngày càng cao, trình trạng tảo hôn vẫn còn, trẻ em bỏ học nửa chừng có gia đình sớm, phá thai trước hôn nhân…
Hòa chung với cả nước đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế và khu vực, còn đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng về cả thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần, đây cũng là một yêu cầu cấp thiết đối với Chương trình Dân số hiện nay. Ngày 26/11/2010 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg về việc lấy tháng 12 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về Dân số nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân.
Với kinh nghiệm phong phú và những bài học quý giá của 20 năm qua, Chương trình Dân số huyện nhà, cần vươn lên những tầm cao mới nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là: đảm bảo duy trì ổn định được mức sinh thay thế và thực hiện thắng lợi tinh thần Nghị Quyết 47- NQ/TW, để có một quy mô dân số phù hợp mà trong đó từng người dân mạnh khỏe, phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ. Đó chính là cơ sở, nền tảng vững chắc, là bệ phóng đưa chúng ta đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, để mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Các nhiệm vụ chủ yếu 2011-2015
-Thứ nhất là phải tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng dân số.
-Thứ hai là cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em.
-Thứ ba là phát huy cho được lợi thế của cơ cấu DS vàng.
-Thứ tư là chủ động điều chỉnh tốc độ tăng DS.
-Thứ năm là kiểm soát bằng được tỷ số giới tính khi sinh.
Bùi Đình Toàn