Không bỏ mặc người nhiễm HIV

 7855 lượt xem
(BTĐKT) - Ngành Y tế vừa có hàng loạt các hoạt động nhằm giúp đỡ người nhiễm HIV như ban hành Thông tư Hướng dẫn quản lý, theo dõi điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV; ban hành cuốn Hướng dẫn về chăm sóc và hỗ trợ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS. 

Điều trị HIV phải liên tục

Theo Thông tư Hướng dẫn quản lý, theo dõi điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV có hiệu lực từ ngày 15/12/2013 thì việc quản lý, theo dõi điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV phải bảo đảm tính liên tục của quá trình điều trị đối với người đang điều trị bằng thuốc kháng HIV. Cơ quan chức năng phải cung cấp trực tiếp cho người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tất cả các nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người đó trong quá trình quản lý, theo dõi điều trị. Trường hợp người nhiễm HIV là người dưới 16 tuổi hoặc là người mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự hoặc có năng lực hành vi dân sự nhưng không đầy đủ thì phải cung cấp thông tin cho cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó và chỉ được thực hiện việc cung cấp thông tin trực tiếp cho đối tượng này khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó.
 
Người nhiễm HIV đăng ký lần đầu tại cơ sở điều trị bao gồm: Người lớn và trẻ em từ đủ 18 tháng tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính; trẻ em dưới 18 tháng tuổi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
 
Những đối tượng này sẽ được hưởng quy trình tiếp nhận, tư vấn của cơ sở điều trị. Tiếp sau đó cần được đánh giá tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV như: Khai thác tiền sử sử dụng thuốc kháng HIV, thông tin về các thuốc đang sử dụng và tác dụng phụ của thuốc; tiền sử điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với trường hợp phụ nữ mang thai và trẻ em; xác định giai đoạn lâm sàng, chiều cao, cân nặng của người bệnh; sàng lọc bệnh lao; chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các bệnh khác; xét nghiệm: CD4, công thức máu, chức năng gan, creatinine, HBsAg, anti-HCV và các xét nghiệm cần thiết khác; xác định giai đoạn miễn dịch; Xác định tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV; hội chẩn hoặc giới thiệu người bệnh đến các cơ sở y tế khác khi cần thiết.
 
Đối với đối tượng đang được quản lý tại cơ sở điều trị gồm người nhiễm HIV chưa đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc kháng HIV và người đã đủ tiêu chuẩn. Hai đối tượng này đều phải tuân thủ quy định về việc tái khám và đánh giá tình trạng sức khỏe khi tái khám. Trường hợp người nhiễm HIV đáp ứng tốt với phác đồ thuốc kháng HIV đang sử dụng thì tiếp tục phác đồ đó. Riêng đối với trẻ em, cần điều chỉnh liều lượng và dạng thuốc phù hợp với cân nặng và lứa tuổi của trẻ. 
Trường hợp người nhiễm HIV có biểu hiện thất bại điều trị với phác đồ hiện tại phải đánh giá lại về tình trạng lâm sàng, xét nghiệm CD4, mức độ tuân thủ điều trị của người nhiễm HIV và thực hiện xét nghiệm đo tải lượng HIV1 trong theo dõi, điều trị HIV/AIDS để xác định thất bại điều trị và quyết định chuyển phác đồ phù hợp. 
 
Cẩm nang dinh dưỡng cho người nhiễm HIV
 
Mới đây, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị phổ biến cuốn sách "Hướng dẫn về chăm sóc và hỗ trợ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS". Cuốn sách tập trung vào 6 nội dung chính gồm: HIV và dinh dưỡng; chăm sóc và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em nhiễm/phơi nhiễm với HIV; chăm sóc và hỗ trợ dinh dưỡng cho người trưởng thành nhiễm HIV; chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai và sau sinh 6 tháng đầu; dinh dưỡng với điều trị ARV và nhiễm trùng cơ hội; thu thập và quản lý số liệu.
Cuốn sách sẽ được áp dụng cho tất cả các đơn vị phòng, chống HIV/AIDS các cấp nhằm giúp các cán bộ ở tuyến cơ sở thực hiện tốt hơn công tác quản lý, chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng cho người nhiễm HIV.
 
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng được sử dụng như một cẩm nang cho các cộng tác viên, hộ gia đình và những người đang sống chung với HIV tham khảo nhằm theo dõi, hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho người nhiễm HIV...
 
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, đến cuối năm 2012, số lượng người nhiễm HIV tại Việt Nam đã lên đến hơn 206.000 người, hơn 59.000 bệnh nhân chuyển sang AIDS và hơn 60.000 người tử vong. Hiện nay, số lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tăng cao tại các tỉnh miền Bắc - khu vực này có 8 trong tổng số 10 tỉnh có số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước.
 
Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, sự lan truyền HIV đang gây ra một thách thức lớn trên thế giới và đặt ra một nhu cầu cấp bách cho các nước trong việc thiết kế, thực hiện các chương trình dự phòng điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV và người bệnh AIDS. Với số người nhiễm tăng nhanh, nhu cầu chăm sóc và điều trị đối với họ cũng ngày càng trở nên cần thiết
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của người nhiễm HIV tăng lên và phụ thuộc vào các giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể là nhu cầu năng lượng cho người trưởng thành nhiễm HIV chưa có triệu chứng tăng 10%. Đối với người trưởng thành nhiễm HIV ở giai đoạn sau (có triệu chứng) thì nhu cầu năng lượng tăng 20% đến 30% hoặc tăng khoảng 460-690 Kcal mỗi ngày.
 
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh hiểm nghèo này. Các thuốc đang sử dụng cho người bệnh AIDS chỉ nhằm kiểm soát sự nhân lên của HIV. Chính vì vậy, năm 2013, WHO đã khuyến cáo tăng cường dinh dưỡng cho người nhiễm HIV sẽ làm tăng cường khả năng miễn dịch cho hệ thống miễn dịch, làm chậm quá trình chuyển sang giai đoạn AIDS và giúp cho người nhiễm HIV kéo dài thời gian sống chung với HIV mà không cần sử dụng các loại thuốc chống lại sự nhân lên của virus. Nhu cầu năng lượng của người nhiễm HIV tương đương với người lao động nặng, tức là tăng từ 10-30% so với người lao động bình thường.
 
 
 
Người nhiễm HIV/AIDS cần được giúp đỡ điều trị (Ảnh: nguồn Internet).
 
 
 
 
 (Ảnh nguồn báo Sức khỏe đời sống)
 
   Châu Giang
 
Ý kiến của bạn