Làng nghề thu hút 30% lao động nông thôn

 8698 lượt xem
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, hoạt động sản xuất làng nghề thu hút 30% lao động và tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động nông thôn. 

Bên cạnh đó, thu nhập từ nghề phi nông nghiệp cho người lao động đạt bình quân 450.000đồng – 4 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,5 – 4 lần so với lao động thuần nông. 

Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP.

Đó là những con số do Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nêu trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện  Nghị định 66/2006/NĐ-CP, tổ chức vào ngày 20/10. 
 
Theo báo cáo, tính đến tháng 10/2011, cả nước có 4.575 làng nghề, bình quân tốc độ phát triển làng nghề tăng từ 6 -15%/năm. Các địa phương dẫn đầu là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương và Thái Bình với 2.735 làng nghề, chiếm 60% tổng số làng nghề cả nước.
Tuy nhiên việc phát triển ngành nghề nông thôn ở các địa phương cần khắc phục nhiều bất cập. 
 
Ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng gia tăng, nhất là các ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Công nghệ, thiết bị sản xuất của các làng nghề khá lạc hậu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thiếu quan tâm trong việc chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. 
 
Đặc biệt, hiện nay việc quản lý ngành nghề nông thôn giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương vẫn còn chồng chéo, mà điển hình là việc giao công tác quản lý ngành nghề nông thôn (27 tỉnh giao cho Sở Công Thương, 22 tỉnh khác giao cho Sở NN&PTNT)…
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng muốn đẩy mạnh phát triển ngành nghề ở nông thôn, trước mắt cần rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điểm chưa hợp lý trong Nghị định 66.
 
Cụ thể, đưa một số ngành nghề mới vào danh mục và thống nhất về một mối trong việc quản lý ngành nghề nông thôn giữa hai ngành Nông nghiệp và Công thương.
 
Việc điều chỉnh Nghị định 66 cần bám vào Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, bởi phát triển ngành nghề nông thôn chính là một bộ phận của xây dựng nông thôn mới.
 
Ông Hùng cho biết thêm, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ, xây dựng Quỹ Khuyến công để giúp cho các làng nghề phát triển thương hiệu, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân.
 
 
Ý kiến của bạn