(BTĐKT) - Sáng ngày 1/11, bé Nguyễn Thị Thùy Dung đã trở thành công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Con số 90 triệu dân sẽ là thách thức lớn đối với nước ta.
Hân hoan chào đón thành viên “nhí”
Bé gái Nguyễn Thị Thùy Dung, nặng 3,2kg, chào đời lúc 2h45 sáng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bé là con gái thứ hai của chị Lê Thị Duyên (sinh 1986) và anh Nguyễn Văn Dũng (1982), quê xã Nam Chính (huyện Nam Sách, Hải Dương).
Ngay sáng nay, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và tặng quà cho công dân thứ 90 của Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước chia sẻ: “Được ôm công dân thứ 90 triệu của Việt Nam vào lòng, tôi rất vui mừng, trước hết gửi lời chúc mừng tới bố mẹ của bé. Đây sẽ là thế hệ tiếp nối dân số vàng của Việt Nam, thế hệ này sẽ mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhiều tiềm lực để phát triển đất nước”.
Bố của Thùy Dung, anh Nguyễn Văn Dũng rất bất ngờ và hãnh diện khi con gái mình trở thành “dấu mốc” đặc biệt, là người dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Theo anh Dũng, gia đình anh chỉ sinh hai con dù gái hay trai. Với niềm tự hào này, anh hứa sẽ cố gắng nuôi con khỏe mạnh, trở thành người có ích cho xã hội.
Ngoài bé Nguyễn Thị Thùy Dung, có thêm 10 bé được sinh ra, trong đó, bé Dung là em bé sinh tiệm cận với thời điểm 0 giờ nên đã được chọn là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Phó chủ tịch nước đã tặng quà cho 10 em bé là những công dân sinh từ 0h đến 5h tại bệnh viện, đồng thời bà cũng trao quà cho 16 y bác sĩ của bệnh viện đã đỡ sinh các bé trong ca trực.
Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), đón chào công dân thứ 90 triệu là một niềm tự hào, hết sức vui mừng, phấn khởi. Nó đánh dấu mốc Việt Nam đang ở cơ cấu dân số vàng. Theo quy ước của các nhà nhân khẩu học, khi có 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) có một người hoặc ít hơn một người ở độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và 65 tuổi trở lên) thì giai đoạn đó người ta gọi là cơ cấu dân số vàng, tức là có nguồn lao động khổng lồ. Các nhà khoa học dự báo giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài từ 30 – 35 năm.
Để chào đón công dân thứ 90 triệu, từ ngày 1 đến 2/11, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức chương trình diễu hành đi bộ với chủ đề: "90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng" và đêm nhạc hội "90 triệu trái tim yêu Việt Nam".
Vui cùng thách thức
Theo TS Dương Quốc Trọng, với quy mô dân số 90 triệu người, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới, đứng thứ 3 về quy mô dân số ở các nước Châu Á. Hiện nay, với quy mô dân số 90 triệu người và duy trì mức sinh thay thế (mỗi phụ nữ sinh từ 2 - 2,1 con), mỗi năm dân số Việt Nam tăng hơn 1 triệu người và sẽ đạt quy mô dân số cực đại vào năm 2050 với khoảng 110 triệu dân.
Năm 1989, sau cuộc tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ 2, các nhà khoa học đã dự báo vào năm 2010 dân số nước ta sẽ đạt 105 triệu. Thời điểm đó, họ cũng dự báo, Việt Nam sẽ cán mốc 90 triệu người vào năm 2002. Nếu như dự báo đó, đến nay dân số Việt Nam sẽ đạt mức 110,8 triệu người. Như vậy, có thể nói trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã đạt được những thành công hết sức ngoạn mục, tránh sinh được hơn 20 triệu.
Đặc biệt, Việt Nam đã đạt chỉ tiêu mà chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 đề ra. Theo đó, quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và không quá 98 triệu người vào năm 2020. Ước tính tháng 11.2015, dân số khoảng 91,5 triệu.
Về phân bố dân số, đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số cao nhất, chiếm tỷ lệ 22,8% dân số, trong khi diện tích tự nhiên chỉ bằng 6,9% diện tích cả nước. Tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chiếm 21,8% dân số, diện tích đất chiếm 29%. Tây Nguyên có mật độ dân số ít nhất với 6% dân số nhưng diện tích đất chiếm 16,5%.
GS Nguyễn Đình Cử - giảng viên cao cấp Viện Dân số và Các vấn đề xã hội đánh giá, với dân số 90 triệu người, Việt Nam đã là một cường quốc dân số trên thế giới. Đây là thị trường lao động lớn, là tiềm năng tiêu thụ dồi dào, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và thế giới.
“Chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng (2 người lao động nuôi 1 người phụ thuộc), do đó, thời cơ của tiết kiệm và đầu tư cũng chiếm lợi thế. Dự báo, thời kỳ dân số vàng còn kéo dài 30-35 năm nữa, Việt Nam sẽ có cơ hội tích lũy và vươn lên” – GS Cử cho biết.
Tuy nhiên, theo GS Cử, nếu không có các chính sách để khai thác tiềm năng của dân số vàng thì thách thức sẽ nhiều hơn lợi thế.
90 triệu dân sẽ tạo một áp lực lớn cho sự phát triển đất nước về mọi mặt như môi trường, kinh tế, xã hội. Dân số vàng cũng có nghĩa là nhu cầu việc làm rất lớn, sự cạnh tranh khốc liệt, kéo theo các vấn đề như thất nghiệp, thiếu việc làm, nghèo đói, tệ nạn. Xã hội phát triển, dân số tăng nhanh cũng kéo theo nhiều nhu cầu về y tế, giáo dục, giao thông…
“Khi cung không phát triển kịp với cầu thì tức khắc sẽ xảy ra nhiều vấn đề như quá tải bệnh viện, giảm chất lượng giáo dục, ách tắc và tai nạn giao thông… Những điều này dễ gây ra căng thẳng xã hội” – GS Cử cho biết.
Đồng tình với GS Cử, TS Trọng cho rằng, trở thành cường quốc về dân số cũng khiến Việt Nam gặp những thách thức khó khăn. Thời gian tới Việt Nam cần kéo dài cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa, hài hòa độ tuổi nam vừa nữ.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chúc mừng công dân 90 triệu của Việt Nam.
Công dân thứ 90 triệu là một bé gái nặn 3,2 kg.
Thanh Phương