Những ngày này, người dân các thôn, bản trên địa bàn huyện Mường Khương rộn ràng làm đường giao thông nông thôn, bởi tất cả đều xác định giao thông là khâu đột phá, mang tính quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù, việc mở đường thường gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, nhân công, nguyên vật liệu… nhưng người dân đã vượt qua để không khí ngày hội mở đường diễn ra tưng bừng trên các thôn, bản vùng cao.
Nông dân Mường Khương tham gia nâng cấp đường giao thông nông thôn.
Tuyến đường vừa được đổ bê tông ở thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn dài 2,54 km, rộng 3 m xe ôtô có thể qua lại thuận tiện là ước mơ của người dân nơi đây từ lâu. Đồng chí Sùng Sèo, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thôn có 98 hộ đồng bào Mông, là nơi nổi tiếng về đặc sản mận hậu và ngô hàng hóa, nhưng trước đây lại bị “mất điểm” do đường giao thông đi lại khó khăn. Một số hộ trong thôn đã “dũng cảm” mở đường, nhưng do không giải phóng được mặt bằng và thiếu nhân công, nên đành bó tay. Thực chất vấn đề mở đường ở xã Cao Sơn không phải là khó giải quyết, mà quan trọng là sự đồng lòng của người dân. Quy hoạch đường giao thông, xã xác định không khó bằng việc vận động người dân hiến đất, còn kinh phí thì phải huy động từ việc xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ từ ngân sách.
Cuối năm 2012, xã tiến hành lập quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông và tổ chức giải phóng mặt bằng đường Ngải Phóng Chồ, Pa Cheo Phìn, Lao Cu Chải, Lùng Chéng, với tổng chiều dài 21 km. Lấy tuyến đường Ngải Phóng Chồ làm điểm, xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất và đóng góp kinh phí. Kết quả thật đáng mừng, tuyến đường mới Ngải Phóng Chồ hình thành xuyên qua giữa núi đá tai mèo, có 42 hộ hiến trên 10.000 m2 đất thổ cư, thổ canh, đốn hàng trăm cây mận tam hoa, với tổng giá trị ước hơn 1 tỷ đồng, cộng với tiền nhân dân đóng góp 600 triệu đồng, địa phương không phải đầu tư ngân sách đền bù, nhờ vậy, giảm chi phí phát sinh. Học tập mô hình này, người dân thôn Pa Cheo Phìn, Lao Cu Chải cũng đang tích cực hiến đất và tham gia mở đường dài 3,8 km, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển giao thông trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Anh Sùng Pao, dân tộc Mông, sinh năm 1960, một trong những hộ dân hiến đất ở thôn Ngải Phóng Chồ tâm sự: Gia đình hiến 300 m2 đất canh tác ngô và góp 500.000 đồng để mở đường. Có đường mới, có ôtô ngày, đêm về thôn, người dân trong thôn về xã, huyện thuận tiện hơn, không còn cảnh đi bộ như trước, nên ai cũng phấn khởi.
Chia tay người dân xã Cao Sơn, chúng tôi về thăm xã Lùng Vai, được chứng kiến đồng bào Nùng, Giáy ở thôn Tảo Giàng sát cánh cùng bộ đội huyện phá đá mở đường. Anh Lù A Thắng, 50 tuổi, dân tộc Nùng, ngừng công việc đang làm, tâm sự: Tuyến đường bê tông đang hình thành chạy dài qua thôn từ lâu là mơ ước của mọi người dân. Tuyến đường này dài hơn 3 km, tương đương 3 tỷ đồng. Gia đình hiến 115 m2 và nhiều cây ăn quả.
Tiếp chuyện chúng tôi, đồng chí Vương Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Xã ra nghị quyết chuyên đề về mở đường giao thông nông thôn, lập kế hoạch, phân công tổ chức lực lượng thực hiện. Căn cứ vào đó, mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch phấn đấu, xác định rõ nhiệm vụ của từng thôn. Các hộ chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng tham gia mở đường. Xã giao cho những đảng viên, đoàn viên có kỹ thuật giỏi là tổ trưởng chuyên môn, chịu trách nhiệm trước cấp ủy đảng về nhiệm vụ công tác của mình. Sau mỗi đợt mở đường, xã tiến hành họp rút kinh nghiệm, đánh giá từ kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên về ý thức chấp hành việc mở đường, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, từ đó nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ trong những đợt mở đường tiếp theo. Năm 2013, xã phấn đấu hoàn thành 6,6 km đường bê tông liên thôn, đảm bảo an toàn tuyệt đối và tiến độ, chất lượng công trình.
Đồng chí Trịnh Văn Hùng, Quyền Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế huyện Mường Khương khẳng định: Gần đây, việc mở đường giao thông nông thôn ở các xã trong huyện đạt kết quả tốt. Đến nay, đã có 44/63 km đường giao thông nông thôn được đổ bê tông, với tổng giá trị đầu tư hơn 40 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư hỗ trợ 30 tỷ đồng mua xi măng, cát, sỏi, còn lại là nguồn huy động trong dân và các tổ chức khác. Hệ thống đường giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại, mà còn giúp việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
La Văn Tuất