Hơn 20 năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Cừ và chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã quyết chọn nghề sản xuất bánh giầy truyền thống để mưu sinh. Và chính nghề truyền thống ấy đã giúp họ thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững, đồng thời góp phần quảng bá đặc sản của quê hương ra khỏi lũy tre làng…
Trong căn nhà khang trang nằm ở đầu thôn Đạo Đầu, anh chị kể cho chúng tôi nghe những thăng trầm khi quyết chọn nghề truyền thống để mưu sinh. “Ban đầu làm ra bán chẳng ai mua nên những tháng ngày ấy chúng tôi vẫn phải bám trụ vào nông nghiệp để sống là chính. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây khi nhu cầu của người dân tăng lên thì chiếc bánh giầy đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi”, anh Cừ cho biết.
Anh Cừ và chị Hoa đang chế biến bánh giầy bằng phương pháp truyền thống
Có lẽ từ khi làng Đạo Đầu được lập nên thì chiếc bánh giầy đã theo chân những người khai khẩn đến vùng đất này “Tôi không biết chiếc bánh giầy ra đời từ bao giờ nhưng từ khi tóc còn để chỏm tôi đã thấy mẹ làm trong các bữa giỗ chạp hay Tết cổ truyền”, ông Lê Văn Thiên, Trưởng thôn Đạo Đầu cho hay.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Đạo Đầu nên từ nhỏ cả anh Cừ, chị Hoa đều thành thạo cách làm bánh giầy theo kiểu truyền thống. Ở ngôi làng này, bánh làm ra chỉ để ăn hay tặng chứ chưa thấy bán buôn bao giờ. Vì thế, ngày đôi vợ chồng trẻ chọn lấy nghề truyền thống này làm kế sinh nhai thì nhiều người đã tỏ ra e ngại cho cuộc sống của gia đình họ. Dẫu biết vậy nhưng vợ chồng anh vẫn quyết bám nghề. Ở quê, chiếc bánh giầy đã quá quen thuộc và ai cũng có thể làm nên anh chị không bán ở chợ làng mình mà ngược xuôi ra các chợ xã lân cận. Được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và bán với giá phù hợp nên chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng anh đã “chiếm lĩnh” được thị trường. Việc làm ăn thuận lợi nên năm 2002, anh chị mở rộng quy mô sản xuất thành cơ sở sản xuất lớn nhất thôn.
Bánh giầy do anh chị làm ra đã sớm khẳng định được thương hiệu nên trong các dịp lễ, tiệc cưới hỏi nhiều người dân và các chủ nhà hàng đã tìm đến cơ sở sản xuất của anh chị đặt hàng. “Vào mùa cưới, hỏi là vợ chồng tôi phải làm cả ngày mới kịp cho các nhà hàng. Bận rộn một chút nhưng có thêm thu nhập và quảng bá được sản phẩm của quê hương đến với người tiêu dùng khiến chúng tôi rất vui”, anh Cừ cho biết thêm.
Quy trình làm ra một chiếc bánh giầy theo kiểu truyền thống rất nhọc nhằn, đa công, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu, chị Hoa bảo nếp phải được sàng kĩ lưỡng loại bỏ những hạt xấu, đất cát hay gạo lẫn nếu có rồi mới đem ngâm bằng nước giếng quê đã qua bể lọc thẩm thấu. Nếp phải ngâm trong thời gian 6 đến 7 tiếng mới được vớt ra để ráo nước sau đó hoong thành xôi. Khi xôi đã chín thì đổ vào cối đá và dùng chày gỗ giã ngay lúc đó. Trong khi người giã vừa đưa chày lên thì người còn lại phải nhúng cả 2 bàn tay mình vào nước sôi (70-800C) để vuốt xôi đang dính vào chày. Cứ thế 30 phút sau thì một mẻ xôi chuyển thành bột rất nhuyễn.
Xoa bàn tay đang đỏ ửng vì nhúng vào nước sôi nhiều lần, chị Hoa lý giải. “Phải nhúng tay vào nước sôi để dễ vuốt xôi đang dính vào chày hơn và tránh cho bột không bị nhão. Nếu dùng nước nguội thì không những không vuốt xôi ra khỏi chày được mà còn làm hỏng bột. Vì thế mà người vuốt bột phải thường xuyên thay nước sôi trong quá trình giã xôi”. Kế tiếp là khâu làm nhân bánh, đậu xanh được làm sạch vỏ bằng nước sôi sau đó hầm chín tới, cho vào giã xót nhuyễn rồi nêm gia vị theo yêu cầu của khách hàng và cuối cùng là dùng tay vo thành từng viên nhỏ.
Chiếc bàn gỗ chuyên dụng được soạn ra, chị Hoa bỏ bột và nhân lên bàn rồi anh, chị tiến hành đi rửa tay bằng nước vôi. “Phải rửa tay bằng nước vôi để sát khuẩn và tránh dính khi vo bánh chứ tuyệt đối không dùng các loại xà phòng, nước rửa tay thông thường”, anh Cừ giải thích. Những tưởng đã xong khâu chuẩn bị làm bánh thì bất ngờ chị Hoa lấy 2 bát lớn dầu lạc đặt lên bàn rồi nhúng tay vào sau đó mới vo bánh “Chỉ có loại dầu này mới không bị dính tay và cho màu sắc bánh luôn đẹp mắt. Nếu dùng dầu ăn bình thường thì sẽ dính tay, làm lỗ chỗ bề mặt và bánh khô rất nhanh”. Mỗi chiếc bánh được chị Hoa làm sơ lược rồi chuyển sang anh Cừ xoa tròn hoàn tất. Để đảm bảo vệ sinh và thẩm mĩ, anh chị dùng bao ni lon gói thành liếp nhỏ gồm 5 cái và cho vào thùng giấy để vận chuyển đến tay khách hàng.
Nhờ kỳ công trong khâu chuẩn bị lẫn những kinh nghiệm gia truyền nên bánh giầy của gia đình anh Cừ luôn tạo ra một thương hiệu riêng biệt so với bánh giầy trên thị trường. “Người tiêu dùng sẽ cảm nhận được độ mềm dẻo của xôi, vị béo thơm của dầu lạc và ngọt bùi của đậu xanh hòa quyện trong mỗi chiếc bánh. Hương vị ấy khác hẳn với chiếc bánh được làm bằng nếp xay sống, nhồi bằng nước sôi làm thành bánh rồi mới đem hấp chín. Một điều khác biệt nữa là bánh giầy làng Đạo Đầu để lâu vẫn mềm dẻo, giữ được hương sắc, còn bánh các nơi khác sẽ nhanh khô, cứng và chuyển màu”, chị Hoa cho biết thêm.
Hiện nay, ngoài chú tâm cho việc làm bánh giầy, gia đình anh chị còn đầu tư nuôi lợn và trồng rau màu, vì thế đời sống kinh tế không ngừng được tăng lên. Trung bình mỗi năm, vợ chồng chị Hoa thu nhập trên 70 triệu đồng.
Hơn 20 năm làm bánh giầy, giờ đây, các con đã thành đạt nhưng anh chị vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi “Chừng nào còn sức khỏe thì vợ chồng tôi sẽ cố để giữ lấy nghề và tiếp tục quảng bá đặc sản của quê hương đến với mọi người”, anh Cừ tâm sự.
NHƠN BỐN