Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện Yên Minh đã có những bước chuyển mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn nơi đây.
Nghị quyết “Tam nông” khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với tình hình phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Đồng thời đưa người nông dân trở thành chủ thể trong vấn đề phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Yên Minh là một trong 6 huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang tỷ lệ hộ nghèo còn cao với gần 39%, đại bộ phận người dân vẫn sống dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu, quảng canh… Xác định rõ khó khăn, thách thức là vậy, bởi thế ngay sau khi có Nghị quyết “Tam nông”, Huyện ủy, UBND huyện Yên Minh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập và triển khai việc thực hiện Nghị quyết đến tất cả các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị và nhân dân trong toàn huyện. Nhìn lại chặng đường 5 năm đưa Nghị quyết “Tam nông” đi vào đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Yên Minh có thể nhận thấy Nghị quyết đã thực sự như một làn gió mới tạo nên những đổi thay toàn diện cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân nơi đây. Từ đây, người dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp nông thôn vững mạnh, ổn định. Biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung chăn nuôi sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu con giống, cây trồng nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương. Đặc biệt, đổi thay dễ nhận thấy nhất sau khi có Nghị quyết “Tam nông” chính là huyện đã bước đầu xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại hóa, chú trọng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát huy được lợi thế tự nhiên của địa phương, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Là một huyện vùng cao, cuộc sống của người dân dựa chủ yếu vào sản xuất nông - lâm nghiệp vì vậy việc thực hiện có hiệu quả các phương án, đề án phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh có ý nghĩa quan trọng như đề án: Chuyển đổi chất đốt cho 4 huyện vùng cao phía Bắc; phát triển cây dược liệu; phát triển cây vụ Đông theo công thức luân canh; phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với thâm canh; phương án trồng rừng cảnh quan... có ý nghĩa quan trọng tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Xác định rõ điều đó, trong những năm qua dù gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Yên Minh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt, xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, ngoài vốn các đề án, phương án, huyện thực hiện lồng ghép thêm nhiều nguồn vốn khác như vốn sự nghiệp nông nghiệp trọng tâm; vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 giai đoạn II; vốn Chương trình xây dựng NTM. Nhờ đó, hầu hết các phương án, đề án được triển khai đồng bộ, bước đầu đạt kết quả khả quan. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt thu nhập bình quân của người dân đạt trên 10 triệu đồng/người/năm, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đang thay đổi từng ngày.
Xác định trồng trọt và chăn nuôi là thế mạnh của nền nông nghiệp địa phương vì thế trong những năm qua huyện Yên Minh đã đẩy mạnh việc thực hiện thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, thông qua việc hình thành các vùng sản xuất cây lương thực hàng hóa nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nhân dân vùng nông thôn. Đến nay, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu cây trồng được thay đổi, người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trình độ thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh như cây lúa tại xã Mậu Duệ, thị trấn Yên Minh; cây ngô, đậu tương tại xã Đường Thượng, Lũng Hồ, Bạch Đích; cây rau màu tại xã Na Khê, Mậu Duệ, Hữu Vinh và thị trấn Yên Minh. Trao đổi với chúng tôi anh Nguyễn Văn Khuynh, thôn Bản Trưởng, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh cho biết, nhờ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh, huyện mà gia đình anh được chuyển giao nhiều tiến bộ KHKT từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất do vậy năng suất cây trồng cũng tăng nhiều so với những năm trước. Kinh tế gia đình anh bây giờ đã khá hơn trước, có của ăn của để. Con cái được học hành đến nơi đến chốn. Cùng với trồng trọt huyện cũng đẩy mạnh việc khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, đại gia súc và gia cầm theo quy mô trang trại, qua việc hỗ trợ vốn vay lãi xuất thấp cho người dân thông qua hệ thống ngân hàng chính sách. Hiện nay tốc độ tăng trưởng bình quân đàn gia súc hằng năm đạt trên 7,1%, với tổng đàn gần 100 nghìn con tại 16 trang trại chăn nuôi; đàn gia cầm là 290 nghìn con đạt trên 90% chỉ tiêu kế hoạch của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI nhiệm kì 2010-2015.
Được sự quan tâm, giúp đỡ từ Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của tỉnh, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án mục tiêu Quốc gia chương trình 30a, 135, 167 ... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn của huyện từng bước được hoàn thiện. Các công trình đường giao thông, trường học, nước sạch, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, bản… được xây dựng và đưa vào sử dụng góp phần phục vụ hiệu quả cho nhu cầu sinh hoạt cấp thiết của bà con nhân dân. Hàng năm, huyện đều bố trí vốn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, đưa nước về đồng ruộng nhằm đảm bảo cho nhu cầu tưới tiêu sản xuất. Cùng với đó, việc phát triển giáo dục, văn hóa và chăm lo sức khỏe cho người dân cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của huyện. Chất lượng giáo dục ở các bậc học tiếp tục được nâng lên, 18/18 xã thị trấn đã có trường Mầm non, Tiểu học và THCS. Tỷ lệ huy động trẻ từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 98%, tỷ lệ học sinh chuyển lớp của các cấp đạt trên 94%, có 03 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao cũng được quan tâm với nhiều hoạt động được tổ chức phong phú, đa dạng, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân....Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Đảng bộ huyện Yên Minh xác định sẽ tiếp tục chỉ đạo và tuyên truyền để người dân hiểu rõ những lợi ích từ Nghị quyết cùng với đó sẽ là những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để Nghị quyết Tam nông sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa. Nói về những giải pháp trong thời gian tới đồng chí Phan Thị Minh, Phó bí thư huyện Yên Minh cho biết. Đối với lĩnh vực Nông nghiệp huyện tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cơ giới hóa, mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng vào sản xuất hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng thị trường; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó là tập trung xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng Điện, đường, trường, trạm và hệ thống chợ nông thôn, chợ cửa khẩu; Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để dần nâng cao mức thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống người dân....
Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại song với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Minh, tin tưởng rằng Nghị quyết “Tam nông” sẽ tiếp tục được thực hiện một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới. Để rồi những nương đồi sỏi đá hôm nay dưới bàn tay khối óc và trí tuệ của người lao động sẽ trở thành những đồng lúa trĩu hạt, những quả đồi trái ngọt cây sai và người dân nơi đây thực sự sẽ thoát được cái đói, giảm được cái nghèo và vươn lên làm giàu ngay từ chính mảnh đất quê hương mình.