Sau 3 năm thực hiện xây dựng chương trình Nông thôn mới tại Hải Phòng: Xác định đúng con đường đi lên

 7560 lượt xem
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thành phố về nông thôn mới (NTM), sau 3 năm triển khai chương trình, thành công lớn nhất của xây dựng NTM tại Hải Phòng là thành phố và các địa phương đã xác định đúng con đường xây dựng NTM mang đặc thù Hải Phòng, người dân có bước chuyển mạnh về nhận thức. Có được điều này là nhờ công tác tuyên truyền, vận động nhiều đổi mới theo hướng đa dạng, cụ thể, sinh động. 

 

 

 Đổi mới công tác tuyên truyền 

Cách đây 3 năm, tại xã Minh Tân (Kiến Thụy) khi được hỏi về hiểu thế nào về xây dựng NTM, không ít bà con ở thôn Sâm Linh hớn hở, chắc thực hiện xây dựng NTM thì nhà nước sẽ đầu tư vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, xã sẽ có điện đường, trường học khang trang hơn hiện tại. Khi hỏi về việc phát triển kinh tế…bà con đều kêu làm ruộng kém hiệu quả, không ít người đã chọn con đường "ly nông, ly hương". Đến nay, về lại Minh Tân thấy rõ bước chuyển về nhận thức của người dân. Nói về NTM là người dân có thể chỉ ngay vào những việc cụ thể như góp sức cùng UBND xã quy hoạch 2 vùng sản xuất lúa hàng hóa, hiến đất, góp đất mở rộng các tuyến đường nội đồng, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Đối với thôn, đó là việc người dân tự bàn bạc, triển khai việc bê tông hóa đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, trồng cây phân tán theo quy hoạch để tạo cảnh quan làng xanh- sạch- đẹp. Xây dựng NTM không quá khó, mà bắt đầu bằng việc ít vốn, dễ làm.

Ông Phạm Văn Thơm, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân khẳng định: “Có được sự chuyển biến này là nhờ xã đổi mới công tác tuyên truyền và tạo phong trào lôi cuốn người dân. Ngoài tuyên truyền qua các hội nghị cấp xã, cấp thôn, địa phương phát tài liệu hỏi đáp về chương trình cụ thể, sinh động, dễ hiểu đến hộ dân. 

Tại nhiều xã khác trên địa bàn thành phố, công tác tuyên truyền về NTM bước đầu khắc phục những tư tưởng lệch lạc như "nhà nhiều-dân ít"; "nhiều cứng-ít mềm"; "huyện, xã nhiều - thôn ít". Các đoàn thể đều vào cuộc, tạo phong trào lôi cuốn người dân như Hội Phụ nữ với phong trào vận động hội viên xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh với phong trào vận động nhân dân góp đất, hiến đất làm đường. 

Bỏ tư duy “đại dự án”

Ông Phạm Hồng Cương, Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá (Kiến Thụy) cho biết: “Khi mới thực hiện chương trình NTM, phần lớn người dân trong xã cho rằng nhà nước, thành phố sẽ đầu tư kinh phí lớn xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khang trang. Tuy nhiên, sau này, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, địa phương tạo phong trào lôi cuốn người dân. Từ những phong trào cụ thể, người dân dần hiểu rằng xây dựng NTM là mình góp sức cùng cả cộng đồng làm những việc phù hợp, giúp phát triển sản xuất tốt hơn. Từ chỗ lúng túng không biết bắt đầu xây dựng NTM từ đâu, xã Đoàn Xá đã chọn việc phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân là hướng đi đột phá”.

Cách làm của Đoàn Xá cũng là hướng đi của nhiều xã khác trên địa bàn thành phố. Từ năm 2012 đến nay, thành phố quyết định ưu tiên tập trung đầu tư kinh phí cho 4 đề án lớn hỗ trợ phát triển sản xuất là hướng đột phá của NTM gồm: hỗ trợ xi măng xây dựng hệ thống giao thông nội đồng; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp; trồng cây phân tán theo quy hoạch.

Hiện nay, các địa phương đang tiếp nhận nguồn kinh phí của thành phố để thực hiện đề án hỗ trợ xi măng để bê tông hóa đường nội đồng. Thực hiện đề án xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, trên địa bàn thành phố có 10 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trên cây lúa và rau màu được nhận hỗ trợ kinh phí của thành phố và hàng chục mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng cho thu nhập cao do các huyện vận động nông dân thực hiện. Đề án cơ giới hóa nông nghiệp, trồng cây phân tán cũng đang khởi động tại các xã điểm đạt kết quả bước đầu…

Xác định đúng con đường xây dựng NTM sau gần 3 năm thực hiện, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của thành phố tăng từ 5,76 lên 8,74 tiêu chí/ xã. Thành phố chọn được 3 xã về đích NTM trong năm 2013 là Đoàn Xá (Kiến Thụy), Đông Sơn (Thủy Nguyên) và An Hồng (An Dương),đồng thời  lựa chọn 41 xã (30% tổng số xã) có điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2014.

Phong trào đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn đã được người dân ở khu vực ngoại thành tích cực hưởng ứng. Trong 3 năm qua, nhân dân các xã trên địa bàn thành phố đã hiến 701.353 m2 đất các loại, đóng góp 163.000 ngày công, 12 tỷ đồng để tham gia sửa chữa nâng cấp, di dời cây cối, vật kiến trúc để mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng, kênh mương.

 

 
Ý kiến của bạn