Xã Thanh Lương - Nội lực của người dân được phát huy trong xây dựng Nông thôn mới.

 9389 lượt xem
(BTĐKT)- Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới được hướng dẫn tại thông tư 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí được đánh giá khó thực hiện nhất đối với những xã nghèo. 
Tuy nhiên, ở xã Thanh Lương của huyện miền núi Văn Chấn (Yên Bái), tiêu chí về môi trường đã được thực hiện thành công.
 
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã Thanh Lương đang từng ngày thay đổi. Hầu hết các khu của xã khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu.
 
Có được thành quả đáng khích lệ như vậy chính là nhờ vào sự quan tâm, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền xã trong công tác dân vận và sự nhiệt tình ủng hộ của người dân trong nhận thức và từ bỏ thói quen, sinh hoạt có ảnh hưởng đến môi trường.
 
Thanh Lương là xã nghèo của huyện Văn Chấn. Toàn xã có 752 hộ với hơn 3.000 dân, sinh sống ở 7 thôn bản, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Mường, Thái, Tày... Tại thời điểm triển khai xây dựng nông thôn mới , tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 59%. Bởi vậy, điểm tiếp cận của Thanh Lương khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới rất thấp, xã chỉ đạt 3 tiêu chí.
 
Xác định, xây dựng nông thôn mới trước hết là “làm mới” ý thức của người dân, vận động nhân dân bỏ những thói quen sinh hoạt lạc hậu, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung vào tiêu chí về môi trường bởi đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất nhưng thiết thực nhất đối với người dân. Toàn xã khi đó có 752 hộ thì chưa đầy 6% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt chảy lênh láng ra đường dân cư, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm sát nhà dân và nguồn nước sinh hoạt. Đầu làng, cuối xóm vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi, bốc mùi hôi thối.
 
Để mỗi hộ dân tự xây nhà vệ sinh trong khi điều kiện kinh tế của các gia đình còn khó khăn là việc làm khó. Do vậy, sáng kiến xây dựng mô hình góp vốn và đổi công trong việc xây các nhà tiêu đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong thôn hình thành các nhóm giúp nhau xây nhà tiêu, mỗi nhóm từ 5 đến 7 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Mỗi hộ trong nhóm đóng góp từ 200.000 đồng trở lên và tham gia góp công để xây nhà vệ sinh cho thành viên trong nhóm. Từ đó, căn cứ vào điều kiện của từng gia đình để lựa chọn ưu tiên xây trước, chọn vị trí phù hợp và xây theo kiểu tiêu tự hoại hoặc hai ngăn (theo chuẩn hướng dẫn của ngành y tế). Với cách làm này, mỗi tháng ở các nhóm sẽ tổ chức làm nhà vệ sinh cho một hộ và xoay vòng cho đến khi hộ cuối cùng trong nhóm xây xong.
 
Chị Trần Thị Lưu ở thôn Bản Lý phấn khởi chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Được sự động viên và giúp đỡ nhiệt tình của các thành viên trong nhóm hộ, vợ chồng chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng công trình này; ngoài giữ gìn vệ sinh cho gia đình, còn không làm ảnh hưởng đến hàng xóm".
 
Để nắm chắc và theo sát tiến độ, tại các nhà văn hóa của 7 thôn bản trong xã đã thống kê và treo công khai sơ đồ về thực trạng nhà tiêu hợp vệ sinh trong toàn xã. Theo sơ đồ này, màu xanh thể hiện cho hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, màu đỏ là hộ đã có công trình nhưng chưa hợp vệ sinh và màu vàng là những hộ chưa có nhà vệ sinh. Khâu đánh giá và xếp loại do cán bộ Trạm Y tế xã và bà con trong thôn cùng công khai bình chọn. Nhờ làm tốt công tác dân vận, tuyên tuyền và theo dõi, quản lý với kế hoạch cụ thể nên đến nay tỷ lệ số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đã tăng từ 6% lên 76%.
 
Là một trong những ít hộ còn lại chưa có điều kiện xây nhà tiêu hợp vệ sinh, chị Đinh Thị Hường ở thôn Bản Lào cho biết: "Nhìn trên sơ đồ thì thấy ngay là nhà tôi chưa có nhà vệ sinh. Tôi thấy xấu hổ với người dân trong làng. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng hoàn thành trong năm nay, để được dán màu xanh trên sơ đồ như các hộ khác trong thôn bản".
 
Xã Thanh Lương còn tích cực tuyên truyền cho người dân thấy được tác hại của việc vứt những vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật ra các bờ ruộng và kênh mương. Nhận thấy tác hại, ảnh hưởng của các chất thải trên đến nguồn nước, môi trường sống và sức khỏe con người, người dân các thôn đã tự nguyện đóng góp từ 20.000 - 30.000 đồng/hộ để xây các hố rác tập trung. Mỗi thôn có khoảng 6-7 hố rác và được đặt tại vị trí thuận lợi để bà con tiện thu gom, xử lý và tiêu hủy. Đến nay, toàn xã Thanh Lương có 46 hố thu gom rác thải nông nghiệp đặt khắp các cánh đồng trong xã.
 
Ông Trịnh Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương khẳng định: Dù đã đạt tiêu chí về môi trường nhưng xã sẽ tiếp tục vận động người dân chung tay góp công, góp của để đến giữa năm 2014, tất cả các hộ dân sẽ có nhà tiêu hợp vệ sinh.
 
Đi đôi với việc xây dựng tiêu chí về môi trường, Thanh Lương còn làm tốt công tác dân vận, phát huy nội lực trong nhân dân và sáng tạo trong triển khai thực hiện các tiêu chí khác về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, thời gian gần đây Thanh Lương đã tạo diện mạo mới, đời sống nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 42%. Từ nhà ra ngõ xóm, đến ruộng đồng đều sạch sẽ, phong quang. Diện mạo của một vùng nông thôn mới đang dần hiện hữu. 
 
Để tiếp tục phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền trong thời gian tới, xã cần phải tích cực tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng NTM mang lại. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường học hỏi kinh nghiệm các địa phương đã triển khai trước đó để có tầm nhìn, tư duy chiến lược, cống hiến hết mình vì lợi ích của người dân; huy động tối đa mọi nguồn lực từ nhân dân .. tất cả cùng đồng lòng, nỗ lực, vì mục tiêu chung thì mới thực hiện thành công.
 
Nhật Minh
 
Ý kiến của bạn