(BTĐKT) - Ngày 26 tháng 12 năm 2013, tại Văn phòng Chủ tịch nước - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành về chất lượng phong trào và công tác khen thưởng của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi toàn quốc.
Sau khi khảo sát thực tế tại 24 trường Đại học và Cao đẳng và tổng hợp 63 báo cáo của một số trường; gặp gỡ sinh viên một số lớp và lấy phiếu khảo sát của 4.818 cán bộ và sinh viên đã phần nào chỉ ra được nhưng ưu điểm và tồn tại trong công tác khen thưởng của sinh viên.
Trong những năm qua phong trào sinh viên và công tác khen thưởng đối với sinh viên có bước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu và đã có những tác động tích cực đến chất lượng đạo tạo tại các trường đại học và cao đẳng. Nhìn chung các trường đã chủ động phổ biến, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn chỉ đạo phong trào cho sinh viên và học sinh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các phong trào và công tác khen thưởng đối với sinh viên thực sự có hiệu quả, tạo động lực để sinh viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phong trào và công tác khen thưởng đã có bước chuyển biến rõ rệt, đổi mới cả nội dung lẫn hình thức, nhiều phong trào thiết thực hiệu quả tạo động lực cho sinh viên phấn đầu thi đua học tốt, rèn luyện tốt, góp phần đưa chất lượng đào tạo của các trường đại học ngày càng nâng cao. Như phong trào “Sinh viên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo”, “Từ thiện xã hội” …đã thu được nhiều kết quả đáng kích lệ. Trong đó phong trào “Hiến máu nhân đạo” được sinh viên tự giác, hưởng ứng với số lượng khá động đạo (bình quân mỗi năm sinh viên mỗi trường đã hiến 5.000 đến 6.000 nghịn đơn vị máu”. Có thể nói phong trào này đã trở thành động lực lớn cho cuộc vận động “Hiến máu nhân đạo cho toàn xã hội. Hoạt động “Từ thiện xã hội” của sinh viên trong những năm qua cũng để lại dấu ấn tốt đẹp đối với toàn xã hội: Những tấm chăn, bộ quần áo, giấy bút, sách từ những hoạt động này đến tay những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh….
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế: Số lượng phong trào nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên (kết quả khảo sát 905 cán bộ quản lý về số lượng phong trào sinh viên tại trường cho thấy: nhiều 42,61%; vừa phải 48.67%; còn ít 18,15% và khảo sát 3853 sinh viên nhận xét về số lượng phong trào tại trường mình: nhiều 32,85%; vừa phải 48,67%; còn ít 18)
Kết luận tại buổi làm việc Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Qua hai cuộc kháng chiến dựng nước và giữ nước của dân tộc, phong trào sinh viên đã đóng góp vai trò to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Có thể nói phong trào sinh viên ngày càng có vai trò quan trọng và là môi trường tự giáo dục, rèn luyện nhân cách, đạo đức, bản lĩnh đối với bản thân sinh viên. Thông qua các phong trào nhiều sinh viên đã có ý thức và có kết quả học tập tốt hơn; hiểu biết, nhận thức về xã hội được mở mang và từ đó có ý thức, trách nhiệm công đông, tập thể. Từ phong trào sinh viên đã và đang xuất hiện nhiều tấm gương điển hình có sức lan tỏa lôi cuốn, cùng với sự nỗ lực phấn đầu về mọi mặt của bản thân. Trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn nữa công tác chỉ đạo, khích lệ động viên công tác thi đua khen thưởng trong sinh viên. Phó Chủ tịch nước đề nghị các Bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong cả nước nhằm lựa chọn các phong trào thi đua cho phù hợp, dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho các phong trào, thường xuyên đối thoại với sinh viên. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Về phong trào, tôi đề nghị phải có những phong trào cốt lõi, thiết thực liên quan đến ngành nghề và đạo đức nghề nghiệp để sinh viên tu dưỡng rèn luyện. Hiện nay, phong trào nhiều như thế phải rà soát lại và định kỳ tổng kết phong trào. Muốn như vậy thì phong trào ít, nhưng sâu sắc có bề rộng, bề sâu. Cùng với đó, qua các phong trào chúng ta phải tuyên truyền để thấy được các điển hình tiên tiến, nuôi dưỡng khen thưởng và đó cũng chính là hạt nhân của các nhà trường”. Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu ban giám hiệu các trường chú trọng bồi dưỡng, động viên đội ngũ cán bộ chuyên trách, vì đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phong trào và công tác khen thưởng của sinh viên. Đồng thời quan tâm đến các đề án, dự án xây dựng ký túc xá sinh viên, tạo điều kiện về chỗ ở và giảm bớt khó khăn cho sinh viên.
Thu Thủy