(BTĐKT) – Sáng 16/11, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng với tỷ lệ đồng ý là 85,34%.
Trong nguyên tắc khen thưởng, bên cạnh các quy định của Luật hiện hành là đảm bảo chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất…, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã bổ sung nguyên tắc bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; đảm bảo các nguyên tắc về bình đẳng giới trong khen thưởng. Trong quy định về các danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể, Luật bổ sung danh hiệu “Lao động giỏi”, “Tập thể lao động giỏi”, Cờ thi đua cấp Tổng cục, Quân khu, Quân chủng, Quân đoàn, Binh chủng (và tương đương); Cờ thi đua cấp huyện.
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, lực lượng dân quân tự vệ được bổ sung vào danh mục đối tượng được tặng thưởng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc”. Đối với đối tượng khác không thuộc lực lượng vũ trang nhân dân nếu lập được thành tích, công trạng trong bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh theo quy định của Luật sẽ được xem xét tặng thưởng “Huân chương Chiến công”.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng không quy định việc xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai cho cá nhân mà chỉ xét tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai cho tập thể có quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm tiếp theo sau khi được tặng thưởng lần thứ nhất. Với tiêu chuẩn cao, chặt chẽ, việc xét tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh” lần hai đối với tập thể vẫn bảo đảm ý nghĩa, tính tôn vinh của danh hiệu cao quý này.
Luật cũng bổ sung các tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Huân chương Lao động” các hạng, Bằng khen đối với công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp tại các điều 23, 42, 43, 44, 71, 72 và quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến là người lao động (được bổ sung vào khoản 4 Điều 83 Luật hiện hành).
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2014. Trước ngày Luật này có hiệu lực, các cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về niên hạn để xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 mà chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn về niên hạn theo quy định của Luật này sẽ được xem xét, quyết định khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng số 15/2003/QH11. Việc xem xét, quyết định khen thưởng cho các đối tượng này được thực hiện trước ngày 31/12/2014.
Hoài Thanh