Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”

 10463 lượt xem
(BTĐKT) Nêu cao tinh thần trách nhiệm đòi hỏi mỗi đảng viên làm nghiệp vụ Thi đua khen thưởng, trong những năm tháng qua luôn noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất; nỗ lực hết mình, tránh lãng phí thời gian; ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức lối sống; thực hiện nghiêm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm. 

Và trên hết phải biết cách xây dựng cho bản thân mình tinh thần làm việc với thái độ thực sự nghiêm túc, toàn tâm, toàn ý…. là điều gì đó rất sâu sắc, khó có thể giải thích bằng lời tường tận mà nó thuộc về trí tuệ đạo đức, sự tự ý thức sửa đổi của mỗi người, có như vậy, mỗi đảng viên mới xứng đáng là người làm nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Là công dân phải có trách nhiệm với Tổ quốc. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Người yêu cầu: Vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức của người cán bộ, đạo đức cách mạng, nghĩa là: “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Xuất phát từ quan niệm “dân là chủ và dân làm chủ”; Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Chính phủ, cán bộ, công chức Nhà nước là công bộc của dân, phải nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, cần nhận thức rõ, nêu cao tinh thần trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là mục đích và bản chất của Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đó cũng là thể hiện mối quan hệ giữa nhiệm vụ được giao, với công việc phải làm.
 
Bác dặn: Đảng, Chính phủ đề ra đường lối, chính sách; cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần, từ đó căn cứ tình hình thực tế đơn vị, địa phương mình rồi đặt ra kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực; tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân thi đua thực hiện, đồng thời, phải bàn với dân, hỏi han, gom góp sáng kiến của quần chúng, lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình, “Phải đi đúng đường lối quần chúng, thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”.
 
Nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng là một trong những yêu cầu về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), ý thức trách nhiệm trong “tự phê bình và phê bình, tính tiền phong, gương mẫu, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
 
Với người cán bộ công chức, hai từ “Trách nhiệm”, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức là phẩm chất đạo đức, là lòng tự trọng, giá trị của mỗi người. Theo Người “Khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm, khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy…là không có tinh thần trách nhiệm. Biết quý trọng công sức lao động và tài sản tập thể, không sa hoa lãng phí, không phô trương hình thức. Cán bộ ở cương vị nào cũng phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, trí công, vô tư. Hãy trân trọng những gì mình đang có, hãy sống và làm việc có trách nhiệm để vun đắp, gữi gìn hạnh phúc cho chính mình, cho mọi người.
 
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm trước tiên người cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm, thể hiện: Người cán bộ phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, làm cho nhân dân hiểu và tin đường lối của Đảng từ đó mới thực hiện đúng và tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cán bộ, đảng viên cùng với việc chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, thì phải đi đúng đường lối của quần chúng, tức là đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; tự mình phải gương mẫu để nhân dân noi theo, đồng thời phải khắc phục các nguyên nhân của bệnh quan liêu, đó là xa nhân dân, dẫn đến không nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý: 
 
Khinh nhân dân, cho dân không hiểu chính trị, lý luận như mình. 
 
Sợ nhân dân, tức là khi có khuyết điểm thì sợ dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa. 
 
Không tin cậy nhân dân, tức là không hiểu rằng không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong; có lực lượng nhân dân thì việc khó mấy, to mấy làm cũng được. 
 
Không hiểu biết nhân dân, tức là cán bộ quên rằng nhân dân cần lợi ích thiết thực, lợi ích gần, xa, riêng, chung, bộ phận, toàn cục; đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông. 
 
Không yêu thương nhân dân, tức là cán bộ chỉ biết đòi hỏi dân, không biết giúp đỡ, có trách nhiệm với dân. 
 
Điều có ý nghĩa quan trọng nhất là phải làm tròn nhiệm vụ, làm tròn phần việc được giao; đem hết trí tuệ, tâm huyết và lực lượng làm trọn vẹn, có hiệu quả phần việc được giao, dù đó là việc to hay nhỏ, dễ hay khó. Làm tốt công việc không có nghĩa là không vấp váp khuyết điểm, phải thấy rằng đó là sự vấp váp khuyết điểm trong tiến bộ, kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm, làm tròn phần việc đồng thời lời nói đi đôi với việc làm. Nếu công việc không hoàn thành, lời nói không đi đôi với việc làm, nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đường làm một nẻo, thì phải gánh chịu hậu quả.
 
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải gắn bó chặt chẽ giữa xây và chống. Xây ý thức “việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, dù nhỏ mấy cũng phải hết sức tránh”. Chống thói đạo đức giả, bệnh thành tích, hình thức, cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, quan liêu mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm, cần phải tiêu diệt. Trong nhận thức, rất cần những đột phá mới về tư duy mang tính cách mạng và khoa học, thể hiện phẩm chất, bản lĩnh, trí tuệ, năng lực của cán bộ. Cán bộ không có bản lĩnh của người cách mạng, không dám nói, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, theo kiểu, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi’, “theo gió bẻ buồm”, thì nói theo tinh thần của Bác, đó là một điều xấu hổ cho một Chính phủ là công bộc của dân, cho Nhà nước pháp quyền của dân; cho Đảng cầm quyền. Với nhận thức trên, cán bộ đảng viên cần tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày, suốt đời, gắn với công việc của mình về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, về phương pháp công tác và cách lãnh đạo, v.v..
 
Trong cuộc sống và làm việc nếu thiếu đi hai chữ trách nhiệm thì rất nhiều việc sai lầm cứ nối tiếp diễn ra, sẽ gây tổn thương thiệt hại rất nhiểu. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn chúng ta đều biết đến những vụ việc nổi cộm về vi phạm quản lý kinh tế trong thời gian gần đây như Vinasshine, Vinalines, vụ Huỳnh Thị Huyền Như... hủy hoại nhiều tài sản, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, hay như các hiện tượng sách nhiễu, vòi vĩnh mặc dù không còn là vấn đề mới, nhưng còn diễn ra phổ biến ở các cơ quan hành chính các cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu nhà ở, hiện tượng ăn cắp giờ công sở, trì trệ, bê trễ làm qua loa, đại khái của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, việc coi nhẹ giao dục đạo đức, yếu kém trong việc dạy làm người, không chú trọng phát triển bền vững với những yếu tố về môi trường, tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng công việc được giao mà báo trí cũng như các nhà phê bình đã tốn khá nhiều giấy mực để bình luận. Tất cả những vụ việc vi phạm đó đã làm ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy Nhà nước cũng như của cán bộ công chức Nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước.
 
Nguyên nhân của những vấn nạn trên là do nhận thức, thói quen nuối tiếc với cơ chế xin cho và trên hết chính là thiếu tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ với công việc được giao.
 
Đứng trước những thời cơ và thách thức của quá trình hội nhập, những khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt là những căng thẳng liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia ở biển Đông với các nước trong khu vực, và trước yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách hành chính, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức cần phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thời giờ làm việc là việc làm hết sức cấp thiết. Bên cạnh đó, việc nêu cao tinh thần dám chịu trách nhiệm là một phẩm chất đạo đức hết sức quan trọng, nó phải được xây dựng thành chế độ trách nhiệm, chỉ khi người cán bộ dám nghĩ dám làm, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, dám chịu trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước công việc được giao thì chúng ta mới có thể vượt qua được khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển. Mỗi cán bộ công chức chúng ta, với tư cách là “công bộc của dân”, trước hết hãy sống và làm việc có trách nhiệm.
 
Sống có trách nhiệm: Trách nhiệm với chính mình, với những người xung quanh, với những việc mình làm, với những gì mình nói. Hãy sống có trách nhiệm với chính mình, với cuộc đời của chính mình, đừng bao giờ để những người xung quanh phải ghét bỏ bởi lối sống buông thả, vô trách nhiệm của mình, khi có ý thức phải chịu trách nhiệm của bản thân, sẽ mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn cũng như kiên cường hơn trong cuộc sống, sẽ vượt qua khó khăn trong cuộc đời. Hãy sống có trách nhiệm với người thân, người bạn, với những người xung quang, không bỏ mặc, vô tâm với đau khổ, mất mát của họ. Trách nhiệm là chất gắn kết các mối quan hệ trong cuộc sống xã hội với nhau. Hãy tự chịu trách nhiệm cho những lời mình nói, chú ý về ý nghĩa của những lời mình nói. Cân nhắc lựa chọn từ ngữ cho phù hợp để không làm tổn thương ai đó, sau lại phải ân hận, hãy sống có trách nhiệm thì bản thân, những người thân và người xung quang sẽ luôn có được hạnh phúc.
 
Làm việc có trách nhiệm, làm bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm, hãy làm hết sức mình, hãy làm thật tốt những công việc được giao, đừng làm qua loa, đừng làm chỉ để mà làm. Hãy luôn xác định “Công việc là của mình” tất sẽ có ý thức trách nhiệm. Hãy nghĩ đã làm được gì, làm việc thật lòng, không nói nhiều, đừng sợ người khác không biết. Người như vậy ai cũng cảm mến, mọi cố gắng chắc chắn sẽ được đền đáp.
 
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về ý thức trách nhiệm trước Tổ quốc, Đảng và dân tộc là trên hết, là mục đích cao cả nhất, đó là trách nhiệm của một người dân mất nước, khi nước nhà chưa giành được độc lập, tự do. Vì vậy, Người xác định trách nhiệm: “Riêng phần tôi, xin đem hết toàn lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dẫu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”. Đó là tấm gương suốt đời, tất cả vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân... bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc, lợi dân”. Trước khi “từ biệt thế giới này”, đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin, Bác viết trong bản Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
 
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân hết sức rộng lớn và sâu sắc. Trước hết là ở nhận thức về Tổ quốc, về nhân dân, về vị trí, vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức. Dân là chủ, là gốc của nước. Cán bộ là công bộc, là đày tớ của dân. Phục vụ nhân dân là nhiệm vụ của mọi cán bộ, công chức, là gốc của mọi công việc. Đó cũng là những vấn đề cốt lõi của việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trịnh Thị Dung
 
 
Ý kiến của bạn