Thái Bình:Dồn điền đổi thửa để xây dựng nông thôn mới

 9545 lượt xem
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, đến nay, toàn tỉnh đã có 171/267 xã triển khai thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 108 xã đã xây dựng xong phương án dồn điền đổi thửa và 16 xã đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa giao đất ngoài thực địa đến hộ gia đình. 

Kết quả dồn điền đổi thửa ở các xã đã giảm trên 20% số thửa ruộng. Điển hình như: Thanh Tân (huyện Kiến Xương) giảm 37,8%, Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ) giảm 20,3%, Trọng Quan Trọng Quan (huyện Đông Hưng) giảm 33,8%... Riêng ở xã Thụy An (huyện Thái Thụy), sau khi dồn điền đổi thửa bình quân mỗi hộ nhận 1,5 thửa, trong đó hộ một thửa chiếm 47,4%, hộ 2 thửa chiếm 52,1%, chỉ còn 5 hộ 3 thửa chiếm 0,5%. Thậm chí, anh em, xóm làng cùng dồn ruộng lại canh tác trên một thửa ruộng rộng tới cả ha, nên số hộ nhận ruộng giảm từ 1.279 hộ xuống còn 1.080 hộ.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình khẳng định: Hiệu quả sau dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, cơ bản tạo được ô thửa lớn. Việc này cũng tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, qua việc dồn điền đổi thửa đã giúp nông dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí lại cơ cấu mùa vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán canh tác, phát triển ngành nghề dịch vụ tại nông thôn... Mặt khác, việc dồn điền đổi thửa còn gắn với công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Chuyển đổi ruộng đất là dịp để tổng kiểm tra lại diện tích đất nông nghiệp, hoàn thiện công tác lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy Chứng nhận QSD đất, rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông thôn, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng đất trên địa bàn.
 
Lợi ích cho người nông dân sau dồn điền đổi thửa là có, tuy nhiên ông Tuấn cũng cho rằng, khó khăn của công tác dồn đổi đất nông nghiệp hiện nay là đất đai ở các xã không đồng đều. Bên cạnh đó, đây là công việc phức tạp, liên quan đến lợi ích của nông dân, một số người còn có tư tưởng hơn thiệt muốn giữ lại ruộng đã đầu tư cải tạo từ đợt dồn đổi năm 2002. Một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự tin vào chủ trương quy hoạch nông thôn mới và dồn điền đổi thửa của tỉnh...
 
Theo ông Tuấn, để công tác dồn điền đổi thửa thành công, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người nông dân sau khi nhận thức được lợi ích của việc dồn đổi ruộng đất sẽ tự nguyện tham gia dồn điền đổi thửa cho nhau trên cơ sở sự chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể. Từ thực tế của những mô hình, dồn điền đổi thửa phải gắn liền với công tác quy hoạch. Do vậy, từng địa phương cần quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo từng cây, con ổn định, lâu dài. Đồng thời phải có chủ trương và sự chỉ đạo thống nhất của các cấp chính quyền, tạo hành lang pháp lý và có chính sách hỗ trợ để xây dựng các mô hình trình diễn về dồn điền đổi thửa. Việc dồn điền đổi thửa cần phải có quyết tâm cao, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết, ổn định tình hình nông thôn. Phương án dồn đổi ở các địa phương cần phải tuân thủ Luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời phải được bàn bạc dân chủ, công khai. Sau khi dồn đổi phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi hoặc cấp mới Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Và điều quan trọng nhất là sau dồn điền đổi thửa phải bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả hơn so với trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa.
 
Là một trong 5 tỉnh được Trung ương chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới trong cả nước giai đoạn 2010-2020, năm nay Thái Bình tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa thực hiện quy hoạch nông thôn mới và phấn đấu trong năm 2012 toàn tỉnh sẽ hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất. Hiện nay, ngoài nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ cho mỗi xã 100 triệu đồng, một số huyện còn hỗ trợ thêm 50 triệu đồng cho các xã dồn điền đổi thửa để thực hiện xây dựng nông thôn mới.
 
 
Ý kiến của bạn