Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người tổ chức và lãnh đạo các phong trào thi đua yêu nước.

 14769 lượt xem
(BTĐKT) Nhắc đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhiều người biết đến ông với tư cách một nhà chính trị, quân sự, văn võ song toàn, với tư duy chiến lược mang tính thời đại nhưng ít người biết được ông còn là người tổ chức và phát động các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 

Ở nước ta, những năm 1960 có ba phong trào thi đua lớn, đó là “Sóng Duyên Hải” của công nhân, “Gió Đại Phong” của nông dân và “Cờ Ba Nhất” của quân đội. Trong ba phong trào đó, có hai phong trào có vai trò và công lao khởi xướng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Vì vậy, nhiều đồng chí, đồng đội thường gọi ông một cách trìu mến, thân thương là “vị tướng phong trào”.

 
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại khu vực Vĩnh Linh
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Mục lục ảnh Quốc hội, SLT 451-52
 
Người khơi dậy phong trào “Cờ Ba Nhất” trong quân đội
 
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn gay go, ác liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm phát huy sức mạnh, nội lực của dân tộc để thực hiện tốt nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Người đề nghị“Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua” . Kể từ đó phong trào thi đua ái quốc đã được phát triển mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn vận dụng sáng tạo, linh hoạt những tư tưởng đó vào những công việc cụ thể để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
 
Năm 1950, tại Hội nghị chuẩn bị Chiến dịch Biên giới, khi nói chuyện với cán bộ làm chính trị trong quân đội, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã nhấn mạnh đến một phương pháp góp phần “làm cho cuộc vận động lập công được phổ biến hơn nữa đó là thi đua giữa các đơn vị và cá nhân” . Đầu năm 1960, thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, trong đó “lấy thi đua huấn luyện quân sự làm chính”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh phong trào “tiến nhanh vượt mức kế hoạch” trong quân đội, đưa phong trào phát triển cao hơn về cả nội dung và hình thức. Ông đã kịp thời phát hiện các điển hình tiên tiến, nêu gương, phân tích và phổ biến kinh nghiệm, phát động quần chúng học tập điển hình, dấy lên phong trào thi đua giành “Cờ Ba Nhất” trong toàn quân (nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về mặt gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất). Phong trào nảy mầm tử Đại đội 2, Trung đoàn Pháo binh 68, Đoàn Vinh Quang thuộc Đại đoàn 304. Trước đây, Đại đội này là đơn vị yếu kém trong huấn luyện nhưng sau một thời gian kiên quyết phấn đấu chống tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ra sức khiêm tốn học tập, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật nên đơn vị đã trở thành đơn vị tiên tiến. Ngày 18/6/1960, trong Hội thi Pháo binh toàn quân, đơn vị đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Tổng quân ủy tuyên dương thành tích và trao tặng danh hiệu “Ba Nhất”. Nội dung phong trào thi đua toàn diện, thiết thực, gắn với mục tiêu cụ thể nên đã lôi cuốn các đơn vị trong toàn quân, mở rộng ra cả những đơn vị dân quân, thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa bộ đội thường trực và lực lượng hậu bị, củng cố khối đoàn kết công-nông-binh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ cái nôi của phong trào thi đua giành “Cờ Ba Nhất”, các đơn vị khác đã sáng tạo ra ra nhiều hình thức phong phú, sinh động để tăng cường sức mạnh đánh thắng kẻ thù xâm lược. Tiêu biểu là các đoàn pháo binh: Trường Sơn, Tất Thắng, Yên Thế…
 
Sự phát triển và lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua “Ba Nhất” cho thấy ý nghĩa của việc làm tốt công tác tư tưởng, lựa chọn đơn vị làm điểm, cách làm phù hợp, nội dụng thiết thức và việc tuyên truyền, nhân rộng điển hình trong phong trào thi đua là nhân tố quan trọng, góp phần làm cho phong trào thành công.
 
Người thổi bùng ngọn “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp
 
Sau khi khơi dậy phong trào “Cờ Ba Nhất” trong quân đội, cuối năm 1960 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Nhà nước phân công làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc chuyển sang mặt trận kinh tế trọng yếu của đất nước, ông đã nỗ lực vượt bậc để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
 
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ:“Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên, để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi” , Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi sâu nghiên cứu, điều tra nhiều hợp tác xã, phát hiện và tổng kết kinh nghiệm của Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình). Khi đến Hợp tác xã Đại Phong, ông đã kiểm tra lại toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp và gợi ý cho bà con mở thêm các ngành nghề như: nung gạch, ngói, vôi, nuôi vịt đàn, lợn nái…Rồi ông động viên bà con xã viên đi khai phá vùng Hác Hải (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) được 50 ha để trồng cói, lác làm chiếu… Trên cơ sở những gợi ý của ông, Hợp tác xã Đại Phong đã phát triển thêm nhiều ngành nghề và trở thành đơn vị đi đầu trong phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất. Hình ảnh một vị Đại tướng đầu đội nón lá, mặc áo tơi, lội ruộng cấy lúa, tát nước, hát đối đáp hò khoan Lệ Thủy còn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây.
 
Tháng 2/1961, Hội nghị về mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp toàn miền Bắc đã được tổ chức. Phong trào thi đua với Đại Phong đã được phát động. Ngày 20/3/1961, Hợp tác xã đã được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy cày. Đại tướng đã hướng dẫn mọi người cách sử dụng tại vùng biển Tiến (xã Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy). Từ vùng đất này, Hợp tác xã Đại Phong đã khai hoang được gần 200 ha đất để trồng chè xanh, mía, khoai, sắn. Địa danh lịch sử này đã được nhạc sĩ Hoàng Vân thể hiện bằng những giai điệu mượt mà, giàu cảm xúc trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” nổi tiếng “Có ai về Đại Phong xin vô ghé thăm vùng bến Tiến. Tay cuốc khoai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn”. Trong 3 tháng ở Đại Phong, Đại tướng đã chia sẻ những ngọt bùi đắng cay với bà con nông dân ở nơi đây. Trước khi chia tay ông còn dặn dò bà con phải cố gắng giữ cho được phong trào. 
 
Từ cái nôi của phong trào, các hợp tác xã khác trong toàn miền Bắc đã giao ước thi đua học tập, đuổi kịp và vượt “Gió Đại Phong”, tỏ rõ sức mạnh to lớn của nông dân nước ta trên con đường hợp tác hóa, xây dựng đời sống mới hạnh phúc, ấm no, đem lại những thành tựu to lớn về phát triển hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp. Ngọn gió “Đại Phong” đã thổi bay đói nghèo, lạc hậu và góp phần thúc đẩy nên nông nghiệp miền Bắc phát triển mạnh mẽ.
Từ cuối năm 1960-1963, trên cương vị Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp.Phong trào thi đua với hợp tác xã Đại Phong đã tạo nên luồng gió mới trên đồng ruộng Việt Nam trong những năm tháng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
“Đại Phong” và “Ba Nhất” là hai điển hình của phong trào thi đua yêu nước những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Dấu ấn không thể phai mờ của hai điển hình tiên tiến, với những cách làm hay, sáng tạo đó cho thấy phong cách của nhà tổ chức và lãnh đạo phong trào thi đua Nguyễn Chí Thanh - đó là luôn tìm tòi những cái mới, nhân tố mới, xây dựng những điển hình và cá nhân tiên tiến, rồi nhân rộng trong cả nước./.
Nguyễn Lan Phương
 
Ý kiến của bạn