Nâng cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt

 15073 lượt xem
(BTĐKT)- Giải quyết tốt vấn đề nâng cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có chất lượng sẽ góp phần trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, giúp xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh 
Với nhận thức công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quyết định mọi thắng lợi, coi việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nội dung quan trọng nhất. Các chi bộ thường xuyên động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, tích cực chủ động tham gia nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến, áp dụng hiệu quả vào công tác. Các chi ủy chi bộ cũng đã chấp hành nghiêm việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của đảng ủy cấp trên, duy trì khá đều sinh hoạt định kỳ với nội dung và phương thức sinh hoạt hàng tháng theo từng chuyên đề nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Qua sinh hoạt, các chi bộ, cán bộ, đảng viên đã nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình; tăng cường đoàn kết, thống nhất, gắn bó, sẻ chia, tình thân ái đồng chí đồng đội. Chi bộ đã thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình một cách thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc và chân thành. Thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, các chi bộ đã coi phê bình và tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén giúp chi bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, kịp thời phát hiện, sửa chữa sai lầm khuyết điểm. Bên cạnh đó, các chi bộ đã quan tâm làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú sớm trở thành đảng viên; chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo công đoàn, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị quan trọng, ngày truyền thống của đoàn thanh niên… tạo không khí thi đua sôi nổi; coi đây là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong các mặt công tác, phong trào của đơn vị, chi bộ.
 
Những tồn tại và giải pháp 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm ảnh hưởng đến hoạt động của chi bộ cần sớm khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới. Cụ thể là một số cán bộ đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của người đảng viên dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác chưa cao; công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng có lúc thực hiện chưa nghiêm, còn tư tưởng ngại va chạm, sợ đấu tranh sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân dẫn đến giảm sút sức chiến đấu; tư tưởng bình quân chủ nghĩa chưa được khắc phục triệt để. Việc triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở một số chi bộ còn mang tính hình thức, chưa sâu, thiếu nhạy bén; việc nắm bắt và giải quyết tình hình tư tưởng ở cơ sở chưa kịp thời, hiệu quả; chi ủy một số chi bộ chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo; nề nếp và chất lượng sinh hoạt đảng của một số chi bộ chưa nghiêm, nội dung sinh hoạt đảng chưa thật đổi mới; việc chỉ đạo của một số tổ chức cơ sở đảng đối với các tổ chức chính trị-xã hội chưa sâu sát, kịp thời nên hoạt động còn nặng về hình thức, chất lượng hạn chế. Các tổ chức đoàn thể chưa thực sự chủ động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng. Việc thực hiện quy trình xét chọn quần chúng ưu tú giới thiệu cho chi bộ của các tổ chức quần chúng có lúc chưa chặt chẽ.
 
Để nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt cần tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản sau:
 
Thứ nhất: Cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, thực hiện tốt việc đánh giá gắn với phân công bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ. Đây là một nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nghiên cứu quán triệt một cách sâu sắc để mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ; phải nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, đối với cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để có đổi mới cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với tình hình mới. Quá trình thực hiện phải có sự nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, tính chiến lược trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp và chủ động tạo nguồn cán bộ cho những nhiệm kỳ tiếp theo với chất lượng cao, đồng bộ về cơ cấu theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Có quản lý tốt mới có đánh giá chính xác về cán bộ, là cơ sở để phân công, bố trí hợp lý, giúp cán bộ phát huy năng lực sở trường công tác, cống hiến tài năng cho sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình đánh giá cán bộ phải đảm bảo tính khách quan, công khai, trung thực và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đồng thời đề cao tính trung thực của cán bộ khi tự đánh giá về mình và phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện nhân tài để bồi dưỡng, sử dụng và phát huy hết khả năng của cán bộ.
 
Thứ hai: Thực hiện đúng qui trình 3 khâu giữa công tác quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Phải căn cứ vào quy hoạch, bổ nhiệm hàng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ thuộc phạm vi quản lý và đề xuất qui hoạch các chức danh thuộc diện cấp trên quản lý. Cán bộ trong diện qui hoạch phải là những người đáp ứng cơ bản tiêu chuẩn chức danh cán bộ, nhưng cần được tiếp tục hoàn thiện thông qua đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và thử thách trong thực tiễn; chú trọng lựa chọn nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật; mỗi chức danh quy hoạch phải có từ 2 đến 3 đồng chí và một đồng chí có thể quy hoạch từ 2 đến 3 chức danh, theo hướng “mở” và “động” (không khép kín, không hạn chế số người được định sẵn một cách chủ quan như vừa qua nhiều nơi đã làm và được rà soát, điều chỉnh thường xuyên theo sự phát triển của cán bộ để kịp thời bổ sung nhân tố mới). Quan tâm đào tạo sau đại học cho cán bộ cả trong và ngoài nước đối với các ngành khoa học công nghệ, pháp luật, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế theo các đề án của tỉnh và dự án của Bộ, ngành Trung ương. Sau đào tạo nhất thiết phải gắn với bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ.
 
Thứ ba: Tăng cường công tác luân chuyển cán bộ, coi đây là khâu đột phá trong công tác cán bộ. Các cấp ủy chỉ đạo tập trung, tích cực thực hiện tốt phương châm: Vừa đẩy mạnh việc luân chuyển, vừa thận trọng, giải quyết tốt quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận. Quá trình thực hiện công tác luân chuyển cần có bước đi thích hợp, làm tốt công tác tư tưởng, nêu rõ mục đích, yêu cầu luân chuyển đối với nơi đi, nơi đến và đối với cán bộ được luân chuyển, đồng thời theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.
 
Thứ tư: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy cơ sở. Trước hết, phải tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp ra nghị quyết theo hướng ngắn, gọn, thiết thực, mang tính khả thi cao, xác định khâu trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện. Chú trọng việc xây dựng qui chế làm việc, qui chế phối hợp hoạt động giữa các khối, các ngành, giảm bớt sự chỉ đạo bằng giấy tờ, hội họp. Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng coi trọng công tác thanh tra của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể trong việc chấp hành các Nghị quyết của Đảng pháp luật của Nhà nước. Xây dựng một đội ngũ cán bộ cốt cán từ xã đến ấp đủ mạnh, thật sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, trước hết là đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, hay nói rộng hơn là trong cấp ủy cơ sở chính là yếu tố trực tiếp quyết định đến chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, được kiểm chứng cả về lý luận và thực tiễn.
 
Thứ năm: Phải tiếp tục kiện toàn các cơ quan tham mưu trong công tác xây dựng Đảng. Các Ban Xây dựng Đảng cần chấn chỉnh, bổ sung quy chế về tổ chức và hoạt động, trong đó hết sức chú ý đến quy chế phối hợp hoạt động giữa các Ban và với các cơ quan có liên quan về công tác tổ chức cán bộ. Mặt khác, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ đại học, sau đại học chuyên ngành, chuyên sâu từng lĩnh vực để có tầm nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, góp phần làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới ngày càng tốt hơn. Một vấn đề cũng hết sức quan trọng thuộc về trách nhiệm của Đảng và Nhà nước cấp trên, đó là cần có chính sách, chế độ tốt hơn, hợp lý hơn trong công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn (đó là sự bất hợp lý giữa chế độ tiền lương giữa cán bộ chuyên trách và công chức ở cơ sở còn quá thấp so với cán bộ công chức từ cấp huyện trở lên; hay ngay cả sự chênh lệch giữa cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách trong cùng một xã). Thực tế cho thấy: Chính sách, chế độ công bằng, hợp lý là một trong những nguyên nhân khơi dậy lòng nhiệt thành, sức cống hiến và sự đoàn kết của đội ngũ cán bộ; khuyến khích sự suy nghĩ sáng tạo, phát huy trách nhiệm và quyền hạn cá nhân, tạo điều kiện cho cán bộ trở thành người lãnh đạo và quản lý giỏi.
 
Nhật Minh
 
Ý kiến của bạn