(BTĐKT) - Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng phát triển khu vực này đã có nhiều thành công. Đến cuối năm 2013, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%.
Hình thức cho vay tín dụng giúp doanh nghiệp phát triển chăn nuôi bền vững.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị định 41, ngành Ngân hàng còn thực hiện nhiều biện pháp phối hợp khác nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Việc thí điểm bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp tại một số địa phương trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, ngân hàng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay đối với những khách hàng mua bảo hiểm sản xuất nông nghiệp.
Nghị định 41 có qui định nguồn vốn ủy thác của Chính phủ cho các TCTD để cho vay NNNT hằng năm, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, trong khi vốn tài trợ, ủy thác đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước để cho vay nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; chính sách ưu đãi về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đặc thù chưa được triển khai thực hiện; việc hỗ trợ khách hàng trong trường hợp gặp rủi ro như thiên tai, dịch bệnh từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được qui định trong Nghị định 41 chưa được thực hiện; việc triển khai xử lý rủi ro phát sinh trên diện rộng trong cho vay NNNT còn nhiều bất cập.
Trong 3 năm qua, thiên tai dịch bệnh xảy ra liên tục trên phạm vi rộng và gây thiệt hại rất lớn, nhưng hầu như chưa có cơ quan nào được giao nhiệm vụ thực hiện công bố trên diện rộng để làm cơ sở cho ngành Ngân hàng thực hiện xử lý rủi ro cho nông dân; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ trang trại và chuyển đổi mô hình HTX mới để làm cơ sở cho vay còn chậm; thiếu định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm nông nghiệp, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của nông dân; thiếu qui hoạch và quản lý qui hoạch, sản phẩm nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu là sản xuất nhỏ giản đơn, trình độ kinh doanh hạn chế, sức cạnh tranh thấp, chưa khắc phục được tình trạng tự phát trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp mới chỉ được triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp và chưa có tổng kết để áp dụng rộng rãi trên toàn quốc; tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng bị thương lái nước ngoài thao túng.
Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro nhưng thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Nguồn lực Nhà nước dành cho nông nghiệp, xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu là xử lý vụ việc xảy ra.
Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Nghị định 41 còn chậm, thiếu chặt chẽ, việc xử lý vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa quyết liệt, thiếu định hướng lâu dài như vấn đề qui hoạch, xử lý nợ do thiên tai dịch bệnh trên diện rộng, bảo hiểm trong nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các chính sách còn nhiều bất cập, thiếu lồng ghép và thiếu đồng bộ.
Trong việc đầu tư cho vay hướng tới sản xuất nông nghiệp qui mô lớn, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Tập trung nguồn vốn để cho vay kịp thời đối với sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp; kết hợp giữa cho vay phục vụ sản xuất với cho vay tiêu dùng, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn. Chú trọng cho vay trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa cơ sở chế biến, xuất khẩu với người sản xuất; liên kết thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp.
Tiếp tục chỉ đạo các TCTD rà soát để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nghiên cứu các hình thức cho vay phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi, trồng trọt và tăng cường tính liên kết giữa cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn, hiệu quả. Nâng cao trình độ của cán bộ ngân hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là cán bộ tín dụng.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nông thôn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các qui định của TCTD về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; mở rộng xã hội hóa trong triển khai chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để việc triển khai định hướng chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng đạt được kết quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và sự chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể là: Nâng cao chất lượng qui hoạch và quản lý qui hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chú trọng các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, thủy sản; nhanh chóng đưa ra các mô hình sản xuất qui mô lớn theo chuỗi để nâng cao hiệu quả đầu tư, làm cơ sở cho các TCTD yên tâm đầu tư vốn; tăng cường sự phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc bảo lãnh cho vay tín chấp cho các thành viên vay vốn ngân hàng và cùng với TCTD đưa vốn đến tay nông dân, kết hợp với hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương lớn, có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước, nên cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị và sự kết hợp đồng bộ của nhiều chính sách như định hướng tại Nghị định 41.
Hoài Thanh