Huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

 10034 lượt xem
(BTĐKT) - Mộc Hóa là huyện biên giới, huyện trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An với diện tích 50.319 ha, có 12 xã, 1 thị trấn với 67 ấp, khu phố, dân số 16.759 hộ với 70.099 nhân khẩu. Trong kháng chiến, huyện và 9/13 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 
Trong hơn 10 năm (2001-2012) huyện Mộc Hóa luôn dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, thể hiện xuất sắc vai trò trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, tạo động lực và sức lan tỏa cho sự phát triển chung của toàn vùng, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn liền với bảo đảm chủ quyền, an ninh biên giới và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với nước bạn Cam-pu-chia. 
 
Đây là huyện dẫn đầu tỉnh trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ: 
 
Về Nông nghiệp: Giá trị sản xuất Nông - Lâm - Thủy sản 2011 đạt gần 1.200 tỷ đồng, cao hơn 2,85 lần với năm 2001 (theo giá SS 1994), bình quân tăng 28%/năm. Mười năm qua, diện tích lúa gieo trồng hàng năm tăng từ 51.113 ha lên 65.967 ha; sản lượng lúa tăng từ 210.145 tấn năm 2001 lên 366.328 tấn năm 2011. Đây là huyện duy nhất trong vùng có Nghị quyết về chương trình phát triển thủy sản, từ diện tích nuôi thủy sản năm 2001 quy mô hộ với một vài lồng, bè nay đã lên 235 ha và 74 lồng, bố; sản lượng trên 5.846 tấn, giá trị thương phẩm trên 89 tỷ 835 triệu đồng/năm, mức tăng trưởng thủy sản bình quân 5 năm gần đây đạt 17%/năm; bình quân lương thực đầu người tăng 1,75 lần (tăng từ 2,95 tấn lên 5,16 tấn); thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 2,4 lần năm 2001 (6,5 triệu lên 15,43 triệu đồng/năm), giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 8,4%.
 
Về Công nghiệp - Xây dựng: Đến nay, toàn huyện có 426 cơ sở sản xuất, tăng 212 cơ sở so với năm 2001 với giá trị sản xuất năm 2011 là 137 tỷ 300 triệu đồng, gấp 3,6 lần so với năm 2001. Mạng lưới điện quốc gia phủ kín 100% số xã của huyện vào năm 2003; tỷ lệ hộ sử dụng điện năm 2011 đạt 98%, gấp 1,78 lần năm 2001; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 62% lên 90%. Tháng 4/2007, thị trấn Mộc Hóa được công nhận là đô thị loại IV, đang xúc tiến lập đề án thành lập thị xã Kiến Tường. Đến cuối năm 2011 có 12/12 xã có đường ô-tô đến trung tâm, tăng thêm 8 xã so với năm 2001. 
 
Về Thương mại và dịch vụ: Huyện có 2.897 cơ sở, tăng 1.427 cơ sở so với năm 2001. Tổng doanh thu năm 2011 là 712 tỷ 850 triệu đồng, mức tăng trưởng 5 năm gần đây đạt bình quân trên 10%/năm. 
 
Về Ngân sách: Thu ngân sách tăng bình quân trên 15%/năm. Riêng năm 2011 ước đạt 84 tỷ 132 triệu đồng, đạt 117,9% chỉ tiêu giao, gấp 4,7 lần năm (cao nhất so các huyện vùng Đồng Tháp Mười).
 
Về Giáo dục - Đào tạo: Đội ngũ giáo viên tỷ lệ đạt chuẩn 97%; cơ sở vật chất trường lớp kiên cố hóa đạt 98,2%, tăng 13,27% so với năm 2001, có 3 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; huyện triển khai thực hiện phổ cập THCS, được công nhận vào năm 2007; trẻ đúng độ tuổi hàng năm huy động ra lớp đạt 100%. 
 
Về Y tế: Bệnh viện đa khoa khu vực, phòng khám khu vực, các trạm y tế cơ sở với 177 giường bệnh, huyện có 12/12 trạm y tế xã có bác sĩ, so với năm 2001 tăng 83,3%; có 13/13 đơn vị hành chính thuộc huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 20,4% xuống còn 13,24%; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,23% xuống 1,11%.
 
Về Văn hóa: Toàn huyện có 89,1% ấp, khu phố văn hóa, 95% hộ gia đình văn hóa. 
 
Về công tác chính sách: Tổ chức thực hiện tốt chính sách cho gần 1700 gia đình thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng; quỹ Đền ơn đáp nghĩa với số tiền hơn 2,55 tỷ đồng, xây dựng 305 căn nhà tình nghĩa, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách.
 
Trong công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và sáng tạo, huyện đẩy mạnh phục hóa, chuyển từ đất tràm xấu sang sản xuất lúa trên 9.700 ha; thuỷ lợi hóa nội đồng, hệ thống đê bao lửng gần 500 km kênh mương, góp phần tháo chua, rửa phèn cho trên 30% diện tích sản xuất, tưới tiêu cho 100% diện tích canh tác; chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất bằng việc chủ động nhân giống và đưa giống tốt vào sản xuất; cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất (100% khâu làm đất, 95% khâu thu hoạch, 70% diện tích sử dụng máy sạ hàng); kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển thủy sản nước ngọt, sử dụng giống tốt, giống có giá trị kinh tế cao làm mũi đột phá phát triển kinh tế. 
 
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huyện liên kết với Trường Đại học Mở TP.HCM mở 2 khóa đào tạo đại học từ xa tại huyện với 7 lớp, 4 chuyên ngành đào tạo cho gần 500 cán bộ, công chức và nhân dân ở huyện và các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Trong 10 năm huyện đã đưa đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên 469 trường hợp về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; 347 lượt cán bộ học bổ túc văn hóa và cử 370 trường hợp theo học các lớp tin học, ngoại ngữ chứng chỉ trình độ A, B, góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện đạt 95,2%, cấp xã đạt 75,5%; 5 cơ sở Ngoại ngữ - Tin học ở huyện đã đào tạo và cấp chứng chỉ hàng năm cho 300-350 người; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho hơn 3.200 lao động; 3.520 trường hợp hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục và 270 cán bộ học xong chương trình bổ túc trung học phổ thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước. Trang bị máy vi tính, mạng Internet và hầu hết cán bộ biết sử dụng và giải quyết công việc trên máy vi tính.
 
Huyện triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Huyện luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật và vận động giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, thông qua việc vận động nhân dân bảo vệ biên giới và xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần vào việc thực hiện dân chủ trong dân. Hoạt động của HĐND và bộ máy chính quyền luôn bảo đảm đúng các quy định của pháp luật; hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của UBND các cấp không ngừng được nâng lên; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một của liên thông; triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
 
Trong 10 năm qua, Đảng bộ huyện luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống đoàn kết, trong sạch vững mạnh, lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương đạt kết quả cao; chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh với tỷ lệ trên 85%; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể hàng năm đều đạt loại khá, vững mạnh; chính quyền quản lý có hiệu quả và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, được nhân dân tin tưởng, khen ngợi.
 
Huyện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2011). Trong giai đoạn 2001 - 2011 huyện đã được tặng thưởng 03 Cờ thi đua của Chính phủ và 10 Cờ thi đua của UBND tỉnh về thành tích dẫn đầu phong trào thi đua toàn diện hàng năm. Với những cố gắng vượt bậc trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, huyện đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Quyết định số 992 ngày 31 tháng 5 năm 2013. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vươn lên của một huyện biên giới vùng Đồng Tháp Mười.
 
Nguyễn Bích Phượng
 
Ý kiến của bạn