Đà Nẵng: Nhà giáo ưu tú dành trọn đời vì sự nghiệp giáo dục

 14435 lượt xem
(BTĐKT) - Tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi (1954), Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng với cương vị nào ông cũng có những đóng góp sáng tạo và hình thành những bước đột phá trong công tác. 

Với 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ đã cống hiến trí tuệ, tâm sức cho công cuộc chống ngoại xâm, giải phóng đất nước. Là một cán bộ lãnh đạo chuyên hoạt động trong lòng địch, ông đã có nhiều hình thức sáng tạo trong việc vận động quần chúng thanh niên, sinh viên - học sinh và văn nghệ sĩ - trí thức liên tục nổi dậy trong các đô thị ở miền Nam - Việt Nam; đặc biệt là tại khu vực Trung - Trung bộ. 

Từ khi xây dựng và phát triển Trường Đại học Duy Tân (1994 - 2014), trong 20 năm qua, ông Lê Công Cơ là người có công đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng và thành lập trường. Qua đó, ông Cơ đã xác lập được những thành tích đặc biệt xuất sắc. Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương Xã hội hóa Giáo dục của Đảng và Nhà nước, đánh đổi gia sản vào việc thành lập trường đại học tư thục nhằm thực hiện việc nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở hợp tác chuyển giao công nghệ.
 
Cụ thể, trường tuyển sinh trên 53.806 sinh viên; đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội 26.021 Thạc sĩ, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Cử nhân và hơn 7.000 học sinh tốt nghiệp Trung cấp Chuyên nghiệp góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, làm lợi cho nhà nước trên 1.000 tỷ đồng.
 
 
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ trao bằng khen cho những cử nhân tốt nghiệp.
 
Đến nay, Đại học Duy Tân là trường duy nhất của khối ngoài công lập được Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 2 ngành trình độ tiến sĩ là Khoa học máy tính và Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, trường còn đào tạo: 4 ngành thạc sĩ; 17 ngành đại học; 11 ngành cao đẳng; và nhiều loại hình đào tạo khác.
 
Trong 3 năm gần đây, Trường đã đầu tư thêm 50 tỷ đồng nhằm hoàn thiện hệ thống Data Center phục vụ công tác đào tạo theo học chế tín chỉ và đào tạo từ xa dưới dạng E-learning. Hiện nay, trường có 11.246 số đầu sách, tài liệu và 33.936 tài liệu điện tử, tất cả giảng viên có giáo trình giảng dạy.
 
Trường đã tiến hành tin học hóa toàn bộ các mảng hoạt động của trường trên nền Đại học điện tử, như: Hệ thống email, Quản lý nhân sự, Công văn nội bộ, Quản lý Thư viện, Elearning Platform, Thi trắc nghiệm, Quản lý Đào tạo, Portal cho sinh viên và Cán bộ, Giảng viên toàn trường.
 
Ngoài ra, với phương châm lấy thực hành làm trọng tâm, giúp sinh viên ra trường có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động, trong công tác đào tạo, ông  đã chỉ đạo đầu tư quyết liệt xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo 100% nhu cầu đào tạo và thực hành với trên 2.000 máy vi tính được kết nối mạng Internet và mạng VINAREN; 100% phòng học được trang bị máy chiếu đa phương tiện; phòng ghi âm và thu hình cao cấp; hơn 60 phòng thực hành, thí nghiệm, 03 khối thư viện, hệ thống Data Center hiện đại phục vụ công tác đào tạo theo học chế tín chỉ và đào tạo từ xa dưới dạng E-learning; 100% số phòng học và thực hành trang bị máy điều hòa...
 
Mặt khác, trong những hoàn cảnh thực sự khó khăn, NGƯT.Lê Công Cơ đã ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin để xây dựng Trường Đại học Duy Tân. Ông đã có nhiều giải pháp, sáng kiến táo bạo trong việc đổi mới quản lý mang lại hiệu quả cao; đặc biệt xây dựng mô hình trường đại học “Đào tạo gắn liền với Nghiên cứu trên nền nhân văn - hiện đại, nòng cốt là Đại học Điện tử”.
 
Với bản lĩnh của người đứng đầu, từ năm 2006 đến nay, với tổng kinh phí trên 4 triệu USD, Trường đã mua bản quyền và chuyển giao chương trình công nghệ đào tạo 10 chương trình tiên tiến của 3 trường hàng đầu tại Hoa Kỳ (Carnegie Mellon University(CMU); Pennsylvania State University (PSU); và Fullerton Auxiliary Services Corporation Fullerton, California(CSU). 
Trường đã thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, giảng viên với 6 trường tại Hoa Kỳ, 1 trường tại Singapore, 2 trường tại Thái Lan và 1 trường tại Thụy Điển.
 
Nhờ được gửi đi huấn luyện tại Mỹ và các nước phát triển mỗi năm, giảng viên Đại học Duy Tân được tiếp cận với chương trình đào tạo, các hướng nghiên cứu và công nghệ đào tạo hiện đại trên thế giới. Với kiến thức và phương pháp giảng dạy mới tiếp thu được, giảng viên Đại học Duy Tân đã truyền đạt tinh thần học tập, đỉnh cao chuyên môn cho sinh viên, giúp sinh viên ra trường dễ tiếp cận với môi trường làm việc. 
 
Một điều quan trọng nhất, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển trường Đại học Dân lập Duy Tân là, ông luôn xem công tác xây dựng Đảng là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự đúng đắn và sự thành công của Trường. Từ một Chi bộ 3 người ban đầu ấy, đến nay, Trường đã có một Đảng bộ lớn mạnh với 150 Đảng viên. Vì những công việc giàu tính truyền thống và nhân văn này, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã chủ động về thăm trường Đại học Duy Tân đúng vào Ngày Sinh viên - Học sinh Việt Nam, 9 tháng 1 năm 2013. Trong dịp này, Chủ tịch Nước đã có lời nhắc nhở mọi cán bộ, giảng viên của trường Đại học Duy Tân phải luôn luôn chú trọng truyền lửa yêu nước cho các thế hệ trẻ.
 
Là một người tâm huyết với giáo dục, ông Lê Công Cơ lãnh đạo nhà trường phát triển vượt bậc, trở thành ngọn cờ của khối các trường đại học ngoài công lập nhiều năm liền. Bên cạnh chính sách thu hút nhân tài tạo tiền đề cho sự phát triển vững mạnh của Trường, ông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng hệ thống thi đua lượng hóa toàn bộ hoạt động của trường, nhằm tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, hưởng thụ công bằng và khuyến khích phát triển tài năng, gắn liền với các tiêu chuẩn thi đua của Bộ và địa phương.
 
Trong 60 năm hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông Lê Công Cơ đã trở thành đề tài của một số nhà văn như: Bộ tiểu thuyết hai tập Học Phí Trả Bằng Máu và Thành Phố Đứng Đầu Gió của nhà văn Nguyễn Khắc Phục; tập hồi ký lịch sử Phác Họa Chân Dung Một Thế Hệ của nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật; tập hồi ký Không Có Gì Trôi Đi Mất của nhà văn Hồ Duy Lệ; tập hồi ký của nhiều tác giả Những Chân Trời Khát Vọng…
 
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm qua, Trường Đại học Duy Tân và Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ đã vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khen thưởng như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và nhiều Huân chương, Huy chương giải phóng, quyết thắng, vì thế hệ trẻ, vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, sự nghiệp khuyến học, doanh nhân tâm tài...
 
Hoài Thanh
 
Ý kiến của bạn