(BTĐKT) - Nhằm động viên, cổ vũ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh nhà, đồng thời ghi nhận và biểu dương thành tích những mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2013, ngày 14 tháng 4 năm 2014 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã ký Quyết định số 715/QĐ-UBND về việc khen thưởng thành tích sản xuất kinh doanh giỏi năm 2013.
Ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ cho 09 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong năm 2013.
Theo đó trong năm 2013 có 29 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của các huyện, thành phố được khen thưởng, trong đó huyện Chợ Lách có 03 nông dân được khen thưởng đó là Bà Lê Thị Kim Thủy, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách với mô hình sản xuất cây giống, là hộ nghèo vượt khó vươn lên, biết ứng dụng kỹ thuật sinh học, giải quyết 5 đến 10 lao động/ ngày, cung cấp hàng ngàn cây giống, trong ngoài tỉnh, có nhiều đóng góp cho các công trình phúc lợi địa phương, xây dựng nông thôn; bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách là một nông dân trẻ vừa tròn 30 tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng Mai vàng đem lại hiệu quả thu nhập cao và bà Nguyễn Thị Nga xã Vĩnh Thành với mô hình sản xuất hoa kiểng với mô hình Hoa treo cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng ngàn sản phẩm.
Huyện Mỏ Cày Nam có 03 nông dân được khen thưởng: Ông Đặng Văn Sẽ ấp An Thới, thị trấn Mỏ Cày với mô hình nuôi heo, xử dụng chất thải chăn nuôi làm khí đốt vệ sinh môi trưởng; ông Cao Thanh Khiết ấp Tân Lễ II, xã Tân Trung xuất thân từ gia đình nghèo, chí thú làm ăn, biết tận dụng nguyên liệu địa phương để tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ giải quyết cho 2000 lao động có thu nhập ổn định đem lại hiệu quả kinh tế cao; ông Hồ Văn Hai ấp An Bình xã An Thạnh với mô hình chăn nuôi heo theo trang trại đem lại hiệu quả cao.
Huyện Giông Trôm có 05 nông dân được khen thưởng đó là ông Nguyễn Hữu Cầu, ấp 6 xã Lương Phú với mô hình sản xuất Tôm giống, trồng Dừa xiêm dứa; ông Lê Hồng Tân, ấp 2 xã Lương Hòa với mô hình vừa Dừa trồng xen Cacao; ông Hồ Xuân Quang, ấp 4 Bình Hòa với mô hình trồng Bưởi Da xanh và Chanh đem lại hiệu quả cao; ông Huỳnh Ngọc Hớn với mô hình Trang trại nuôi Cúc trồng Bưởi Da Xanh; ông Hồ Văn Tư với mô hình sản xuất Lúa áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng cơ giới hóa trong sản xuất Lúa tăng năng xuất giảm chi phí.
Trong 5 mô hình tiêu biểu của Nông dân Huyện Giồng Trôm thì nổi bậc nhất là mô hình của ông Nguyễn Hữu Cầu xã Lương Phú từ Hộ gia đình hàng năm có thu nhập thấp, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng 0.5 ha Dừa Xiêm dứa, tham gia dự án mở rộng diện tích Tôm giống càng xanh, nhờ chí thú làm ăn ông đã đem lại thu nhập gần 800 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Huyện Châu Thành có 05 nông dân được khen thưởng đó là ông Võ Văn Sện, ấp Long Hòa, xã Giao Long, ông Phạm Văn Út ấp Phước Thạnh, xã Thành Triệu; ông Trịnh Ngọc Trung, ấp Quới Lợi, xã Quới Sơn; ông Nguyễn Văn Trung, ấp Tiên Hưng, xã Tiên Long; ông Nguyễn Văn Mách ấp Mỹ Phú xã Tân Phú với các mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với địa phương như trồng Bưởi da xanh, Chôm Chôm, Sầu Riêng theo mô hình VietGap đem lại hiệu quả năng xuất cao.
Trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Huyện Châu Thành thỉ tiêu biểu nhất là mô hình trồng bưởi da xanh theo mô hình VietGap đạt năng xuất hiệu quả cao của ông Trịnh Ngọc Trung, là hộ nghèo nhưng ông đã vượt khó vươn lên trong năm 2013 do chí thú làm ăn ông đã đem lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Huyện Mỏ Cày Bắc có ông Nguyễn Kim Hải ấp Phú Xuân, xã Hưng Khánh Trung A và ông Đỗ Thành Nhân ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung cả hai nông dân này điều là hộ nghèo vươn lên, chí thú làm ăn với mô hình sản xuất hoa kiểng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước đem lại hiệu quả kinh tế cao và thoát nghèo bền vững.
Huyện Bình Đại có 03 nông dân được khen thưởng ông Ngô Văn Cầu, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa với mô hình trồng Nhãn xen Bưởi da xanh; ông Võ Văn Hải, ấp 3 xã Định Trung với mô hình nuôi Tôm sạch theo công nghệ sinh học; Ông Lư Hồng Phương ấp Tân Hưng xã Châu Hưng với mô hình trồng Màu - Lúa - Chăn nuôi Vịt đẻ đạt hiệu quả. Trong những mô hình của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Huyện Bình Đại thì nổi bậc hơn hết là mô hình trồng Nhãn xen Bưởi da xanh theo mô hình VietGap của nông dân Ngô Văn Cầu, xã Long Hòa ông đã nhạy bén ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đem lại thu nhập rất cao 700.000.000/năm.
Huyện Thạnh Phú có nông dân Huỳnh Văn Sia xã An Nhơn với mô hình nuôi Tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao nhiều năm liền ( 2003-2009) và Nông dân Cao Thị Nguyệt ấp An Thạnh, xã An Thạnh với mô hình Nuôi Tôm thâm canh đạt hiệu quả cao từ năm 2005 -2010 thu nhập sau khi trừ chi phí của cả hai hộ nông dân này bình quân từ 500 triệu đến 1tỷ đồng/năm.
Huyện Ba Tri có 05 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong toàn huyện được khen thưởng đó là ông Nguyễn Văn Tứ ấp An Quới, xã Vĩnh An với mô hình Nuôi Tôm; ông Đinh Văn Y, ấp An Bình I xã An Hòa Tây với mô hình kinh tế tổng hợp; ông Châu Văn Bối, ấp Tân Thành, xã Tân Mỹ với mô hình trồng Bưởi da xanh tại vùng nước mặn và ông Trương Văn Dòm ấp Vĩnh Đức Đông, xã Vĩnh Hòa nuôi Dê theo mô hình mới đem lại hiệu quả cao. Trong 05 nông dân được khen thưởng thì tiêu biểu nhất là hộ ông Nguyễn Văn Tứ xã Vĩnh An xuất thân từ gia đình nghèo được sự qua tâm của các cấp chính quyền và sự chí thú làm ăn, chịu khó vươn lên sau nhiều năm cố gắng với kinh nghiệm nuôi Tôm ông đã đem lại thu nhập cao, trong năm 2013 canh tác lãi 1.000.000.000 đồng/năm, giải quyết làm cho 7 lao động/ngày, thu nhập bình quân 4.000.000đ/ tháng/lao động và ông đóng góp cho đia phương hơn 20.000.000đ/năm.
Thành phố Bến Tre có ông Trương Văn An ấp 3 xã Phú Nhuận với mô hình trồng Bưởi da xanh, ông đã có nhiều sáng kiến trong việc trồng Bưởi da xanh, trồng Cacao trong vườn Dừa đạt hiệu quả cao bên cạnh đó ông còn chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất trồng trọt cho hội viên trong Chi Hội Nông dân cùng nhau vượt khó vươn lên phát triển kinh tế cho gia đình làm giàu chính.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát hiện và khen thưởng kịp thời cho những người lao động tiêu biểu và trực tiếp sản xuất đem lại hiệu quả cao là một cách biểu dương khích lệ tốt nhất cho họ và Bến Tre là một trong những tỉnh như thế. Trong nhiều năm liền dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh các ngành như Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với nhau, kịp thời phát hiện và khen thưởng cho người lao động nhất là nông dân, công nhân người trực tiếp lao động sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 09 nông dân của tỉnh Bến Tre với thành sản xuất kinh doanh giỏi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bản thân và địa phương góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cao Thị Trúc Lạnh