“ Tiếng mõ an ninh trật tự ”: - Ổn định đời sống nhân dân.

 11794 lượt xem
( BTĐKT) - Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay, xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu với những cách làm sáng tạo. Trong đó mô hình “ Tiếng mõ an ninh trật tự ” tại địa bàn thôn Bó Lịn, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông là cách làm hay cần được nhân rộng ra những địa phương khác. 

Thôn Bó Lịn có 45 hộ, 204 nhân khẩu; gồm 5 dân tộc cùng sinh sống là: Tày, Kinh, Dao, Nùng và Mường. Đồng bào sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay cuộc sống của người dân khá ổn định, trong thôn gia đình đạt danh hiệu" Gia đình văn hoá luôn đạt 95- 97% ( năm 2013 đạt 44/45 hộ) trong thôn chỉ còn 01 hộ nghèo. Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn Bó Lịn nói riêng và xã Vi Hương nói chung còn nhiều phức tạp nhất là về ma tuý có nhiều điểm bán và người nghiện, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng... làm cho nhân dân trong thôn không yên tâm lao động sản xuất.Với quyết tâm lập lại An ninh trật tự an toàn xã hội cho từng người dân, từng hộ dân theo bản sắc dân tộc, quy ước, hương ước thôn bản và theo đúng pháp luật. Phát huy vai trò tự giác, tự chuẩn bị trong việc tự quản tài sản, tính mạng của từng cá nhân và cộng đồng trong khu dân cư. Ngày 12/8/2011 Kế hoạch tác chiến khu dân cư đã được thông qua và đưa vào thực hiện và triển khai tại thôn mà điểm nhấn là “Tiếng mõ an ninh trật tự”.

Để tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, kế hoạch tác chiến đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, chi bộ, trưởng, phó các ban ngành đoàn thể thôn và nhân dân trong thôn để hoàn chỉnh, thống nhất thông qua quy định về ám tín hiệu của tiếng mõ để người dân trong thôn nắm được và thống nhất thực hiện đúng thao tác khi có sự việc xảy ra: Ví dụ: Gõ liên tục: Gõ báo động; gõ 2 tiếng 1: Báo hiệu khu vực xảy ra; gõ 3 tiếng 1: Báo hiệu có trộm cắp;  gõ 4 tiếng 1: Báo hiệu có đánh nhau, gây mất công cộng; gõ 5 tiếng 1: Báo hiệu có cháy, hỏa hoạn... Theo đó, mỗi gia đình đều làm ít nhất một chiếc mõ bằng gốc tre hoặc gỗ, có độ kêu thanh vang. Mõ được treo ở những nơi thuận lợi, sẵn sàng thao tác khi có sự việc xảy ra. Một gia đình gõ mõ lập tức mõ ở các nhà khác cũng vang lên, mọi người tập trung lại cùng nhau truy đuổi và vây bắt nếu có kẻ trộm, hoặc giúp nhau khi có hỏa hoạn xảy ra. Bên cạnh đó, tổ an ninh tự quản của thôn đã phân công trách nhiệm, chia lực lượng thành từng nhóm chốt chặn, phối hợp với lực lượng tuần tra canh gác và lực lượng tại chỗ  khi có tín hiệu sẽ cùng huy động lực lượng và mang theo những vật dụng cần thiết để giải quyết sự việc như đèn pin, gậy gỗ phòng vệ, mũ cứng bảo hộ. Kinh phí hoạt động trích từ quỹ an ninh của thôn do nhân dân đóng góp.
 
Với hơn 2 năm thực hiện đã giúp cho lực lượng Công an phát hiện và vây bắt 3 vụ trộm cắp tài sản; ngăn chặn, giải tán 1 vụ đánh nhau gây rối trật tự công cộng;  Tháng 11 năm 2011 có vụ cháy rừng xảy ra ở thôn Địa Cát – Vi Hương. Khi nhận được tin báo của Ban phòng cháy chữa cháy xã, Tổ trưởng tổ An ninh đã huy động nhân dân trong thôn qua tiếng mõ để tham gia chữa cháy kịp thời. Trong năm 2012 trong thôn xảy ra: 02 vụ trộm tài sản, 01 vụ thanh niên xã khác đến thôn gây rỗi trật tự công cộng. Khi địa điểm vụ việc đang xảy ra gõ mõ Tổ trưởng tổ An ninh nhận định nội dung vụ việc đã tổ chức các lực lượng và triển khai theo kế hoạch vây bắt đối tượng. Năm 2013 chỉ còn xảy ra 01 vụ trộm cắp vặt, tình hình trật tự an toàn xã hội trong thôn ổn định. Tệ nạn ma tuý giảm, trong thôn chỉ còn 01 đối tượng quản lý sau cai. 
 
Tại Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014, tổ an ninh thôn Bó Lịn, xã Vi Hương là tập thể báo cáo điển hình về tổ chức hoạt động và kết quả của mô hình “Tiếng mõ an ninh trật tự” tại thôn được đánh giá cao và cần được nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác trên toàn tỉnh. Với vai trò là Trưởng thôn, tổ trưởng tổ an ninh, trực tiếp tham gia vào chỉ huy, chỉ đạo kế hoạch tác chiến khu dân cư tự quản ông Phùng Đức Tuấn đã trao đổi một số kinh nghiệm như sau: Trong thực hiện phải có sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, UBND xã, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể; công an xã phải thực sự phát huy vai trò nòng cốt, chú trọng công tác xây dựng mô hình nhân dân tự quản về an ninh trật tự, lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của địa phương và quan trọng là hợp lòng dân để triển khai thực hiện có hiệu quả. Lãnh đạo phải xác định việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình là việc làm lâu dài, không thể làm lấy thành tích, ghi tên rồi bỏ. Khi triển khai thực hiện phải tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới và tạo sự đồng thuận của nhân dân, mang lại lợi ích cho nhân dân. Mặt khác, công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện mô hình phải gắn chặt với các phong trào khác của địa phương. Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phải làm cho nhân dân hiểu rõ lợi ích thiết thực và tự giác thực hiện. Lực lượng công an luôn tăng cường công tác tuần tra kiểm soát địa bàn; chủ động xử lý kịp thời các tin báo, nhanh chóng có mặt nơi xảy ra vụ việc, tuyên truyền vận động nhân dân khi tham gia truy bắt người vi phạm pháp luật không đánh trọng thương đối với những người bị bắt. Đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia trong đấu tranh, tố giác và truy bắt tội phạm và cứu hỏa hoạn xảy ra trên địa bàn cần được lãnh đạo động viên khen thưởng kịp thời.
 
Có thể khẳng định đến nay mô hình “Tiếng mõ an ninh” tiếp tục được duy trì và hoạt động hiệu quả, tình hình An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn Bó Lịn luôn được giữ vững ổn định. Nhân dân trong thôn yên tâm lao động, sản xuất không còn lo sợ tài sản, của mình ở nhà bị trộm cắp như trước. Tinh thần đoàn kết của nhân dân rất cao, sẵn sàng vì cộng đồng, tự giác tham gia vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc./.
 
 
Song Huê
 
Ý kiến của bạn