(BTĐKT) Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41) ban hành cách đây hơn 3 năm được xem như cơ sở pháp lý cơ bản trong việc tập trung đầu tư vốn cho tam nông. Nghị định cũng đang góp phần khơi thông nguồn vốn về nông thôn, là cú hích tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Từ thực tế triển khai chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp phát triển nông thôn ở nhiều địa phương cho thấy có rất nhiều hộ vay vốn phát triển sản xuất có hiệu quả, nhất là các hộ vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, làm kinh tế vườn – ao – chuồng.
Việc triển khai chương trình này đã đưa bà con thoát nghèo từ chính sản phẩm nông nghiệp. Tổng vốn vay tuy chưa nhiều nhưng từ nguồn vốn này đã giúp nhiều gia đình có công ăn việc làm, nuôi được con cái ăn học và vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả tích cực mà nguồn vốn vay ưu đãi mang lại, quá trình đưa chính sách vào cuộc sống lại vướng phải một số rào cản nhất định. Trong đó, khó khăn lớn nhất là sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro bởi những tác động của thị trường, thời tiết, dịch bệnh. Chỉ cần một trận lũ hay cơn bão, dịch bệnh đi qua là có thể cuốn đi tài sản hàng trăm triệu đồng của bà con. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa được triển khai đồng bộ khiến người nông dân phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi mùa vụ thất bát hoặc thời tiết diễn biến xấu. Đây chính là rào cản lớn cho việc thực thi chính sách mà Chính phủ cần phải quan tâm hơn nữa để việc bà con sử dụng đồng vốn vay được hoàn toàn yên tâm phát triển kinh tế.
Mặc dù tư vấn cho bà con cách làm ăn hiệu quả không có trong nội dung của Nghị định 41 cũng như điều lệ hoạt động của ngân hàng, nhưng với phương châm “đồng hành cùng nông dân”, người cán bộ ngân hàng nông nghiệp còn phải nắm bắt diễn biến thị trường và những yếu tố mùa vụ để giúp nông dân phương pháp đầu tư hiệu quả, tránh rủi ro. Cách làm sáng tạo này của các cán bộ ngân hàng là mũi tên trúng hai đích, vừa giúp nông dân làm giàu nhưng cũng là bảo toàn sự bền vững của hệ thống ngân hàng nông nghiệp.
Ngoài ra, một số vấn đề bất cập khác khi triển khai Nghị định 41 cũng đang được quan tâm như: Người dân ở các phường, thị trấn không thuộc vào đối tượng được hưởng những ưu đãi về vốn trong khi họ vẫn sản xuất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm tiền vay còn nhiều bất cập, mức cho vay còn thấp…
Những vướng mắc trên đang được ngành ngân hàng kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ. Ngân hàng nhà nước khẳng định, cơ quan này đã nắm được những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 41và cũng đang xây dựng định hướng chính sách cho vay lĩnh vực tam nông để trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 trong thời gian tới./.
Vân Hà