(BTĐKT) - Thôn Phiêng Tạc là một thôn còn hoang sơ của xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm khoảng cách từ thôn Phiêng Tạc đến trung tâm xã dài gần 4 km nhưng để đi lại, giao lưu, buôn bán chỉ có cách đi bộ theo lối mòn nhỏ hẹp men theo triền đồi cao và dốc. Vì không có đường giao thông đi lại nên trẻ con đi học rất vất vả, nông sản bà con sản xuất ra không bán được vì không có thị trường tiêu thụ và trao đổi hàng hóa và nếu có thì tư thương ép giá vì lý do giao thông đi lại khó khăn, để bán được nông sản bà con lại phải tự vận chuyển bằng cách gùi và dùng ngựa thồ ra chợ trung tâm xã để trao đổi.
Là người dân tộc Dao sinh ra và lớn lên ở thôn Phiêng Tạc, xã Nhạn Môn thấy được nỗi vất vả của bà con anh Bàn Văn Trị đã trăn trở suy nghĩ làm thế nào để có một con đường đi lại vào trong thôn để bản thân, gia đình và bà con trong thôn đi lại đỡ vất vả và góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Anh nghĩ trong lúc tỉnh, huyện còn khó khăn, chưa đầu tư đường giao thông nông thôn kịp thời đến các thôn, bản vùng sâu, vùng cao thì bản thân mình cũng cần đứng ra tổ chức mở đường để có đường đi lại thuân tiện cho mình và cả xã hội nên anh đã quyết tâm thuyết phục gia đình và hàng xóm hiến đất hơn 10.000m2 để làm đường vào thôn. Anh chia sẻ lúc đầu vận động tôi gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người cho rằng việc tôi tự đứng ra làm đường khó mà thực hiện được nhưng tôi vẫn quyết tâm kiên trì vận động bà con hiến đất đặc biệt là các hộ ở thôn Vy Lạp, khi vận động được bà con đồng ý hiến đất cùng mở đường tôi tiếp tục đưa vấn đề làm đường ra bàn bạc với bà con trong thôn. Nhiều người trong thôn đều đồng ý, nhưng đa số các hộ trong thôn còn nhiều khó khăn về kinh tế nên bà con chỉ đồng ý tự bỏ công lao động, không đồng ý góp tiền thuê máy xúc để làm đường vì tiền công thuê máy xúc cao (350 nghìn đồng/giờ máy làm việc).
Trước tình hình đó để quyết tâm mở đường anh Trị bàn với gia đình sẽ tự bỏ kinh phí gia đình ra để làm. Về kinh phí thực hiện để thuê máy xúc làm đường vào thôn anh đã thuyết phục gia đình bỏ ra gần 80 triệu đồng bằng việc bán 02 con trâu, 18 con lợn và cầm sổ đỏ vay thế chấp Ngân hàng, ngoài ra được sự hưởng ứng của bà con hàng xóm tự nguyện hiến đất, đặc biệt là anh Hoàng Văn Mù ở thôn Vy Lạp tự nguyện góp tiền cùng nhau thực hiện mở đường vào thôn. Thấy được sự quyết tâm kiên trì mở đường vào thôn của anh Trị, về sau nhiều hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp thêm 8,8 triệu đồng. Với sự đồng thuận cao của bà con nhân dân trong thôn Phiêng Tạc, sau hơn 1 tháng, tuyến đường mới từ thôn Phiêng Tạc ra trung tâm xã dài gần 4 km, mặt đường rộng 2,5m đã được hoàn thành vào cuối tháng 8 năm 2011 trong niềm vui vô bờ của bản thân anh Trị và người dân thôn Phiêng Tạc của xã Nhạn Môn. Nhưng trước hết, với con đường đất gần 4 km làm từ số tiền mồ hôi, công sức của chính mình, anh đã giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm gắn bó với vùng đất mới và diện mạo thôn Phiêng Tạc đang thay da đổi thịt từng ngày, trẻ em trong thôn đến trường không phải men theo đường rừng để đến trường nữa.
Anh tâm sự từ khi có con đường mới, bản thân anh rất vui vì gia đình có điều kiện để phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, đi lại thuận tiện, người dân không còn phải đi bộ trên lối mòn. Xe máy có thể chạy đến từng nhà trong thôn, nông sản làm ra không còn cảnh bị tư thương làm giá. Còn với gia đình anh, ngoài tổn thất đàn gia súc, gia cầm, số tiền 35 triệu đồng vay ngân hàng trước mắt bản thân anh không quá bận tâm về món nợ này, bởi vì có đường đi lại gia đình sẽ tổ chức làm ăn, phát triển sản xuất để trả dần và điều quan trọng là những gì bản thân mình cống hiến được mình cống hiến không thể cứ mãi trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, mà phải tự tìm cách tháo gỡ khó khăn. Bản thân anh mong muốn Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành cần tạo điều kiện giúp đỡ địa phương phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đi lại, thủy lợi, ...để bà con nhân dân địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong làm ăn vươn lên xóa đói nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Trong những năm tiếp theo anh sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hết khả năng của mình, vận động gia đình, bà con hàng xóm trong thôn phấn đấu phát triển sản xuất, đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương ngày càng phát triển để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Do có nhiều đóng góp công sức, tiền của gia đình, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động bà con trong thôn mở đường và thường xuyên cải tạo và khắc phục đường để bà con đi lại dễ dàng hơn. Anh Bàn Văn Trị đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”./.
Song Huê