Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những công cụ hữu hiệu giúp cho việc chỉ đạo, điều hành nâng cao hiệu quả, chất lượng xử lý công việc của cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước. Nhận thức được điều ấy, Đông Triều đã luôn quan tâm tới việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan chuyên môn và trong quản lý, điều hành của huyện.
Ngay từ năm 2008, Đông Triều đã triển khai các biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ trong các cơ quan, nhằm mục đích khai thác hiệu quả hệ thống máy tính đã được trang bị. Rất nhanh chóng, đến đầu năm 2009, tất cả 21 xã, thị trấn trên toàn huyện đã được kết nối Internet; đồng thời đưa hệ thống hòm thư công vụ vào hoạt động. Huyện đã tổ chức tập huấn sử dụng hòm thư công vụ cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ở tất cả các phòng ban, các xã, thị trấn trên địa bàn. Cho đến nay, cán bộ, công chức, viên chức đã sử dụng thành thạo hộp thư điện tử phục vụ việc chỉ đạo, điều hành của địa phương.
Kết quả học tập của học sinh được cập nhật vào Sổ Liên lạc điện tử của
Trường THCS Mạo Khê II (Đông Triều) để phụ huynh nắm được kết quả học tập,
rèn luyện của con em tại trường.
Cùng với việc đảm bảo cơ sở hạ tầng Internet của các xã, thị trấn ổn định, UBND huyện đã mạnh dạn đưa hệ thống truyền hình trực tuyến vào hoạt động. Dựa trên nền website đã xây dựng, các đơn vị từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn đều được trang bị máy tính xách tay và hệ thống trang âm. Từ đây, việc vận hành và triển khai hệ thống trực tuyến của huyện đã có những kết quả khả quan nhất định. Định kỳ hàng tháng, UBND huyện tổ chức phiên họp trực tuyến thường kỳ với 21 điểm cầu là các xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện cũng chỉ đạo ngành giáo dục đầu tư, tập huấn và không ngừng nâng cấp hệ thống trực tuyến, nâng tổng số điểm cầu trên toàn huyện lên đến gần 100 điểm, tạo điều kiện cho hàng ngàn người cùng tham dự. Cổng thông tin điện tử của huyện thành lập và thường xuyên được cập nhật những thông tin mới về công tác tổ chức; lịch công tác; tin bài về các hoạt động của lãnh đạo huyện; thông báo mời họp và các công văn hiện hành... Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT trong dạy và học của ngành GD-ĐT huyện cũng đạt được nhiều thành tích, góp phần giữ vững là đơn vị mạnh trong tốp đầu thi đua của tỉnh.
Qua việc ứng dụng CNTT phục vụ sự chỉ đạo, điều hành cho thấy Đông Triều đã đạt được những kết quả nổi bật. Đó là đã xây dựng được tác phong làm việc khoa học, hiện đại, hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết công việc; tiết kiệm được thời gian, chia sẻ, công khai thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Việc sử dụng hộp thư công vụ đã rút ngắn thời gian xử lý từ khi văn bản được dự thảo cho tới khi ban hành. Cùng với hệ thống truyền hình trực tuyến của địa phương đã nâng cao sự chủ động của lãnh đạo trong giải quyết các vấn đề cấp bách như phòng chống bão lũ, cháy rừng… phục vụ hiệu quả công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT cũng góp phần tiết kiệm được không ít chi phí hành chính. Bởi nếu như trước đây các văn bản chỉ đạo, điều hành đều phải in ra thì nay qua chuyển tập tin trên mạng đã giảm đi chi phí phôtô, chuyển tài liệu, tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng/quý. Bên cạnh đó, việc công khai lịch công tác của UBND huyện và các văn bản hiện hành trên trang thông tin điện tử giúp cho các cơ quan chuyên môn chủ động triển khai công việc, không để chậm, sót việc; sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện thống nhất và không bị chồng chéo.
Dù vậy, việc ứng dụng CNTT ở huyện cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn. Đó là hệ thống mạng thường gặp sự cố về đường truyền, khả năng ứng dụng của một số cán bộ, công chức còn lúng túng; số lượng máy vi tính được trang bị và tự trang bị còn ít... Qua thực tế đã cho thấy, để đạt hiệu quả cao hơn trong ứng dụng CNTT ở địa phương, Đông Triều cần được sự hướng dẫn cụ thể hơn của đơn vị chức năng của tỉnh. Bên cạnh đó, sự gương mẫu tâm huyết, đi đầu của lãnh đạo địa phương trong ứng dụng CNTT cũng rất quan trọng. Việc bồi dưỡng về kiến thức CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng cần được tăng cường; đồng thời, đòi hỏi cán bộ quản trị mạng phải có trình độ, năng lực và trách nhiệm cao hơn với công việc. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT một cách chi tiết, khoa học cũng cần có lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương…