Mô hình nông thôn mới (NTM) đang triển khai đồng loạt trên địa bàn huyện Phú Ninh. Những chuyển động đa dạng các thành phần kinh tế đang phát triển trên vùng đất này có sự tiếp sức không nhỏ của nguồn vốn vay ngân hàng.
Động lực
Trên đồng ruộng Phú Ninh những năm gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều phương tiện cơ giới hóa. Giảm sức lao động cơ bắp, giảm chi phí đầu tư cho nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa luôn là mục tiêu hàng đầu của người nông dân. Tại xã điểm NTM Tam Phước, các hộ ông Phạm Dũng, Đoàn Sĩ, Đoàn Nam, Nguyễn Văn Hoàng, Trần Văn Sự... , mạnh dạn vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Phú Ninh (gọi tắt Agribank Phú Ninh) để mua sắm nông cụ hiện đại, phục vụ sản xuất, trồng trọt. Trong trường hợp vay mua nông cụ trị giá hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, người vay chỉ cần chứng minh xuất xứ sản phẩm, nơi sản xuất máy móc, cán bộ tín dụng ngân hàng đến kiểm tra, lập thủ tục cho vay liền. Cũng từ nguồn vốn vay, nhiều nông dân Tam Phước có điều kiện cải tạo hàng chục vườn tạp. Với các trường hợp vay vốn cải tạo vườn tạp, Agribank Phú Ninh không ngần ngại cho vay với mức bình quân 50 triệu đồng/vườn.
Các doanh nghiệp ngày càng đến đầu tư tại huyện NTM Phú Ninh.
Đồng vốn vay của Agribank Phú Ninh tiếp thêm sức cho họ trong việc kinh doanh,
thu hút lao động tại địa phương.
Khu vườn của bà Lê Thị Cúc (Tam Phước) giờ phủ màu xanh cây trái, rau quả. Có được nguồn vốn 50 triệu đồng, bà Cúc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích và thâm canh một số cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao. Bà Cúc cho biết: “Với số tiền vay tương đối lớn, tôi có điều kiện tính toán, đầu tư hợp lý. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ cần vài ba năm nữa là tôi có thể hoàn vốn”. Thực tế, phong trào cải tạo vườn tạp không chỉ phát triển mạnh ở Tam Phước mà còn lan tỏa đến các xã Tam Dân, Tam Thái, Tam Lãnh, Tam An, Tam Lộc, Tam Vinh. Chính vì nguồn vốn vay sử dụng có hiệu quả đã tạo động lực cho người dân học tập và triển khai các mô hình kinh tế. Ông Huỳnh Tấn Đức - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh khẳng định: “Khi phát động xây dựng huyện NTM, chúng tôi đề nghị các xã xác định lợi thế riêng để phát triển, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng vốn vay ngân hàng để kích cầu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập huyện, Agribank Phú Ninh là bạn đồng hành với nông dân trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.
Sức lan tỏa
Việc xây dựng NTM ở Phú Ninh đã làm đổi thay diện mạo nhiều vùng quê, không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi mà các loại hình chợ búa, cụm dịch vụ - kinh doanh phân bố rộng khắp. Nam nữ thanh niên ngày càng thoát cảnh ly hương, mạnh dạn bỏ vốn làm ăn ở quê nhà. Tại xã Tam Phước, hàng loạt cơ sở may mặc, chế biến, chăn nuôi…, mọc lên thu hút hàng trăm lao động như Công ty TNHH một thành viên May mặc Phúc Long, Doanh nghiệp tư nhân Cúc Phương có mặt trên địa bàn đã giải quyết cho hơn 100 lao động là con em địa phương.
Nhà đầu tư chọn xã điểm NTM Tam Phước để làm ăn, phát triển kinh tế, ngoài trợ giúp của chính quyền, còn phải nói đến “người bạn đồng hành” là những đồng vốn vay tiếp sức của Agribank Phú Ninh. Mô hình NTM ở Tam Phước phát triển kéo theo hàng loạt dịch vụ ăn uống, giải khát, hệ thống internet… phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân.
Theo ông Lương Hoài Nhơn - Giám đốc Agribank Phú Ninh, trước đây tốc độ tăng trưởng dư nợ của đơn vị rất thấp, nhưng từ khi triển khai mô hình NTM, nông dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đến gõ cửa ngân hàng. Năm 2006 tổng dự nợ chỉ gần 19 tỷ đồng, đến hết ngày 24.10 là gần 36 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân qua các năm là 15,05%. Tỷ lệ nợ xấu 2 năm trở lại đây cực thấp. “Ngân hàng và khách hàng nông dân như đối tác làm ăn lâu dài, tin cậy lẫn nhau. Theo khảo sát, hầu hết các hộ vay với mức 50 triệu đồng trở lên đều phát triển được sản xuất theo hướng thâm canh, kinh doanh quy mô và hiệu quả hơn. Không ít trường hợp người vay vốn ngân hàng trở thành điển hình lao động - sản xuất kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền” - ông Nhơn nói.