Kế hoạch Tổ chức thi tuyển “Thẩm phán giỏi” và đề nghị xét tặng Danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” năm 2014.

 10745 lượt xem
(BTĐKT)-Nhằm lựa chọn, biểu dương khen thưởng, tôn vinh những Thẩm phán có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác xét xử, đã trực tiếp giải quyết, xét xử số lượng án lớn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, tạo động lực thi đua sôi nổi theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, thiết thực theo chủ đề “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch Tổ chức thi tuyển “Thẩm phán giỏi” và đề nghị xét tặng Danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” năm 2014. 

Danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu” và “Thẩm phán mẫu mực” là danh hiệu vinh dự của ngành Tòa án nhân dân, được tặng cho các Thẩm phán có những đóng góp đặc biệt xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Tòa án nhân dân.

Các cá nhân có ít nhất 1 nhiệm kỳ là Thẩm phán, có phẩm chất đạo đức tốt; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, kỷ luật lao động của cơ quan; trong thời gian xét tặng được công nhận là Đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tích cực tham gia các phong trào thi đua; trong 03 năm công tác trước thời điểm xét tặng liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; có số lượng vụ, việc xét xử hoặc được phân công trực tiếp giải quyết phải cao hơn số lượng vụ việc bình quân của Thẩm phán trong đơn vị, không có án quá hạn luật định do lỗi chủ quan, số án bị hủy do lỗi chủ quan dưới 1%, số án bị sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan dưới 2%/tổng số án đã giải quyết. Đối với Thẩm phán là thủ trưởng đơn vị, Chánh án Tòa án nhân dân 2 cấp thì tiêu chuẩn cao hơn.

 

Các Thẩm phán đạt các tiêu chuẩn nêu trên có thể tham gia thi tuyển “Thẩm phán giỏi” gồm 2 phần thi lý thuyết và thi thực hành, nội dung xoay quanh các kiến thức, nghiệp vụ pháp luật trong công tác xét xử án hằng ngày. Các Thẩm phán đáp ứng đủ tiêu chuẩn trên, đã trực tiếp xét xử liên tục từ 300 vụ, việc trở lên mà không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa vì lý do chủ quan dưới 2% thì được đặc cách xét tặng Danh hiệu “Thẩm phán giỏi” mà không qua thi tuyển.

 

Danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” được xét tặng trong số các cá nhân đạt Danh hiệu “Thẩm phán giỏi” nhưng với những tiêu chuẩn đặc biệt cao hơn.

 

Thái Thành

 

 
Ý kiến của bạn