(BTĐKT) - Ngày 10/6, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức lễ Kỷ niệm 66 năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2014). Đây là dịp gặp gỡ, cùng nhau ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của ngành thi đua khen thưởng và công lao đóng góp của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng tại Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ôn lại truyền thống ngành Thi đua – Khen thưởng.
Cách đây vừa tròn 66 năm, ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhân kỷ niệm 1000 ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời “kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước có tổ chức ở nước ta.
Khởi đầu của tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng là Viện Huân chương, được thành lập ngày 17/9/1947 trực thuộc Phủ Chủ tịch theo sắc lệnh số 83/SL của Chủ tịch nước với nhiệm vụ: “Giúp Chủ tịch nước nghiên cứu ban hành các chế độ, thể lệ khen thưởng Huân chương, Huy chương, xét duyệt, đặt sản xuất và cấp phát các loại Huân chương, Huy chương”.
Ngày 01.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương. Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương gồm các đại biểu của Quốc hội, Chính phủ và đại diện các đoàn thể nhân dân có nhiệm vụ vận động, đôn đốc thi đua và phổ biến kinh nghiệm; và giao cho Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu, tỉnh, huyện, xã đặt kế hoạch về thi đua ái quốc. Bác Hồ đã mời cụ Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng Cục Quân huấn giữ chức “Tổng bí thư thi đua” và tặng cho Cụ chiếc quạt để “Xin nhờ Cụ quạt cho phong trào lên”.
Trải qua 66 năm chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ với hàng nghìn cán bộ lãnh đạo và chuyên trách, hàng vạn cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thi đua khen thưởng, đội ngũ này đã và đang được tăng cường, củng cố một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng từ các Bộ, ngành Trung ương tới các địa phương, các Tổ chức chính trị xã hội và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước v.v… Hiện nay Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương có gần 100 công chức, viên chức và người lao động với 07 vụ chuyên môn, 03 đơn vị sự nghiệp luôn thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngày đang cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó.
Trong năm 2013, Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng. Đề án "Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” đã trình Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị thông qua, ra Thông báo số 120-TB/TW ngày 18/01/2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII (Luật số 39/2013/QH13); Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2014.
Ngành Thi đua - Khen thưởng từ Trung ương tới địa phương đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình thực tế. Các hoạt động tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống Thi đua yêu nước (11/6/1948-11/6/2013) được diễn ra sôi nổi, thiết thực, đa dạng và phong phú từ trung ương tới cơ sở; phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" cũng đạt được nhiều kết quả, được các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đồng tình hưởng ứng; công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và các điển hình tiên tiến được đẩy mạnh; chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng được nâng cao, trong đó khen thưởng kháng chiến được tập trung giải quyết và cơ bản hoàn thành; công tác thanh tra, kiểm tra được tổ chức thường xuyên, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng; bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm, củng cố và đang dần ổn định. Thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; đã tham mưu giúp Hội đồng tổ chức các phong trào thi đua; sơ kết, tổng kết thi đua; phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các mô hình, điển hình tiêu biểu được khen thưởng đã được nhân rộng, lan tỏa, tạo động lực sức mạnh trong nhân dân, góp phần thực hiện và hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội tại các bộ, ngành, địa phương, được dư luận hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu để Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành chỉ thị số 34/CT-TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Đây là chủ trương rất quan trọng của Đảng để thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ quy định mẫu Huân chương, Huy chương, Huy hiệu, Bằng Huân chương, Bằng Huy chương, Cờ Thi đua, Bằng khen, Giấy khen. Phối hợp với một số bộ, ngành xây dựng các nghị định hướng dẫn việc xét phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước (Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân), Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam… đẩy mạnh các phong trào thi đua và phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công nhân, nông dân, người lao động.
Đồng thời tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và pháp luật về thi đua, khen thưởng; đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể Trung ương và địa phương tổ chức phong trào thi đua. Ngay từ đầu năm, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã phát động phong trào thi đua, tiếp tục thực hiện chủ đề “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”; trong đó tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên phủ và phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh kế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2014.
Mặt khác luôn duy trì nề nếp hoạt động của các cụm, khối thi đua. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương, tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể về công tác thi đua, khen thưởng.
Tăng cường tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua và hội nghị điển hình tiến tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015.
Yêu cầu công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị và tôn vinh các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2013.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành thi đua, khen thưởng, của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng đi trước, những lớp cán bộ đang công tác tại Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nói riêng và ngành Thi đua, khen thưởng nói chung hôm nay đang cố gắng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước; thực hiện chuẩn mực đạo đức của người cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng tận tụy, sáng tạo và gương mẫu để xây dựng ngành thi đua, khen thưởng ngày càng phát triển vững mạnh.
Để thực hiện có hiệu quả, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Quán triệt, chú trọng khâu tổ chức thực hiện, bảo đảm triển khai đồng bộ Chị thị số 34/CT-TW của Bộ Chính trị và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Tập trung tham mưu hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013
Triển khai kế hoạch số 13/KH-HĐTĐKT ngày 3/6/2014 của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương về việc tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước và tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng thẩm định, bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng tiêu chuẩn. Chú trọng khen thưởng người có công với Cách mạng, đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tổ chức tập huấn, phổ biến những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định quy định chi tiết thi hành đối với công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng trong cả nước.
Hoài Thanh