(BTĐKT)-Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, trở thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta.
Nhờ phong trào thi đua ái quốc lan rộng, cả tiền tuyến và hậu phương mà sáu năm sau đó, dân tộc ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh của phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nghìn việc tốt”… đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Bác mong muốn toàn thể đồng bào, dù ở cương vị nào, làm công việc gì, đều phải tích cực thi đua yêu nước: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau/Làm cho tốt/Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo… đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến/Toàn diện kháng chiến. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân/Tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”.
Muốn vậy: “Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ngày ngày thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”. Với những ngôn từ vừa giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện vừa sâu sắc, toàn diện, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người có sức lan toả sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Chính vì vậy mà Bác đã viết: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Từ trước tới giờ, ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn làm ruộng, nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy".
Đặc biệt, Bác chỉ rõ rằng, thi đua không thể là nhất thời mà phải trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; hoặc không đúc rút, trao đổi kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở.
Tháng 5/1952, Bác lại tiếp tục khẳng định: "Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất"...
Điều quan trọng nhất trong thi đua yêu nước là phải xác định được nội dung của phong trào thi đua. Phong trào càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt càng cao. Đó là cơ sở để làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia, vừa có chiều sâu, vừa có chiều rộng, vừa có sức hút, vừa có khả năng lan tỏa, cần có phương pháp, khẩu hiệu thiết thực, rõ ràng, định hướng cho phong trào thi đua kiên quyết chống bệnh hình thức: Nghĩa là nói cho hay chứ không làm hoặc không làm được, đồng thời gắn nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời. Theo Bác Hồ, nếu không gắn được nhiệm vụ chung với công việc hàng ngày thì chỉ là "đánh trống bỏ dùi", "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hoặc "đầu voi đuôi chuột".
Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.
Từng câu, từng chữ trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, lan rộng khắp cả nước.
Trong thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc, ngày 1-8-1951, Người chỉ rõ: Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi, phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: Gia tăng sản xuất, công việc hàng ngày và học tập ( về: chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới). Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…
Tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Trong những năm vừa qua, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân là động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Nhằm tiếp tục thực hiện tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (10/01/2013): Về việc tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc – Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/1948 – 11/6/2013).
66 năm đã đi qua, lời chỉ bảo của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, thi đua yêu nước cũng hết sức cần thiết. Bởi hơn 60 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế, đời sống xã hội không ngừng phát triển. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực, ăn sâu, lan rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước hôm nay.
Nhật Minh