Nguyễn Văn Dũng – Nông dân có nhiều sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

 11075 lượt xem
(BTĐKT)-Ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1964, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Phú - Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất rau màu Hưng Thịnh, xã Bình Thuỷ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang được nhiều nơi biết đến như là một nông dân có nhiều sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. 

Tuy chỉ mới học xong lớp 9 nhưng ông Nguyễn Văn Dũng tỏ ra sáng dạ và hay tìm tòi, cũng vì thế đã đưa ra các “chiêu mới” để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây màu. 

Vào năm 2005 đất nông nghiệp xã Bình Thuỷ được đê bao khép kín nông dân sản xuất lúa 3 vụ trong năm nên sâu bệnh nhiều, đất bạc màu, năng suất lúa giảm dần theo hàng năm, dẫn đến lợi nhuận cho người nông dân không cao. Trước tình hình đó, Đảng uỷ, UBND và Hội Nông dân xã Bình Thuỷ kết hợp với Phòng Nông Nghiệp huyện Châu Phú vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa chuyển sang 2 lúa 1 màu.
 
Thời điểm đó cây Đậu nành rất thích hợp cho vụ xuân hè và phù hợp với vùng đất cù lao Bình Thuỷ, cây đậu nành cho năng suất từ 2 đến 2,5 tấn/ha, lợi nhuận gấp đôi trồng lúa xuân hè.
 
Đến năm 2007, cây đậu nành cho hiệu quả lợi nhuận thấp hơn cây Mè đen nên nông dân chuyển đổi trồng cây Mè đen. Cây Mè đen là loại cây trồng chịu úng kém nên nông dân cần làm rãnh thoát nước để chống úng. Tuy nhiên, chi phí làm rãnh thoát nước bằng thủ công như đào mương bằng len, cuốc thì chi phí nhân công cao, trong khi lao động ở địa phương thì thiếu.
 
Từ những yêu cầu, đòi hỏi thực tế ông Nguyễn Văn Dũng đã tìm tòi và đã sáng chế ra một máy đánh rãnh thoát nước có công suất 15 mã lực từ 1 máy xới tay hai bánh của gia đình. Công suất máy đánh rãnh một ngày đạt từ 1 đến 2 hecta gấp 40 lần nhân công lao động thủ công mà chi phí lại thấp (khoảng 30% so với lao động thủ công).
 
Về việc gieo giống cho cây Mè đen cũng gặp nhiều khó khăn vì hạt Mè nhỏ nên việc gieo giống bằng phươg pháp thủ công (sạ bằng tay) rất khó đều dẫn đến năng suất thấp. Một lao động gieo sạ 1 ngày được khoảng 1 đến 1,5 hecta nếu thời tiết thuận lợi. Từ khó khăn đó ông Nguyễn Văn Dũng đã sáng tạo ra 1 máy sạ Mè có công suất 1 ngày đạt từ 05 đến 07  hecta với 01 lao động. Giải pháp đó giúp giảm được lượng giống, chi phí và đẩy nhanh được tiến độ xuống giống; mè sạ đều giúp tăng năng suất, sản lượng.      
 
Nghe tin Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Dũng đăng ký dự thi 2 giải pháp là máy đánh rãnh thoát nước và máy sạ Mè. Kết quả máy đánh rãnh đạt được giải khuyến khích hội thi sáng tạo kỹ thuật năm 2010.
 
Tìm đối tượng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, sản phẩm làm ra phải được công ty bao tiêu, giá cả ổn định là điều mong muốn của bà con nông dân. Từ vụ đông xuân 2011 – 2012, đến nay nông dân đã ký hợp đồng trồng cây đậu bắp Nhật mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.
Để giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân và thực hiện mô hình trên, ông Nguyễn Văn Dũng  đã sáng chế ra các giải pháp để áp dụng trong canh tác cây đậu bắp như:
 
1. Xe phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm sức lao động và tiết kiệm thuốc và bảo vệ sức khoẻ cho nông dân. Đặc điểm xe dùng 1 bánh xe đạp, trên khung xe đặt thùy phi nước thuộc nối với máy xịt có nhiều vòi phun phân bổ ra mỗi bên rộng từ 2-3m. Khi xịt kéo xe theo các hàng đậu bắp. Năng suất 1 người dùng xe phun được gấp 4 lần xịt tay.
 
2. Máy sạ phân cho cây đậu bắp và các loại cây trồng có hàng:  Đặc điểm xe dùng 1 bánh xe honda, trên khung xe đặt 2 bên tương ứng với 2 hàng cây trồng 2 thùng chứa phân có đục lỗ, khi kéo theo hàng phân lọt qua các lỗ rơi xuống phễu và rớt trúng gốc cây trồng. Tùy lượng phân mà điều chỉnh kích thược số lượng lỗ.Giải pháp này giảm chi phí rất đáng kể 01 lao động sử dụng máy 01 ngày có thể bón phân từ 01 đến 03ha, giảm hao hụt phân từ 15% đến 20% so với bón phân thủ công bằng tay. Nếu bón phân bằng cách thủ công, 01ha cần đến 3 lao động bón trong 1 ngày, chi phí lao động là 300.000đ/ha. Trong khi đó chi phí của máy bón phân chỉ 100.000đ/ha, tiết kiệm 200.000đ/ha.
 
3. Máy đánh rãnh trồng cây đậu bắp: Dùng máy xới tay 15 mã lực cải tiến thêm 2 miếng thép ở 2 bên sau các lưỡi máy xới; khi máy xới, đất được xới văng ra và được đẩy về 2 bên tạo thành luống, được cần gạp 2 bên làm cho phẳng, còn phần dưới thành rành; độ sâu rãnh từ 15-20cm. Với máy đào rãnh này một ngày đạt từ 1 đến 2 hecta gấp 40 lần nhân công lao động thủ công mà chi phí lại thấp (khoảng 30% so với lao động thủ công).
 
4. Máy cắt cây đậu bắp: Sau khi thu hoạch cần cắt thân cây đậu bắp để cày xới gieo trồng cây khác.  Đặc điểm máy này là dùng 1 bánh xe đạp, trên khung xe đặt các lưỡi dao, khi kéo xe các lưỡi dao, khi xe di chuyển các lưỡi dao sẽ cắt ngang cây đậu bắp và gạt ra bên phải và xếp thành hàngNhờ máy cắt đã tăng năng suất cao hơn cắt tay 4 -5 lần.
 
5. Máy tưới di động cho cây màu 3 trong 1: Ông dùng máy xe honda cũ 110 phân khối đặt trên xe 4 bánh; dùng máy bơm cải tiến cánh quạt và đặt vào thân máy ống nước hút dưới mương khi chạy máy người ngời trên xe lái máy chạy từ từ nưới được hút lên qua 2 vòi sen mỗi bên ra 4-5m. Nếu muốn tưới phân cùng lúc với bơm nước ông lắp thêm thùng nước đã pha phân bó nối với ông nước chảy xuống theo nước tưới (nông dân gọi là tưới phân qua đèo), với cách bón phân này làm giảm lượng phân, cây hấp thụ nhanh. Nếu cần kết hợp với xịt thuốc thì lắp thêm máy nén tự động pha thuốc bàng nước lấy dưới mương, bét ra 2 bên 3-6 m. Đầu tư toàn bộ máy 3 trong 1 khoảng 6 triệu nhưng so với máy 5,5 ngựa của Nhật thì phải có 2 người sử dụng, máy đặt cố định tưới xong phải khênh máy đi, về nhiên liệu tốn gấp 2 lần, thời gian tưới tăng gấp đôi, chi phí mua máy gấp trên 2 lần…
 
6. Máy bắt rầy xanh trên cây đậu bắp: Dùng khung xe 1 bánh có tăng đưa độ cao gắn 1 máy cắt cỏ. Phía trước gắn 2 cần gạt để xua rầy, bướm bay ra gặp quạt hút hút vào phễu hứng phía sau và rơi vào lưới không bay ra được. Qua khảo sát kéo xe bắt rầy qua 1 lần có thể bắt được khoảng 40% rầy, bướm; giúp giảm 70% thuốc bảo vệ thực vật đồng thời góp phần sản xuất rau an toàn…
 
Giải pháp máy phun thuốc bảo vệ thực vật và máy bón phân cho cây đậu bắp đã tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tháng 7 năm 2012 do Sở Khoa học và Công nghệ An Giang tổ chức và máy bón phân đã đạt được giải khuyến khích.
 
Ông Nguyễn Văn Dũng luôn luôn tìm tòi sáng tạo ra nhiều giải pháp để giúp cho nông dân giảm được sức lao động, chi phí sản xuất để tăng thu nhập, đẩy mạnh việc đưa Khoa học kỹ thuật cũng như cơ giới hoá vào đồng ruộng. Góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại địa phương. 
 
Ông đã được khen thưởng như sau: UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2014;
 
Bằng khen Hội thi sáng tạo kỹ thuật do Hội nông dân tỉnh An Giang tổ chức năm 2010;
 
Danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2011-2012.
 
Đạt 2 Giải khuyến khích tại Hội thi tài năng nhà nông của Công ty Phân bón Bình Điền, Long An do VTV Cần Thơ tổ chức ngày 11/5/2014.
 
Hiện ông đang chuẩn bị dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2014 với 2 sản phẩm: Máy tưới di động 3 trong 1 cho cây màu và Máy bắt rầy xanh trên cây đậu bắp.
 
Với những sáng tạo kỹ thuật thiết thực trên, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã đem video clip trình chiếu tại Hội nghị tổng kết Cụm Tây Nam bộ tháng 3/2014 được các tỉnh và lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng  Trung ương đánh giá cao. 
 
Vừa qua Hội đồng xét sáng kiến cấp tỉnh đã đánh giá sáng kiến giải pháp của ông Dũng rất hiệu quả, có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. 
 
Hiện các giải pháp của ông đang được xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
                                                                       Vũ Đình Phùng 
 
 
Ý kiến của bạn