(BTĐKT)-Tôi biết Phạm Ngọc Quý (Sáu Quý), cư ngụ ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang vào năm 2000 là lúc anh đã nổi danh là “Vua cầu treo” và là một trong những nông dân của tỉnh An Giang vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen vì có nhiều sáng kiến đóng góp cho xây dựng giao thông nông thôn, được tham gia đoàn đại biểu tỉnh An Giang dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội.
Từ vụ cầu treo Chu Va (huyện Tam Đường, Lai Châu) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, vừa đưa vào sử dụng chỉ mới một năm bị lật ngày 24/¬2/2014 khiến 8 người thiệt mạng, 38 bị thương. Tôi có ý định sẽ gặp trực tiếp “Vua cầu treo” để nhờ anh giải đáp về độ an toàn của các cây cầu treo do anh đã làm. Nói vậy nhưng không biết khi nào có dịp gặp được bởi anh bận rộn tối ngày rong ruổi khắp đồng bằng sông Cửu Long để làm cầu treo...
May mắn thay ngày 21/4/2014 đi dự Hội nghị tổng kết tại Tri Tôn, buổi trưa lại găp được Sáu Quý khi anh được Hội Chữ thập đỏ huyện nhờ đến khảo sát, thiết kế miễn phí cầu treo cho xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. Lâu ngày không gặp tôi hỏi anh đủ thứ chuyện, còn xin số điện thoại để liên hệ...
Xuất thân trong một gia đình 9 anh em, tại ấp nghèo nằm sâu trong đồng tại xã Thạnh Mỹ Tây (nay là xã Đào Hữu Cảnh), vừa học xong tiểu học Sáu Quý phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Mới 20 tuổi cha mẹ đã lập gia đình cho anh với chị Võ Thị Mười. Tuy học có vậy nhưng Sáu Quý lại rất khéo tay và rất sáng dạ nên có nhiều sáng kiến... Chuyện trở thành “vua” của anh cũng bắt đầu từ cái khó ló cái khôn. Năm 1995 xã nạo vét kênh nội đồng xã Thạnh Mỹ Tây phục vụ sản xuất nông nghiệp nên cây cầu ván đơn sơ trước nhà bị dỡ để xáng cạp vào múc kinh nội đồng, biến đất lúa mùa nổi thành hai vụ lúa. Nhưng khi mở rộng con kênh xong thì cầu gỗ cũ phần thì hư do tháo dỡ, phần nữa là quá nhỏ bắc lại không được nữa. Sáu Quý nghĩ, mình có thể làm được, khi xem tivi đã thấy các cây cầu treo. Năm đó đã bước sang tuổi 32, khá chín chắn nên Sáu Quý đi vận động kinh phí trong ấp để làm thử cây cầu treo đầu tiên. Anh đóng góp tiền đầu tiên và đi vận động được trên 3,2 triệu đồng nhưng sau đó là lúc anh lo nhất bởi làm ra sao đây ? Liên hệ các cây cầu bêton có phần trên mặt cầu 2 bên hình rẻ quạt chịu lực nhau tạo ra sự bền vững. Từ đó Sáu Quý cùng anh em trong ấp bắt tay vào làm chiếc cầu treo đầu tiên ở An Giang. Ròng rã mấy tháng, khi cây cầu treo bằng gỗ gáo và bạch đàn có bề mặt rộng 1,2m, dài gần 30 m ở Thạnh Mỹ Tây làm xong Sáu Quý vừa mừng vừa lo; sau này anh thú thật “Khi bước lên cầu, tôi cảm nhận được nhịp chân của mình đã làm cầu rung rinh khẽ, tim hồi hộp xen chút lo lắng và tôi không dám tin đây là mô hình cầu treo có thể nhân rộng sau này”.
Khi chính quyền, đoàn thể nhất là nhân dân địa phương đến xem thấy vừa đẹp vừa khá chắc chắn (so với các cây cầu thời đó) khen ngợi không tiếc lời. Được khen ngợi động viên nên anh phấn chấn và có chút tự tin tiếp tục đảm nhận làm các cây cầu treo thay cho cầu khỉ ở địa phương.
Vào thời điểm đó các địa phương cũng không thể nhờ Sáu Quý cất cầu treo, vì họ không đọc được những “bản vẽ” của Sáu Quý. Cũng chính vì vậy mà ở một số nơi muốn mời anh đến xây dựng những cây cầu treo đáp ứng nhu cầu bức thiết của địa phương, phù hợp với nguồn kinh phí hạn hẹp, bị rào cản của những quy định pháp lý khi thanh quyết toán, nghiệm thu công trình… nên không thực hiện được. Họ phải chờ cho cấp trên đồng ý cấp kinh phí theo đúng quy trình và buộc phải do cơ quan chuyên ngành đến khảo sát, thiết kế, thi công…Chỉ những công trình do nhân dân đứng ra tổ chức thực hiện bằng tiền từ thiện, hợp lòng dân được địa phương bật đèn xanh mới có thể thi công được, các cầu này không tính tiền thiết kế, giám sát.. nên giá thành rẻ bằng 2/3 các cây cầu cùng tải trọng.
Đến khi nghiên cứu Cầu Mỹ Thuận thì anh đã cải tiến thêm từng khâu cụ thể, rõ ràng khoa học hơn. Dạng cầu treo của Sáu Quý đã giải quyết được khó khăn cho bà con nhiều địa phương. Cầu treo do anh thiết kế, thi công có ưu thế hơn cầu sắt, cầu gỗ là thường có trụ cầu sát gần bờ, độ thông thuyền rộng, độ tĩnh không lớn, không cản trở ghe tàu qua lại, nông dân rất thích.
Thấy các cây cầu treo Sáu Quý làm ngày càng đẹp, giá thành rẻ, nhiều năm sử dụng vẫn còn tốt nên khắp các địa phương đến đặt hàng một lúc hàng chục cây như Tân Châu, Châu Thành, Thoại Sơn (An Giang). Thương hiệu cầu treo của Sáu Quý đã thực sự nổi tiếng khắp vùng; Các tỉnh Kiên Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Ðồng Nai, Bến Tre cũng đến đặt hàng.
Chưa đầy 20 năm đến nay gần 160 cây cầu treo mang thương hiệu Sáu Quý ra đời, chưa có sự cố nào xảy ra. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của "vua cầu treo" Sáu Quý. Nơi nào có đội cầu treo lưu động của Sáu Quý đến là nơi ấy những cây cầu khỉ bị xóa rất nhanh.
Qua khảo sát, hầu hết, cầu treo do Sáu Quý thực hiện kinh phí do nhân dân đóng góp, nhân dân phân công nhau mua vật tư, giám sát thi công và nghiệm thu một cách công khai và dân chủ nên chẳng lãng phí. Những ngày thi công cầu, không khí thật náo nhiệt. Đội thi công của Sáu Quý chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, đo đạc, thiết kế, thi công. Bên cạnh đó còn rất đông nhân dân trong địa phương ai có tiền góp tiền mua vật tư, người góp gạo, góp thức ăn như rau quả, bầu bí, cá thịt… Người không có tiền thì góp công khuân vác, nấu nướng, phục vụ thi công. Chẳng nghe ai than thở mỏi mệt mà chỉ nghe tiếng cười đùa, vui vẻ.
Đến khi cầu hoàn thành, được báo cáo công khai tài chính, ghi nhận đóng góp của từng người, ai cũng thấy thật là hạnh phúc, vì đã có công sức của mình đóng góp trong đó.
Những năm đầu làm cầu treo, Sáu Quý thường không nhận tiền công, xem như đó là việc làm từ thiện, đóng góp công sức của mình cho xã hội. Tuy nhiên, những công nhân theo anh còn có vợ con, họ cũng cần phải sống để làm lâu dài. Riêng Sáu Quý cũng cần phải có những trang thiết bị kỹ thuật cần thiết để nâng cao chất lượng thi công. Vì vậy, anh phải nhận một phần tiền thù lao khi thiết kế thi công cầu treo tùy kinh phí địa phương cần xây cầu, mà anh thu một khoản tiền công tượng trưng từ 10% đến 20% tổng kinh phí vật tư xây dựng, để trả lương cho công nhân và cũng là để chi vào việc mua sắm thiết bị phục vụ công trình khác nữa…
Để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thi công Sáu Quý đã mua một số thiết bị chuyên dùng như máy hàn, sà lan, máy ép cọc với tổng vốn đầu tư trên 150 triệu đồng. Thợ cầu của anh có tay nghề và kinh nghiệm đạt mức thành thạo, hiểu ý nhau nên luôn thao tác chính xác, chất lượng bảo đảm, hiệu suất cao, luôn hoàn thành công trình với thời gian ngắn nhất. Trả lời câu hỏi về độ bền các cây cầu treo của mình và sự cố cầu treo vừa qua Sáu Quý cho biết “Cầu treo Chu Va xảy ra sự cố là do các con ốc nối giữa dây cáp với thân cầu chất lượng quá kém. Những cây cầu treo của mình ngày trước được cất cũng chỉ là chữa cháy ban đầu, nếu có những cây cầu bê-tông vĩnh cửu thì quá tốt. Nhưng nước ta còn khó khăn, mình và bà con góp sức xây dựng nông thôn mới bằng những cây cầu treo cũng là trách nhiệm với quê hương. Những cây cầu treo được cải tiến hiện giờ, nếu hàng năm cần phải được bảo dưỡng như thoa dầu mỡ, căng dây cáp và phần sắt phải sơn chống sét định kỳ. Không cho xe quá tải đi qua thì cũng có tuổi thọ 30- 40 năm nhưng giá thành thì rẻ hơn nhiều nên vẫn là lựa chọn tối ưu cho việc phát triển giao thông nội đồng các xã vùng sâu, vùng xa”.
Sáu Quý cho biết mới tuần tới thi công móng cầu cho Thị trấn Cái Dầu, ký hợp đồng làm cầu treo cho xã Ô Lâm (Tri Tôn); đầu tháng 7/2014 anh sẽ khởi công cầu Thoại Hà 1, thuộc huyện Thoại Sơn, rộng 3,7m dài trên 73 m...
Về đời tư vợ chồng Sáu Quý có bốn người con trai đang sống ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú. Anh đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Phạm Ngọc Quý, trụ sở doanh nghiệp đặt tại nhà riêng. Con lớn của Sáu Quý đã 32 tuổi chỉ học lớp 5 nhưng có nhiều kinh nghiệm đã có thể đứng chỉ huy làm cầu rồi, con thứ ba là Phạm Thanh Ngà sắp tốt nghiệp kỹ sư cầu đường sẽ tiếp bước anh để thiết kế những cây cầu hiện đại hơn. Con thứ tư theo nghề điện lạnh; còn thằng Út vừa thi tốt nghiệp THPT xong; cũng đã từng đạt hạng Nhì môn Vật lý lớp 12 học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2014...Vậy là anh đã có người nối nghiệp rồi.
Tôi lại nghĩ tỉnh An Giang với gần 300 cây cầu treo, tập trung nhiều ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tân Châu … trong số đó có không ít cầu đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng là một trở lực trong phát triển kinh tế vùng nông thôn, cũng như quyết tâm xây dựng nông thôn mới ở đây. Tuy nhiên chính quyền cần quan tâm bảo dưỡng định kỳ để sử dụng trong khi chưa có kinh phí làm cầu mới. Bàn về chủ đề này ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, người cùng dự họp sau đó cũng có ý muốn mời Sáu Quý đến bảo dưỡng các cây cầy treo của Tân Châu; nếu không thể bố trí đến được ông sẽ nhờ Sáu Quý tập huấn cho công nhân ở đây cách bảo dưỡng cầu treo.
Với những sáng kiến của Sáu Quý, đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh An Giang, UBND tỉnh Vĩnh Long, Trung ương Hội Nông dân và Bằng khen của Bộ Trưởng Giao thông vận tải... hơn 14 năm qua anh vẫn phát huy vai trò của điển hình tiên tiến; có thể xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ phong tặng Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”cho anh, (tôi nghĩ như vậy) và khi trình bày trước Hội đồng xét sáng kiến của tỉnh về sáng kiến của Phạm Ngọc Quý so với sáng kiến của 1 nông dân khác (cũng ở huyện Châu Phú), có nhiều ý kiến tỏ ra thống nhất cao. Hãy thử thách anh thêm thời gian ngắn nữa.
Vũ Đình Phùng