Kon Tum, hồi sinh từ vùng đất lửa

 9830 lượt xem
(BTĐKT)-Kon Tum - miền đất anh hùng, chiếc nôi lớn của nền văn hóa vùng cực Bắc Tây Nguyên. Nơi đây, đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Bar Nah, Giẻ - Triêng, Ja Rai, Brâu, Rơ Mâm... đã sinh thành, lớn lên; bao đời gắn bó keo sơn, kề vai sát cánh và làm nên những kỳ tích để bảo vệ, dựng xây buôn làng no ấm. Nơi đây, đồng bào các dân tộc Kon Tum đều coi mình là con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ trong cuộc chinh phục thiên nhiên để sinh cơ lập nghiệp, viết nên bản anh hùng ca bất tận của dân tộc, còn mãi khắc đậm ghi sâu cho hôm nay và mai sau. 

Đưa điện về buôn làng.

Kon Tum, tiếng Bar Nah có nghĩa là Làng Hồ, đã có trên 100 năm tuổi. Trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, năm 1991, Kon Tum "ra riêng" với khốn khó trăm bề. Cơ sở hạ tầng gần như không có gì, tỷ lệ nghèo đói trên 65%. Tài sản mà người Kon Tum mang theo đáng giá nhất là truyền thống yêu nước, là lòng tin son sắt, thủy chung với Đảng, là bản lĩnh vượt khó và một ý chí quyết tâm làm giàu, làm đẹp quê hương. Suốt hơn 22 năm qua, Kon Tum sôi động  tựa một công trường hối hả. Những con đường lớn rộng mở đang phá thế ngõ cụt bao năm. Trước đây, Kon Tum chủ yếu là làm nông nghiệp với cây lúa và nông sản quay vòng trên đất dốc, đồi cao nhưng tự chủ về lương thực còn khó thì đến cuối cuối 2013, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có gần 3000 cơ sở sản xuất công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp. Từ chỗ không có một nhà đầu tư nào thì giờ đây, các khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai, Đăk La...đang dần được "lấp đầy"; khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y nơi ngã ba Đông Dương đang đêm ngày hối hả mời gọi đầu tư, trở thành nơi khởi đầu,  đột phá phát triển kinh tế Kon Tum. Nhớ lại những năm đầu tách tỉnh, chắt chiu, cần kiệm cả năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ trên dưới 10 tỷ bạc, chưa đủ để sắm xoong nồi, bàn ghế, dựng những ngôi nhà cấp 4 cho các sở, ngành tạm an cư mà làm việc. Vậy mà đến nay, so với cả nước thì chưa thấm vào đâu nhưng với  con số trên 1600 tỷ ( thu ngân sách năm 2012 ) đã là sự gắng công bền sức lắm mới làm nên con số ấy. Kon Tum hiện có trên 470 nghìn dân, đồng bào các dân tộc  thiểu số chiếm trên 53%. Không gian Kon Tum như thửơ nguyên sơ với chim Ch`rao, hoa Pơ Lang thắm đỏ, ánh lửa bập bùng trong lễ hội đâm trâu bên mái nhà rông, có tiếng chiêng vang vọng núi rừng. Nhưng cuộc sống của đồng bào nơi đây đã đổi thay, tươi tốt. Từ đồng bào Giẻ - Triêng, Xơ Đăng, Brâu phía Bắc đến người Bar Nah, Jơ Rai... phía Nam, Kinh - Thượng đồng lòng theo đường đi của Đảng với khát vọng đẩy đói nghèo vào quá khứ, mở hướng đi no ấm ở tương lai.

 Tại đại hội đại biểu thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, chúng tôi đã gặp rất nhiều đại biểu tiêu biểu, đại diện cho các buôn làng về dự Đại hội. Từ Thiếu tướng  của dân tộc Giẻ - Triêng  Đinh Hồng Đe đã ngoài bảy mươi tuổi đến chị Y BDen, dân tộc Rơ Mâm ở xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, ông A Hlưng, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, chị Y Miên, xã biên giới Đăk Blô, huyện Đăk Glei.... đều có chung cảm nhận rằng buôn làng đã đổi thay nhanh quá, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Cho dù ở phố phường hay tít tắp  vùng sâu, người dân đã không còn chỉ lo cho "cái bụng" mà còn hướng đến của ăn, của để, mặc đẹp, ăn ngon. Mừng vui hơn cả là trên mỗi buôn làng, từ Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Plông, Đăk Hà, Kon Rẫy.... đã thấy vững vàng một thế trận lòng dân - quốc phòng, an ninh bền vững. Đó là thành quả của một hệ thống chính trị vừng vàng từ tỉnh đến các buôn làng, là nhân tố để ổn định và phát triển theo đường hướng Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
 
Trong chuyến công tác mới đây , được bà con giới thiệu, chúng tôi  vào thăm gia đình ông A Hun, 49 tuổi, dân tộc Bar Nah ở làng Đăk Mur, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà. Đon đả rót nước mời khách rồi ông nói: "Gia đình tôi ngày trước nghèo đói lắm. Được chính quyền, các đoàn thể giúp đỡ, đến nay gia đình tôi đã trồng được 4 ha cao su, 3 ha cà phê, 1 ha điều, 1 ha sắn, nuôi 7 con bò sinh sản và trên 100 con gia cầm các loại. Năm 2012, gia đình thu nhập hơn 110 triệu đồng và năm nay ước thu khoảng trên 200 triệu đồng, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình tôi có một con đang học Đại học và hai con học cao đẳng". Còn chị Y Xai, dân tộc Ka Dong ở làng Điêk Lò, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông thì hồ hởi: "Nhà mình nuôi được heo, có làm ghè rượu nếp ngon lắm , mời cán bộ về nhà mình  nhé". Tôi ngước nhìn ngôi nhà mới xây khá khang trang, bề thế của người phụ nữ 39 tuổi này với sự khâm phục. Chị còn mua được máy xay xát, tủ lạnh, xe máy.... giữa chốn thâm u của núi rừng này thì thật là giỏi quá.
 
 Từ ngày thành lập lại tỉnh 1991 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chương trình quốc gia, Cụ thể, toàn tỉnh đã đầu tư trên 500 tỷ đồng cho các chương trình 134, 135 của Chính phủ về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã có trường học kiên cố, 100% xã, phường có điện lưới quốc gia. Đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Một diện mạo mới của đời sống văn hóa Kon Tum đang mở ra. Ông tâm sự: "Bây giờ, mỗi khi có người thân bị bệnh, bà con đều đưa đến trạm xá, bệnh viện. Tục giết trâu tế thần mỗi khi trong làng có người qua đời, bà con tổ chức tế lễ hàng tuần nhưng bây giờ được quy ước, hương ước quy định rõ nên việc ăn uống, tế lễ, cũng giảm nhiều". Trước đây, nghe chuyện rằng, con gái Giẻ - Triêng khi lấy chồng phải có 100 gùi củi để nộp thách cưới (còn gọi là "củi hứa hôn"). Rồi ở vùng biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy có hủ tục khi người mẹ chết thì đứa con còn nhỏ cũng bị chôn theo... ai cũng thấy thảng thốt, bàng hoàng. Khi lệ tục đã chắc như đinh đóng cột thì sự thay đổi mới khó làm sao. Vậy mà, bằng sự kiên trì, bằng cách thuyết phục hợp lòng dân, ý Đảng đã hướng đồng bào đến nếp sống văn minh, hiện đại.
 
Kon Tum trong ngày mới, ta nghe âm hưởng từ cuộc sống dội về như nặng sâu tình dân, nghĩa Đảng. Người Kon Tum chất phác và thuần hậu. Nhưng bên trong vẻ thuần hậu, chất phác ấy là sự thông tuệ, bản lĩnh được chưng cất, kết tinh truyền thống văn hóa từ ngàn xưa để đến hôm nay, đồng bào các dân tộc Kon Tum lại xiết chặt tay, viết tiếp bản đại hợp xướng hào hùng về chủ đề cách mạng, về tấm lòng trung trinh, son sắt với Đảng, với quê hương Kon Tum kiên cường và anh dũng. Những kỳ tích trên chặng đường mới đã minh chứng cho sự chỉ lối, soi đường của các Nghị quyết hợp quy luật, đúng lòng dân của Đảng; biết dựa vào dân, bắt nhịp hơi thở cuộc sống của nhân dân. 
 
 Cuộc sống mới đã đến rồi! Nào, hãy nổi cồng chiêng lên, cho tiếng chiêng thanh âm vang khắp núi rừng, cho tiếng cồng trầm thấm đượm vào đất đai, sông suối ngàn đời của ông cha để lại. Hôm nay trên khắp buôn làng lại  rộn tiếng cồng chiêng, một âm thanh đã trở thành sức mạnh, niềm tin của người dân sống dưới dãy Ngọc Linh hùng vĩ.
       
                                                                               Nguyễn Văn Chiến.
 
 
Ý kiến của bạn