Tốc độ Internet tại Việt Nam lại bị ảnh hưởng vì sự cố đứt cáp quang

 9089 lượt xem
Chiều tối ngày 15/7, một sự cố đã xảy ra với tuyến cáp quang AAG (Asia Ameria Gate Way) phân đoạn từ Vũng Tàu - Hồng Kông khiến cho việc truy cập Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Sự cố xảy ra cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 18km. 

Theo thông tin được đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG công bố thì sự cố xảy ra vào hồi 18 giờ 36 phút ngày 15/7 (theo giờ Việt Nam). Vị trí xảy ra sự cố cách bờ Vũng Tàu khoảng 18km.

Sự cố này khiến tốc độ truy cập Internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này đều bị ảnh hưởng.
 
Hậu quả của sự cố đã khiến cho việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của người dùng trong nước, như lướt web (với các trang web đặt máy chủ ở nước ngoài), dịch vụ email, gọi điện Internet ra quốc tế… bị ảnh hưởng do lương lượng chuyển sang sử dụng các hướng dự phòng khác và nhiều khả năng bị nghẽn do các hướng dự phòng không đủ sức đáp ứng.
 
Tuy nhiên sự cố chỉ xảy ra với các liên lạc ở quốc tế, với các dịch vụ, trang web đặt máy chủ trong nước… không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
 
Hiện đơn vị quản lý tuyến cáp AAG đang tìm hiểu nguyên nhân sự cố và có biện pháp khắc phục sự cố đứt cáp quang này. Trong khi đó các nhà cung cấp Internet trong nước cũng đã có biện pháp mở rộng băng thông quốc tế qua các kênh dự phòng để tránh tắc nghẽn kết nối với các trang web và dịch vụ Internet quốc tế.
 
Trong thời gian khắc phục sự cố, nhiều khả năng người dùng Internet trong nước sẽ có truy cập vào các trang web hoặc các dịch vụ Internet nước ngoài, hoặc truy cập được với tốc độ chậm. Các nhà mạng khuyến cáo người dùng nếu không có việc gì quan trọng nên lựa chọn các dịch vụ Internet trong nước, thay vì sử dụng các dịch vụ quốc tế để tránh tình trạng chập chờn hoặc thiếu ổn định. 
 
Hiện chưa rõ thời điểm sự cố sẽ được hoàn tất khắc phục, tuy nhiên quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời tiết.
 
Trước đó, bắt đầu từ tối ngày 15/7, nhiều người dùng Internet trong nước phản ánh tình trạng tốc độ Internet chập chờn và thiếu ổn định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lượng người dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố vẫn chưa nhiều.
 
AAG là một trong những hệ thống cáp ngầm xuyên đại dương lớn nhất thế giới, với độ dài hơn 20.000km, kết nối Đông Nam Á với nước Mỹ, thông qua Thái Bình Dương, được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009. Kể từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, tuyến cáp này đã không ít lần gặp sự cố, hầu hết xảy ra sụ cố trong phân đoạn nối liền giữa Hồng Kông và Singapore.
 
Lần gần đây nhất tuyến cáp quang này gặp sự cố đứt cáp là vào cuối năm 2013. Vào thời điểm đó phải mất 2 tuần sự cố mới được khắc phục hoàn toàn.
 
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cũng đã tiến hành bảo dưỡng tuyến cáp quang này khiến Internet trong nước bị ảnh hưởng. Quá trình bảo dưỡng hoàn tất sau 10 ngày, dài hơn so với 6 ngày như dự kiến ban đầu, do điều kiện thời tiết xấu.
 
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Công ty điện toán và truyền số liệu VDC (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho biết hiện chưa xác định được thời gian cụ thể khắc phục xong sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way).
 
Điều này tương đồng với ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vì với diễn biến phức tạp trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng bất thường của cơn bão Rammasun, việc xác định được mốc thời gian tàu hàn cáp thực hiện được công việc là rất khó.
 
Theo phỏng đoán của ông Hải, nhanh nhất có lẽ cũng phải giữa tháng Tám, tình hình khắc phục sự cố này mới được hoàn tất.
 
Trước đó, vào 18 giờ 53 phút chiều hôm qua (15/7), một sự cố đã xảy ra khiến một sợi cáp trên tuyến cáp AAG - phân đoạn Vũng Tàu - Hong Kong bị đứt. 
 
Thông báo của FPT Telecom cho hay, vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu 18km, nằm ở độ sâu 19m dưới mực nước biển. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.
 
Sự cố đứt AAG khiến việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… sẽ bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng. 
 
Đây không phải là lần đầu tiên AAG bị đứt. Bởi vậy, ngay lập tức các đơn vị đã có hướng ứng cứu để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
 
Ông Hải cho hay, VDC đã chủ động định tuyến lưu lượng khách hàng, đánh giá cấp độ để chuẩn bị phương án kỹ thuật ứng cứu. Bên cạnh đó, VDC cũng lập tức mở các tuyến đất liền ứng cứu, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
 
Phía FPT Telecom cũng sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng.
 
Đại diện của FPT Telecom cũng khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.
 
 
Ý kiến của bạn