Đắk N’Drót: Nhiều hộ nông dân làm kinh tế giỏi

 9459 lượt xem
Nhờ năng động trong cách nghĩ, cách làm, những năm qua, nhiều nông dân ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil), tỉnh Đắk Nông đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi tăng thu nhập, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Anh Hoàng Văn Sinh, dân tộc Mường, thôn 8 là một trong những nông dân tiêu biểu của xã trong việc vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu. Theo anh Sinh thì gia đình anh vào xã Đắk N’Drót sinh sống được hơn 10 năm. Do là người dân tộc miền núi phía Bắc chuyển vào nên trước đây, anh chỉ biết đến việc trồng lúa, mỳ, thu nhập rất thấp. Tuy nhiên, sau một thời gian sinh sống, anh thấy bà con ở đây trồng tiêu, cà phê cho thu nhập tương đối cao nên anh đã học hỏi làm theo. Ban đầu, anh trồng 100 trụ tiêu. Nhưng do kinh nghiệm chọn trụ tiêu, giống tiêu và cách chăm sóc chưa nhiều nên đa số trụ tiêu anh trồng đều bị chết hoặc còi cọc. Không vì vậy mà nản lòng, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của Hội Nông dân xã và các cơ quan chức năng tổ chức. Qua đó, anh đã nắm chắc được kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp nên mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có hơn 2 ha cao su, 1,5 ha cà phê và tiêu.  Anh Sinh phấn khởi cho biết: “Tất cả diện tích tiêu và cà phê đều đang ở trong thời kỳ kinh doanh với năng suất trung bình 2-3 tấn cà phê/ha, 1tấn tiêu/5 sào, nên thu nhập cũng tạm ổn. Nếu trừ tất cả chi phí thì mỗi năm, gia đình tôi còn thu lãi gần 100 triệu đồng. Hiện tại, 2 ha cao su của gia đình tôi cũng đã bước sang năm thứ 6, thời gian tới cũng cho thu nhập đáng kể nữa”. Ngoài trồng cây công nghiệp, gia đình anh Sinh còn chăn nuôi thêm các loại heo giống, heo sinh sản và heo thịt, gà. Tính riêng chăn nuôi, hàng năm, gia đình anh cũng thu lãi hơn 50 triệu đồng. Phát triển kinh tế tốt nên gia đình anh đã có điều kiện để cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, anh còn kiêm luôn chức trưởng thôn 8 và luôn được mọi người yêu mến vì rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác xã hội và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho nhiều gia đình khác.

 
 
Vườn tiêu 5 sào đang thời kỳ kinh doanh của gia đình anh Hoàng Văn Sinh.
 
 
Còn tại thôn 3, gia đình anh Trần Văn Xuân cũng là điển hình về chịu khó làm ăn. Hiện tại, vợ chồng anh nuôi hơn 20 con heo thịt, 3 con heo nái kết hợp với nấu rượu và làm đậu hũ để bán. Theo tính toán của anh Xuân thì vừa chăn nuôi vừa làm nghề phụ thì có thể tận dụng tối đa các phụ phẩm từ bã rượu và đậu hũ nên chi phí chăn nuôi cũng vì thế mà giảm đi. Mỗi năm gia đình anh xuất bán hai lứa, mỗi lứa từ 20-25 con heo thịt với giá bán dao động từ 40- 50 nghìn đồng/kg. Hàng năm, gia đình anh còn thu lãi hơn 85 triệu đồng. Có tiền từ chăn nuôi, anh đầu tư thêm và trồng cao su. Hiện tại, 3 ha cao su của gia đình đã cho thu hoạch mủ lứa đầu, anh đang thuê nhân công cạo mủ. Tình trung bình mỗi ngày, anh có thêm được 1 triệu đồng tiền mủ cao su. Anh Xuân cho biết: “Bây giờ làm kinh tế phải “đi bằng hai chân”, tức là trồng trọt và chăn nuôi phải đi đôi với nhau mới có thể tồn tại, bổ sung vốn cho nhau được. Sắp tới, tôi sẽ xây thêm 200 m2 chuồng trại để nuôi heo nái và xây thêm một hầm biogas nữa để làm chất đốt và chiếu sáng. Là một người nông dân trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới thì ngoài việc làm kinh tế giỏi, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi thì còn phải biết giữ gìn vệ sinh môi trường thật tốt chứ”.
 
Ông Đặng Hữu Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drót cho biết: “Anh Sinh và anh Xuân chỉ là hai trong số 361 hộ nông dân được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Những nông dân này đang từng ngày tìm tòi, học hỏi đưa nhiều cách làm ăn kinh tế hiệu quả về làm giàu cho gia đình. Họ là “bông hoa đẹp” về nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Phát huy những kết quả này, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phát động các phong trào thi đua đến hội viên nông dân và tranh thủ tín chấp với các ngân hàng để nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay, phát triển kinh tế”.
 
 
Ý kiến của bạn